17/11/2024

Quá tải lễ hội

Mùa lễ hội mới bắt đầu, nhưng cảnh quá tải, tranh cướp đầu xuân đã đáng báo động.

 

Quá tải lễ hội

 

Mùa lễ hội mới bắt đầu, nhưng cảnh quá tải, tranh cướp đầu xuân đã đáng báo động.





Trèo lên đầu nhau trong lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ - Ảnh: Kiều Dương

Trèo lên đầu nhau trong lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ – Ảnh: Kiều Dương



Ngay khi chiếc kiệu xuất hiện tại đền Trần (Nam Định) lúc 22 giờ 30 ngày 21.2, người người đã đua nhau ném tiền rào rào về kiệu ấn. Bất chấp an ninh thắt chặt, công an bảo vệ kiệu nhiều vòng, ngay sau khi làm lễ xong, cảnh tượng chen lấn, xô đẩy lại diễn ra như những năm trước. Họ trèo qua rào sắt, tràn vào nội cung cướp sạch mọi thứ bày trên ban thờ.

Quan chức tranh, dân đứng ngó
Đáng nói hơn, hầu hết những người được vào đền Thiên Trường dự khai ấn trên đều là quan chức, cán bộ của tỉnh Nam Định và các bộ, ngành được Ban tổ chức lễ hội “chọn mặt, gửi vàng”. Họ được cấp thẻ vào dự lễ khai ấn. Trong khi đó, phía ngoài đền Thiên Trường, thường dân không thẻ vẫn đứng thành kính bái vọng vào.
Trước giờ khai ấn đêm 21.2, số liệu của Ban tổ chức cho biết đã cấp thẻ cho hơn 1.000 đại biểu vào đền dự lễ khai ấn. Tuy nhiên, khi đến giờ khai ấn, ước tính lượng người có mặt gấp 3, 4 lần so với số cấp thẻ. Có mặt tại cổng đền Thiên Trường trước giờ khai ấn, rất nhiều người không có thẻ nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại là có người ra tận cổng đưa vào…
Sáng 22.2, khi nhà đền tổ chức phát ấn, người dân xếp hàng chờ lấy ấn một cách bình yên. Nhiều người chứng kiến, một số ít quan chức, công chức vì thiếu ấn đột xuất (các sở, ban ngành của tỉnh được đăng ký số lượng ấn từ trước, sau đó chỉ cử người tới lấy – NV) phải đến đền đều không chịu xếp hàng mà gọi điện thoại hay xộc thẳng vào trụ sở của Ban quản lý di tích hay nhà đền để lấy ấn theo đường tắt…
Nếu ở đền Trần, việc “cướp” lộc diễn ra khiến cả ban thờ sạch bách thì tại Bản Giản (Vĩnh Phúc) và Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội cướp phết lấy may đã khiến nhiều người bị đánh đập, lôi kéo tơi tả. Thậm chí Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, ông Vương Duy Biên đã phải điện chỉ đạo địa phương về vấn đề này.
Quá tải lễ hội - ảnh 1

“Cướp” lộc ở lễ khai ấn đền Trần – Ảnh: Hoàng Long

Lễ hội chưa phải của dân
Còn nhớ, sau những phản cảm của khai ấn đền Trần trước đây, một đề án phục dựng lễ hội này đã được đặt hàng Viện Văn hoá – Nghệ thuật VN. Đề án nhằm khắc phục vấn nạn chính của hội khai ấn là hiểu sai về giá trị chiếc ấn này. Tuy nhiên, nhìn từ năm nay thì đề án này đã thất bại. Chính những quan chức, cán bộ của Nam Định vẫn hiểu sai về giá trị của ấn đền Trần là giúp thăng quan tiến chức nên lao vào kiệu ấn ném tiền, leo qua hàng rào “cướp” lộc cầu may. Ở cửa đền, hàng vạn người dân xếp hàng xin ấn trật tự vẫn tin là ấn này giúp thăng quan tiến chức.
Nhìn hình ảnh “vỡ trận” của hội đền Trần, PGS-TS Lương Hồng Quang – người chủ trì đề án – cho rằng mấu chốt vẫn là lễ hội hiện đang chưa phải của dân. Những khu vực riêng biệt hiện chỉ dành cho những người được lựa chọn đặc biệt, là quan chức. Chính vì thế, việc “giải thiêng” lá ấn hiện vẫn chưa thể nào thực hiện được.
Với những lễ hội có cướp phết hiện cũng đang có hiểu lầm. Theo GS Trần Lâm Biền, một số lễ hội có hiện tượng cướp như cướp gậy của làng Sơn Đồng, cướp kén, cướp cây bông, ném đá chùa Hương… mang ý nghĩa của việc trở về với sự mất trật tự (thời kỳ hỗn mang) để rồi sau đó có một thời điểm sang trang. Những lời khấn của các lễ hội như vậy: “Hôm nay giờ này đến đây thời hỗn mang chấm dứt, xin thần linh cho chúng tôi thiên thời địa lợi, vụ mùa bội thu”. Tuy nhiên, cũng theo GS Biền, việc “mất trật tự” nhiều khi đã đi quá xa, không đúng với nền tảng văn hoá của nó nữa.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết bộ cũng đã tổ chức quán triệt văn bản tới các địa phương, nhưng kết quả vẫn như chúng ta vừa thấy.
Cần thay đổi
Về sự lộn xộn tại các lễ cướp phết, ông Lương Hồng Quang cho rằng, có lẽ cũng đến lúc cần phải thay đổi lễ cướp phết theo hướng không cho cướp nữa mà chỉ rước thôi. “Cần mạnh dạn thay đổi. Ví như làng Đồng Kỵ, trước đây là lễ hội đốt pháo. Giờ nhà nước cấm pháo nổ thì làng chuyển thành rước pháo. Lễ rước pháo cũng vẫn vui và pháo cũng vẫn là vật thiêng”, ông Quang phân tích.
Trong khi đó, TS Lê Thị Minh Lý, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cho rằng mọi việc phải bắt đầu từ chính cộng đồng. Việc tuyên truyền để người dân thấy lá ấn không phải để thăng quan, hay cướp phết để làm gì phải được nói với người dân. Phải có những cuộc đối thoại với họ, bên cạnh những tờ rơi làm theo hướng nhẹ nhàng dễ nhớ. Sau đó, lại có cả những hướng dẫn với người về dự lễ hội. “Một lễ hội cướp phết có thể phù hợp với quy mô nhỏ, ít người. Song bây giờ người dự hội đông hơn trước rất nhiều do giao thông thuận tiện thì phải thuyết phục cả người về dự hội nữa”, bà Lý nói.
Chưa có ý định tổ chức lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long
Sáng 16.2, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Hội Bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên liệt, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước. Cùng ngày, trung tâm cũng có một nghi lễ tâm linh nội bộ bắt đầu năm mới. Đó là việc đóng dấu lên giấy dó và dâng lên tưởng nhớ các vị tiên đế. Dấu ấn được đóng có liên quan đến một hiện vật được tìm thấy khi khai quật Hoàng thành, ở tầng văn hoá Trần. Hiện vật có hình vuông, trên khắc chữ, được một số nhà khoa học đã tiếp xúc cho là ấn Sắc mệnh chi bảo đời Trần. Tuy nhiên, hiện chưa có một hội thảo công khai về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, cho biết trung tâm hiện chưa có ý định tổ chức lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long. Hiện cũng không có việc mua bán, phát ấn tại khu di sản này.

Xô đẩy, sàm sỡ phụ nữ tại lễ hội chùa Bà
Chiều 22.2, tức rằm tháng giêng, hàng ngàn người từ các nơi đổ về chùa Bà Thiên hậu (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) xem rước kiệu Bà đã gây ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Cao điểm lúc 15 giờ cùng ngày, khi Ban tổ chức lễ hội chùa Bà rước kiệu ra khỏi cổng chùa thì có nhiều người leo rào chạy theo sau cầu lộc. Một số người khác chen lấn, xô đẩy nhau trên các xe diễu hành để xin lộc từ các “tiên đồng”, “ngọc nữ”, thần tài… Lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm cảnh sát, quản lý thị trường, nhân viên y tế… để đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh, giữ xe và cấp cứu người bị ngất xỉu.
Cùng ngày, Công an TP.Thủ Dầu Một tạm giữ hành chính Ngô Xuân Đức (44 tuổi, ngụ Bắc Ninh) để xử lý việc Đức đã sàm sỡ nhiều phụ nữ trong lúc chen lấn đi lễ chùa. Đêm 21.2, nghe tiếng kêu thất thanh của một phụ nữ bị sàm sỡ, công an đã lập tức xem lại hệ thống camera an ninh gắn ở trong chùa thì phát hiện Đức sàm sỡ nhiều phụ nữ trong khu vực chánh điện. Tại cơ quan công an, Đức đã thừa nhận hành vi của mình.
Quá tải lễ hội - ảnh 2

Tin, ảnh: Đỗ Trường

Hoàng Long – Trinh Nguyễn