Học sinh Mỹ ngán bài tập về nhà
Một học sinh trung học Mỹ trung bình phải dành bảy giờ mỗi tuần làm bài tập về nhà. Trong khi đó, học sinh ở các nước phát triển dành năm giờ mỗi tuần cho việc tương tự.
Học sinh Mỹ ngán bài tập về nhà
Một học sinh trung học Mỹ trung bình phải dành bảy giờ mỗi tuần làm bài tập về nhà. Trong khi đó, học sinh ở các nước phát triển dành năm giờ mỗi tuần cho việc tương tự.
Điều nguy hiểm nhất là bài tập về nhà khiến cho trẻ ghét học – Ảnh: Reuters |
Cựu giáo viên Mark Barnes, với 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, đồng thời là một tác giả viết sách, cho rằng việc làm bài tập về nhà không hề giúp học sinh giỏi hơn. Chẳng những thế, rất nhiều học sinh thậm chí còn không hiểu những gì chúng đang làm nữa.
Kết quả là bố mẹ thì ra sức hô hào, ép buộc bọn nhỏ làm bài tập, còn con trẻ thì thấy mình như bị vắt kiệt sức.
Ông Mark Barnes nói: “Điều nguy hiểm nhất là bài tập về nhà khiến cho trẻ ghét học”.
Để minh chứng cho lập luận của mình, ông Mark Barnes đã chấm dứt việc ra bài tập về nhà cho học sinh và kết quả là: “Các học sinh của tôi đã thích lớp học hơn và trở thành những người học độc lập có động lực từ bên trong”.
Chuyên gia viết sách về giáo dục nổi tiếng Alfie Kohn, tác giả cuốn Sự huyễn hoặc của bài tập về nhà (The homework myth), đã đưa ra những tác động tiêu cực của bài tập về nhà: nó không những không giúp củng cố thêm việc học hay cải thiện kết quả học tập mà còn cắt bớt thời gian của trẻ ở bên gia đình và bạn bè.
Tác giả Kohn viết: “Trên thực tế, không có bất cứ liên quan gì giữa việc học sinh cấp tiểu học làm bài tập về nhà (hay làm nhiều) với thành tích học tập. Ở cấp trung học, mối liên quan này cũng yếu và thường sẽ biến mất khi áp dụng các biện pháp thống kê phức tạp hơn”.
Dù vậy, rất nhiều người và không ít giáo viên vẫn thích ra bài tập về nhà. Bà Annie Murphy Paul, chuyên gia viết sách về khoa học học tập, cho rằng việc làm bài tập giúp tăng cường kiến thức và làm thay đổi cách học.
John Hattie, giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục Melbourne, đã tổng hợp 800 nghiên cứu liên quan tới hơn 80 triệu học sinh, để tìm ra các nhân tố cụ thể giúp học sinh đạt được kết quả học tập tốt hơn.
Qua đó cho thấy bài tập về nhà có rất ít tác dụng với học sinh tiểu học nhưng mang lại kết quả tốt với học sinh cấp II, từ độ tuổi 11 trở lên.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra bài tập về nhà giúp cải thiện điểm toán nhưng có ít hiệu quả với các môn như tiếng Anh, lịch sử và khoa học.
Một nguyên tắc cốt lõi trong việc giao bài tập về nhà cho trẻ là sự chừng mực. Ở những nước thuộc nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), thời gian trung bình mỗi tuần dành cho bài tập về nhà của trẻ giảm xuống còn một giờ trong giai đoạn 2003-2012. Chỉ có một số nước, trong đó có Mỹ và Úc, đi ngược lại xu hướng trên và tăng khối lượng bài về nhà.
Nhiều trường áp dụng nguyên tắc 10 phút cho bài tập về nhà, có nghĩa với mỗi lớp, thời gian dành cho bài tập về nhà mỗi tối là 10 phút. Theo đó, lớp 1 là 10 phút, lớp 2 là 20 phút và cứ tiếp tục tăng dần, tới lớp 12 là hai giờ.