Nghỉ tết nên dài ngày hay ngắn ngày?
Trong khi có ý kiến đề nghị cần bỏ thói quen ăn tết ta dài ngày thì một số ý kiến khác cho rằng nên duy trì kỳ nghỉ tết như hiện nay bởi điều đó cần cho cả người lao động lẫn người quản lý và xã hội nói chung.
Nghỉ tết nên dài ngày hay ngắn ngày?
Trong khi có ý kiến đề nghị cần bỏ thói quen ăn tết ta dài ngày thì một số ý kiến khác cho rằng nên duy trì kỳ nghỉ tết như hiện nay bởi điều đó cần cho cả người lao động lẫn người quản lý và xã hội nói chung.
Thời gian nghỉ dài ngày cũng là dịp để nhiều người đi du lịch. Trong ảnh: một gia đình VN đi dã ngoại tại Vườn quốc gia Springbrook, Úc – Ảnh: T.T.D. |
* GS Trần Ngọc Thêm (giám đốc Trung tâm văn hoá học lý luận và ứng dụng, ĐH KHXH&NV TP.HCM):
Phát huy những giá trị tinh thần
Theo tôi, cách sắp xếp các ngày nghỉ trong năm như nước ta hiện nay là hợp lý. Ngày tết ta được nghỉ dài hơn những dịp khác vì đây là tết truyền thống, quan trọng và nhiều người có nhu cầu nghỉ hơn tất cả những dịp khác trong năm.
Nếu chỉ nhìn về hiệu quả kinh tế kém hơn các quý khác mà tính chuyện rút ngắn ngày nghỉ tết là cái nhìn chưa toàn diện. Hiệu quả kinh tế có sụt giảm chút ít nhưng bù lại Nhà nước và người dân sẽ được lợi nhiều về mặt văn hóa truyền thống, sinh hoạt gia đình, tình làng nghĩa xóm, cơ hội để phát huy những giá trị tinh thần khác mà kinh tế không dễ đem lại được.
Nhà quản lý không thể không tính tới hiệu quả kinh tế nhưng không có nghĩa vì sợ kém chút ít mà quên đi đời sống tinh thần của người dân vốn cũng cần được chăm sóc và nuôi dưỡng. Khi tinh thần của người lao động, người dân được chăm sóc tốt thì công việc làm sẽ hiệu quả hơn, kinh tế cũng từ đó mà tăng lên.
* Ông Lê Hoài Trung (phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM):
Nhiều nước cho công chức nghỉ dài ngày
Nghỉ tết bao nhiêu ngày là theo luật và việc nghỉ dồn, nghỉ nối hằng năm do Thủ tướng quyết định. Nghỉ tết dài ngày có cái lợi là người dân có thời gian về quê ở xa, thăm viếng người thân, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động và kích cầu qua việc họ tham quan du lịch, mua sắm…
Tại Việt Nam, người dân chưa quen nghỉ dài ngày nên có tâm lý cho rằng nghỉ lâu thì năng suất lao động kém. Còn ở các nước như Hungary, Anh… công chức được nghỉ hè một tháng ngoài kỳ nghỉ dài cuối năm, nhằm có thời gian cho người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động…
Trong thời gian chính phủ nghỉ hè, chính quyền không làm việc. Mọi việc người dân có nhu cầu thì xử lý qua chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, chính phủ các nước chỉ làm nhiệm vụ điều hành, toàn bộ những dịch vụ phục vụ người dân là do các doanh nghiệp, công ty làm hết nên công chức có nghỉ hè thì công việc vẫn chạy bình thường.
Hoặc công chức ở Úc được đăng ký làm việc tại cơ quan một tuần bao nhiêu ngày, những ngày còn lại có thể làm việc qua mạng hoặc ở nơi khác…
Muốn làm được như vậy, các chính phủ có cách đánh giá công việc trên cơ sở hiệu quả mang tính định lượng, trên sản phẩm cụ thể như giúp cho dân được gì, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục được bao nhiêu ngày, làm lợi cho nhà nước bao nhiêu tiền chẳng hạn…
Để trước và sau tết không có chuyện cán bộ lơ là công việc, ăn cắp thời gian đi mua sắm hoặc ăn tết nối thì chính thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm quản lý việc này.
* Ông Nguyễn Văn Khải (phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM):
Nghỉ tết là do doanh nghiệp tự sắp xếp
Không thể nói do nghỉ tết dài mà còn nhiều yếu tố, trong đó có năng lực quản lý của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Trong khi đó, dịp nghỉ tết giúp người lao động quay trở lại làm việc tốt hơn sau thời gian tái tạo sức lao động.
Thực tế ngày nghỉ tết luật quy định từ 4-5 ngày, doanh nghiệp đảm bảo đủ số ngày đó đồng thời cộng thêm cuối tuần, sắp xếp kế hoạch sản xuất kinh doanh để người lao động nghỉ dài hơn, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản. Họ có sự chuẩn bị kế hoạch sản xuất kỹ lưỡng và hoàn toàn chủ động trong việc tính toán ngày nghỉ tết cho người lao động.
Doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến việc người lao động xuất xứ từ đâu, tuy nhiên nhiều nơi cũng linh hoạt xem xét cho người lao động ở xa được nghỉ sớm hoặc vào làm việc trễ hơn. Năm nay, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã cho một số bộ phận nghỉ từ ngày 24 tết.
Cần bỏ thói quen ăn tết dây dưa Chúng ta đã và đang ăn hai cái tết lớn trong một năm. Trong điều kiện đa số đối tác làm ăn quốc tế đều đón Tết dương lịch, chúng ta cũng đón tết luôn cùng với họ. Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 đến sau Tết dương lịch, đối tác ở trong kỳ nghỉ cuối năm; chúng ta không có kỳ nghỉ chính thức như thế nhưng phải giảm cường độ hoạt động giao thương. Đến Tết âm lịch, chúng ta nghỉ thật. Đáng nói là khoảng cách thời gian giữa hai cái tết rất ngắn, chỉ vài tuần là cùng. Vừa mới ăn xong tết Tây lại chuẩn bị ăn tết ta. Guồng máy kinh tế chạy chưa hết một vòng tái khởi động sau kỳ nghỉ đầu tiên, lại dừng để tiếp tục kỳ nghỉ thứ hai. Sau những ngày nghỉ tết ta chính thức, còn là chuỗi lễ hội kéo dài. Thời gian đầu sau tết, xu hướng làm việc chung là chỉ làm cầm chừng, tiếp tục vui vẻ là chính; có khi đến hết tập hai, tập ba thì công sở, đồng ruộng, chợ búa mới trở lại nhịp điệu hoạt động bình thường. Nghỉ nhiều, kéo dài không bao giờ là điều tốt, đặc biệt đối với một nước đang phát triển. Mỗi lần lấy đà, bắt nhịp sau một thời gian tạm nghỉ, nền kinh tế nước nhà có thể đi chậm lại một bước so với các nước khác: nguy cơ tụt hậu là khó tránh. Nhiều người nóng ruột, bức xúc cho rằng nên bỏ tết ta và chỉ ăn tết Tây cho phù hợp với nhịp sống, làm việc chung của thế giới trong thời đại toàn cầu hoá. Đã từ lâu người Nhật làm như thế và nước Nhật đã thành cường quốc kinh tế. Về nhiều phương diện, ý tưởng cùng ăn tết Tây với các nước là hợp lý. Đặc biệt, làm việc rồi nghỉ ngơi theo cùng một lịch trình như ở các nước sẽ giúp hoạt động kinh tế của quốc gia không bị lỗi nhịp, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận tết ta không chỉ là một kỳ nghỉ. Trong tâm thức chung, đó là lúc mọi người tạm gác những lo toan bộn bề trong cuộc mưu sinh khốc liệt để trở về nơi sum họp với người thân thuộc, cùng quây quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng, cùng chia sẻ buồn vui, người ta gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp về một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng. Trên hết, đó là khoảng thời gian và không gian đan xen của các sinh hoạt thế tục và hoạt động nghi lễ mang đậm tính truyền thống và tín ngưỡng thiêng liêng, tạo thành một nét đặc trưng của văn hoá Việt. Tóm lại, tết thật sự là giá trị phi vật thể chung của dân tộc. Gìn giữ tết, trong chừng mực nào đó, là góp phần giữ gìn bản sắc của một cộng đồng người, giúp cộng đồng ấy không bị hoà tan, lẫn lộn trong đại gia đình thế giới trong bối cảnh các nền văn hoá lớn, được hỗ trợ bởi sức mạnh vật chất, có xu hướng lấn át, thống trị trên diện rộng. Nhưng một giá trị chỉ thật sự xứng đáng với tên gọi đó một khi nó không chỉ có tác dụng tạo dấu ấn riêng, mà còn góp phần làm cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Ăn tết thật lâu cho thật sướng, để rốt cuộc đất nước cứ ì ạch, loay hoay ở nửa cuối bảng xếp hạng về sự thịnh vượng, để dân tộc cứ giữ mãi thân phận nhược tiểu, không phải là việc làm tốt, nếu không muốn nói là rất xấu. Không nhất thiết bỏ hẳn tết ta và chỉ ăn tết Tây như người Nhật. Nhưng cần mạnh dạn và dứt khoát từ bỏ thói quen ăn tết dây dưa. Nghỉ tết xong là phải bắt tay vào việc với tác phong nhanh nhẹn và chuyên nghiệp. Các lễ hội sau tết nên được tổ chức theo hướng dung hoà nhu cầu sinh hoạt tâm linh và yêu cầu bảo đảm sự vận hành bình thường của nền kinh tế, hệ thống công vụ; chẳng hạn, có thể chỉ mở hội hè vào buổi chiều tối hoặc những ngày cuối tuần. Phải xây dựng, cổ vũ nếp sống tích cực – chơi ra chơi, làm ra làm. Được như vậy, tết mới thật sự là giá trị cần bảo tồn và phát huy. |