Có quê là có tết
Đã trở thành nếp, hễ tết là cả nhà gồng gánh cùng nhau về nội ngoại. Bạn bè kêu nội thì xa, ngoại cũng xa, về qua về lại thôi đã đuối hết sức lấy đâu ăn tết.
Có quê là có tết
Đã trở thành nếp, hễ tết là cả nhà gồng gánh cùng nhau về nội ngoại. Bạn bè kêu nội thì xa, ngoại cũng xa, về qua về lại thôi đã đuối hết sức lấy đâu ăn tết.
Tết là dịp sum họp và trẻ con lại quây quần cùng anh em họ hàng của mình sau nhiều ngày không gặp – Ảnh minh hoạ: Hữu Khoa |
Ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ, nội chuyện tàu xe ngày tết thôi đã mắc nản dữ lắm, hay năm nay mình tự ăn tết nhà mình, trong đầu còn nghĩ một kế hoạch hoành tráng: chỉ cần một ngày cúng kiến đón giao thừa, sau đó thì kéo nhau làm chuyến du xuân nghỉ mát – như nhiều gia đình vợ chồng trẻ khác vẫn làm, chứ tết cứ vật vã dọn dẹp, gói ghém nấu nướng lau chùi mãi vẫn vậy.
Tết hay không, miễn ở đâu có cả nhà là nơi đó đủ vui, nhưng rồi lại ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ, tết mà không có chữ sum họp vẫn thấy thiếu.
Vậy nên soạn mâm trái cây, mua thêm mấy cây cúc vàng chưng bàn Phật, lượn một vòng chợ hoa, mua thêm cây mai nho nhỏ cho thêm xôm tụ, để nhà riêng có chút hương ba ngày tết. Dù tết không ở nhà cũng phải có không khí, rồi xách giỏ lên tàu về quê.
Hóa ra, không khí tết chộn rộn bắt đầu từ lúc lên tàu bởi nhìn đâu cũng thấy sắc tết: từ mớ hành lý mỗi người cầm trên tay cho đến vẻ mặt náo nức được về quê, từ câu chào hỏi nhau “về đây là về nội hay ngoại” đến những câu chuyện kể về phong tục tập quán xứ sở trong nỗi nhớ từng người. Con tàu chở tết về quê đúng là có khác những chuyến đi thường nhật.
Năm nay cả nhà về quê nội trước. Xứ sở gió cát, năm nào tết cũng nắng – gió và nóng, vậy mà năm nay có những ngày trở lạnh. Cái lạnh về trước đêm giao thừa. Má chồng đau lưng theo mùa tuổi, nên tết đơn sơ với mâm cúng chay ba ngày đầu năm. Năm nay, nhà cũng không gói cốm xà lam theo tục lệ, bởi má chỉ có một mình, mà món đặc sản không đâu có này lại là món tỉ mỉ, má đâu thể cặm cụi đi rang nổ, giã bột nếp.
May là có món cốm làm sẵn bán ngoài chợ, tuy không ngon bằng cốm má làm nhưng vẫn còn đâu đó chút phong vị tết, mâm bánh cúng giao thừa vẫn còn những phong cốm xà lam gói với giấy gói quà bên ngoài, đủ màu bóng loáng. Trẻ nhỏ vẫn còn biết được quê nội mình có món ăn kỳ thú, nạp thêm kiến thức về câu chuyện xuất xứ món ăn lạ lẫm này bắt nguồn từ đâu mà có. Người lớn vẫn còn món dân dã để nhấp ngụm trà nhớ về thời xưa rất xưa. Giao thừa đi qua ấm cúng.
Phan Rí (Bình Thuận) còn có món truyền thống: măng khô hầm thịt ăn kèm bánh tráng hoặc bánh tét. Đây gần như là món ăn chủ chốt và phải được làm đúng kiểu: như phải ngâm măng khô đúng ngày, thịt kho phải đủ mềm, để khi hoà lẫn thịt với măng thì măng phải thấm chất béo và ngọt của thịt mà vẫn đủ độ dai, giòn, béo.
Tết nhà ngoại xứ miền Tây thì có các loại cây trái làm mứt: mứt dừa, mứt bí, mứt tầm ruột, mứt me, chuối khô ngào đường… Mấy năm nay cả nhà giảm ăn ngọt nhưng tết má vẫn làm đủ món mứt và giảm lượng đường. Theo má, tết mà không mứt không vui nên cứ lụi hụi vậy. Cháu con họp mặt vui quá không ăn nổi cho hết thì má gói lại bắt đem theo.
Riêng món mặn, năm nào má cũng có thịt kho với dưa chua củ kiệu, khổ qua hầm ăn cho qua cái khổ, gà giò chéo cánh… rồi thì hứng chí lên, cánh đàn ông có thể tha hồ sáng tạo thêm các món nhắm với rượu như cá lóc nướng trui, khô chiên xoài bằm, và bánh tráng cuốn thì lúc nào cũng phải có.
Mâm cúng tết ở nhà nội hay nhà ngoại, chẳng cần phải để ý cũng thấy món nào cũng dành cho chữ sum vầy, món nào dọn ra cũng phải nhiều người cùng ăn mới có thể ăn được. Món tết là món để thưởng thức cùng nhau nên dù giản dị hay phức tạp cũng phải xúm xít vào đó, cười nói rôm rả vào đó, so đũa thử món vào đó, nhâm nhi từng món một và nghiền ngẫm coi món năm nay thừa thiếu cái gì, con cháu dâu rể tề tựu để học hỏi nhau món nào nấu cúng, món nào ăn chơi mà về thực hành cho nhà mình.
Để thế hệ tiếp nối có thể tự mình nấu mâm cúng, nấu món đãi đằng, món nào là truyền thống, món nào là sáng tạo. Truyền thống mà không phù hợp cũng vẫn có thể thay thế, bỏ đi. Nhưng tết phải đủ lễ, thành tín và khiêm nhường.
Tết ta mà, chứ không phải tết tây, vậy nên không thể qua quýt, không thể từ chối, nên thôi về nội về ngoại, chơi với người già đang mòn mỏi đợi trông ta, rồi cứ nấu nấu nướng nướng, chịu cực một chút để còn giữ tết cho con.
“Món tết là món để thưởng thức cùng nhau nên dù giản dị hay phức tạp cũng phải xúm xít vào đó, cười nói rôm rả vào đó, so đũa thử món vào đó, nhâm nhi từng món một và nghiền ngẫm coi món năm nay thừa thiếu cái gì, con cháu dâu rể tề tựu để học hỏi nhau món nào nấu cúng, món nào ăn chơi mà về thực hành cho nhà mình |
Trẻ con vui tết ở quê Ảnh: Hữu Khoa |