Để công chức ‘tử tế’ với dân
Đã qua cái thời công chức có thể làm việc qua loa, đại khái, thiếu sâu sát, thiếu máu lửa – đó là không khí của những ngày đầu năm từ 2 đầu đất nước.
Để công chức ‘tử tế’ với dân
Đã qua cái thời công chức có thể làm việc qua loa, đại khái, thiếu sâu sát, thiếu máu lửa – đó là không khí của những ngày đầu năm từ 2 đầu đất nước.
PV Thanh Niên đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, xung quanh câu chuyện này.
|
Nếu bạn có một hình ảnh công chúng tốt, người ta sẽ tin bạn, nghe theo bạn. Ngược lại, nếu bạn có một hình ảnh công chúng tồi, người ta sẽ không tin bạn và tẩy chay các thông điệp của bạn. Mà khi bạn nói gì người ta cũng không tin và không làm theo, thì làm sao bạn có thể lãnh đạo? Lãnh đạo khác với điều hành là bạn không chỉ tác động lên bộ máy, mà cả lên quần chúng nhân dân. Trong đó, việc sau quan trọng hơn việc trước rất nhiều. Thiếu một hình ảnh công chúng tốt, đơn giản là không thể dẫn dắt, không thể lãnh đạo.
Thanh Hoá làm rõ việc “đóng cửa cơ quan trong ngày làm việc”
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chỉ đạo Thành uỷ TP.Thanh Hoá và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý trước thông tin cho rằng Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường miền Trung – tiểu dự án Thanh Hoá (trực thuộc UBND TP.Thanh Hoá) đã đóng cửa trụ sở trong ngày làm việc (thứ sáu, ngày 19.2).
Trước đó, theo ghi nhận của PV, vào khoảng 9 giờ sáng 19.2, cổng trụ sở của cơ quan này (đóng tại số 146 Tống Duy Tân, P.Lam Sơn, TP.Thanh Hoá) vẫn đóng kín. Ông Trịnh Văn Bản, Trưởng ban Quản lý dự án cải thiện môi trường miền Trung – tiểu dự án Thanh Hoá, cho rằng việc cơ quan đóng cửa là do ông và một số cán bộ đi kiểm tra tiến độ các dự án trên địa bàn TP.Thanh Hoá; một số cán bộ, nhân viên, trong đó có ông Cao Hữu Tuệ (phó trưởng ban) xin nghỉ làm đột xuất vì lý do cá nhân và những cán bộ này cùng với người thân đi chùa. (Ái Châu)
|
Dân trực tiếp đánh giá cán bộ
Bắt đầu từ quý 2, TP.HCM chính thức vận hành hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức về việc phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) TP.HCM, cho biết hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức về việc phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi tắt là hệ thống) do sở này và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp nghiên cứu, xây dựng, đang chạy thử nghiệm, đầu quý 2 tới chính thức áp dụng tại 24 quận, huyện và 18 sở, ngành của TP.
Theo bà Trinh, tại mỗi đơn vị sẽ được trang bị máy tính bảng để người dân góp ý, đánh giá. Ngoài ra, TP còn tổ chức tiếp nhận ý kiến thông qua email, điện thoại… Kết quả được tích hợp về một nơi duy nhất là Trung tâm dữ liệu TP, đơn vị được phân cấp quyền truy cập dữ liệu là Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP (Sở Nội vụ) là nơi nhận kết quả này đầu tiên để tham mưu cho lãnh đạo TP kịp thời xử lý những hạn chế, yếu kém. Mỗi quý một lần, kết quả đánh giá sẽ được công khai trên trang web các quận, huyện, sở, ngành, các phương tiện truyền thông. Những đơn vị có tỷ lệ hài lòng thấp, thể hiện sự trì trệ trong cải cách, giải quyết thủ tục hành chính phải giải trình trước Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP.
Theo bà Trinh, có 5 tiêu chí để người dân đánh giá sự hài lòng: Sự phục vụ của công chức (thái độ phục vụ, tác phong, nghiệp vụ của công chức); Tiếp cận dịch vụ (cơ sở vật chất, nguồn thông tin và sự thuận tiện trong việc tìm hiểu thông tin về dịch vụ hành chính, mức độ đáp ứng yêu cầu của tổ chức và người dân về thông tin dịch vụ được cung cấp); Thủ tục hành chính (việc công khai, minh bạch thủ tục, biểu mẫu hành chính); Kết quả giải quyết công việc (số lần liên hệ để hoàn tất thủ tục giao dịch, thời gian giải quyết công việc, chi phí tổ chức và người dân phải trả để giải quyết công việc); Đánh giá tỷ lệ hài lòng đối với toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Người dân truy cập vào địa chỉ danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn (mạng thông tin tích hợp trên internet của TP.HCM) để đánh giá mức độ hài lòng của mình đối với các đơn vị nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP, cũng khẳng định: “TP làm việc này để có cơ sở đánh giá sát thực kết quả công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, nghiêm trị những cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nền hành chính công vụ, nâng cao được năng lực đội ngũ cán bộ phục vụ dân ngày một tốt hơn”.
Trên thực tế, Q.1 (TP.HCM) là địa phương đầu tiên triển khai mô hình này từ cuối năm 2010, bước đầu lắp đặt 12 bảng điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại trụ sở UBND quận, đến nay đã mở rộng thực hiện ở toàn bộ UBND 10 phường. Theo Chánh văn phòng UBND Q.1 Lâm Ngô Hoàng Anh, bước đầu “cũng có một số áp lực” đối với cán bộ, công chức được góp ý, nhận xét trực tiếp. Tuy nhiên, qua đó cán bộ tự giác rèn luyện tác phong, thái độ làm việc, nâng cao trách nhiệm công vụ.
Tân Phú
|
“Nghẽn” đường dây nóng đến Bí thư Thành uỷ TP.HCM
Chỉ sau một ngày công bố điện thoại đường dây nóng, Văn phòng Thành uỷ TP.HCM đã tiếp nhận được rất nhiều thông tin phản ánh của người dân.
Vào lúc 22 giờ 32 ngày 19.2, PV gọi điện vào số 0888 247 247, thì một giọng nữ ở đầu dây bên kia, nói: “Đây là số điện thoại nóng của Bí thư Thành uỷ”. Khi được hỏi số điện thoại này có tiếp nhận thông tin phản ánh 24/24 không, thì được trả lời “sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh 24/24”. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua 20.2, số điện thoại này báo bận liên tục.
Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Quang Lưu, Phó chánh văn phòng Thành uỷ TP.HCM, cho biết do số lượng cuộc gọi quá nhiều nên đường dây nóng này bị quá tải. “Số điện thoại đường dây nóng 0888 247 247 chỉ mới thiết lập ở thời điểm hiện tại. Do bước đầu chỉ có một máy để nghe nên không thể tiếp nhận được hết tất cả các cuộc gọi. Văn phòng Thành uỷ đang khẩn trương tìm cơ chế vận hành đường dây nóng một cách hiệu quả hơn. Trong thời gian tới sẽ thiết lập tổng đài với số điện thoại dễ nhớ hơn, thường trực bố trí 20 – 30 máy điện thoại để tiếp nhận thông tin”, ông Lưu nói và khẳng định: “Thành uỷ TP.HCM phấn khởi tiếp nhận phản ánh của người dân”.
Theo ông Lưu, Thành uỷ sẽ tính toán đến việc công khai email để có thêm một kênh tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn cũng công khai email, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin nhằm giảm áp lực cho đường dây nóng của Bí thư Thành uỷ. “Thông tin phản ánh đến Bí thư Thành uỷ sẽ được bộ phận chuyên trách ghi nhận, tổng hợp, báo cáo đầy đủ để Bí thư Thành uỷ và Thường trực Thành uỷ tiếp thu, chỉ đạo xử lý kịp thời”, ông Lưu khẳng định.
Trong một diễn biến khác, sáng qua ca sĩ Đăng Khôi cho biết vừa nhận được giấy báo hoả tốc của Văn phòng Thành uỷ truyền đạt ý kiến của ông Đinh La Thăng chỉ đạo công an điều tra vụ nhà nam ca sĩ bị trộm lấy 800 triệu đồng.
Trước đó, ngày mùng 1 Tết âm lịch, nhà riêng của ca sĩ Đăng Khôi (ở Q.7, TP.HCM) bị kẻ trộm “viếng thăm”, phá két sắt và lấy đi 800 triệu đồng. Sau 2 ngày trình báo công an và gửi thư tới Thành uỷ TP.HCM, ngày 19.2, ca sĩ Đăng Khôi nhận được thư hồi đáp từ Bí thư Thành uỷ.
Tân Phú – Linh Huỳnh
Nhiều mô hình để dân giám sát cán bộ
Cuối năm 2015, UBND TP.Hà Nội khảo sát đánh giá chất lượng một số dịch vụ công thiết yếu (hiện chưa công bố kết quả): khám chữa bệnh, thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển hành khách (xe buýt), triển khai tại 5 quận, huyện: Ba Đình, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Thường Tín.
Tháng 10.2015, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội công bố kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính TP. Kết quả khảo sát được thực hiện từ 15.8 – 30.11.2014 tại Sở TN-MT, Tư pháp, Công an TP và cấp quận, huyện, thị xã. Theo đó, dịch vụ hành chính công có tỷ lệ hài lòng cao nhất là CMND (đạt 91,33%), tiếp đó là giấy khai sinh (đạt trên 87%), đăng ký kết hôn (trên 84%), giấy phép xây dựng nhà ở (hơn 80%), dịch vụ chứng thực (trên 78%). Đạt tỷ lệ hài lòng của người dân thấp nhất là dịch vụ cấp sổ đỏ (chỉ đạt trên 71%).
Tại Quảng Trị, từ tháng 12.2014 đến 11.2015, thông qua hệ thống tổng đài 1800.8081, dự án “Dân chấm điểm” (M-score) đã tiếp cận khảo sát được 8.440 người dân “chấm điểm” cán bộ thuộc 9 văn phòng một cửa của các huyện trên địa bàn tỉnh. Qua từng tháng, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hẹn đã tăng lên nhưng tỷ lệ trễ hẹn và quá hạn vẫn ở mức cao (38%). Tỷ lệ hài lòng chung của người dân tăng nhẹ, có tới hơn 73% trong số họ chấm cán bộ 8 và 9 điểm. Qua đó cũng ghi nhận nhiều bức xúc, thắc mắc của người dân về cách làm việc của cán bộ nhiều văn phòng một cửa chưa tốt.
TP.Đà Nẵng từ cuối năm 2012, mô hình một cửa điện tử các quận, huyện cho đến các sở, ngành và phường, xã đều có phần mềm khảo sát các tiêu chí: thái độ phục vụ, cách hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính của cán bộ… Qua đó, cán bộ, công chức được xếp hạng đánh giá chung từ 1 đến 5 (tương ứng với mức độ từ ít hài lòng đến hài lòng nhất). Kết quả về mức xếp hạng cán bộ, công chức đều được công khai trên website của Sở Nội vụ Đà Nẵng, người dân rất dễ dàng tra cứu kết quả này.
Mới đây, TP cũng vừa chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng Góp ý (gopy.danang.gov.vn) được vận hành trên nền tảng hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng. Đây là một kênh tiếp nhận mới bên cạnh các kênh hoạt động hiệu quả trước đó như: Email chủ tịch thành phố, đường dây nóng HĐND, trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng.
Mai Hà – Nguyễn Phúc – Hoàng Sơn
|
Trường An
(thực hiện)