26/12/2024

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Chấp nhận làm khoa học cũng bị… ném đá

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia ghép tế bào gốc điều trị bại não, vừa vinh dự nhận giải thưởng Nikkei về khoa học công nghệ.

 

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Chấp nhận làm khoa học cũng bị… ném đá

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia ghép tế bào gốc điều trị bại não, vừa vinh dự nhận giải thưởng Nikkei về khoa học công nghệ. 

 

 

 

 

GS Nguyễn Thanh Liêm (trái) chia sẻ niềm vui với gia đình bé Hoàng Thiên đã khỏi bệnh xơ phổi sau khi ghép tế bào gốc /// Ảnh: V.G

GS Nguyễn Thanh Liêm (trái) chia sẻ niềm vui với gia đình bé Hoàng Thiên đã khỏi bệnh xơ phổi sau khi ghép tế bào gốc   ẢNH: V.G

 
 
Đây là giải thưởng dành cho các nhà khoa học châu Á có các nghiên cứu mang tính sáng tạo, đột phá góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ trong châu lục và thế giới.
 
Đi đầu về ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ
Trong căn phòng làm việc nhỏ tại Bệnh viện Vinmec, chúng tôi gặp Giáo sư (GS) Nguyễn Thanh Liêm với nụ cười hạnh phúc sau cuộc điện thoại từ mẹ của một bệnh nhi thông báo: “Bác Liêm ơi, cháu đỡ đến 7 phần rồi, tự làm được các việc cá nhân, đang ngồi ăn cơm đây, không tăng động phá ngang nữa”. Người mẹ mộc mạc kể về các tiến bộ của con: “Cháu ngoan nhiều rồi, học được, đang đọc sách lớp 1, tính nết và nhận biết thay đổi rõ rệt, mừng quá”.
 
“Cháu bé trai này 7 tuổi, ghép tế bào gốc điều trị tự kỷ. Trước điều trị, cậu bé tăng động và hầu như không nhận biết về hành vi mình khiến gia đình chăm sóc rất vất vả, có khi nửa đêm còn thức dậy nghịch ngợm, hò hét. Bây giờ tiến bộ nhiều rồi, gia đình đang cho con học chữ và toán lớp 1”, GS Liêm cho biết thêm.
 
Tại Bệnh viện Vinmec, GS Nguyễn Thanh Liêm cùng các cộng sự đã ghép tế bào gốc cho nhiều loại bệnh mà trước đó chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, và lĩnh vực thành công nhất là ghép tế bào gốc điều trị bại não.
 
“Chúng ta không chỉ ghép tế bào gốc cho bại não do thiếu ô xy não mà còn là quốc gia đầu tiên ghép tế bào gốc thành công cho trẻ bại não do vàng da sơ sinh; trẻ bại não sau đuối nước, trẻ sinh non bị xơ hóa phổi. Ghép tế bào gốc do xơ gan ở bệnh nhi teo đường mật, cho trẻ tự kỷ bước đầu cũng đã thu được những kết quả rất phấn khởi”, GS Liêm đầy cảm xúc khi nói về thành quả sau nhiều ngày dành công sức nghiên cứu, ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc. “Không phải gia đình nào cũng thật sự mạnh dạn tiếp cận với một phương pháp điều trị mới mẻ, dù rằng con mình đang bị bại não, phải sống đời thực vật. Đó là một thực tế mà chúng tôi đã gặp. Thậm chí, ngay cả trong y giới không phải ai cũng đồng thuận với hướng đi nghiên cứu của chúng tôi”, GS Liêm chia sẻ.
 
Bên cạnh những thách thức ấy, rất may là nhóm nghiên cứu đã được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ từ phía Ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec với hệ thống labo, phòng ghép đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, cập nhật các kỹ thuật ghép tế bào gốc tiên tiến nhất thế giới. Vì thế chỉ sau hơn 2 năm tiếp cận, ghép tế bào gốc từ tuỷ xương điều trị bại não đã thu nhận được những thành công đáng ghi nhận.
 
 
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: Chấp nhận làm khoa học cũng bị... ném đá - ảnh 1
GS Liêm (phải) và GS Mc Kinnon đã phẫu thuật điều trị thành công cho bệnh nhân Lê Trung Tuấn bị khối u khổng lồ trên mặt, giúp em Tuấn trở lại cuộc sống bình thường

 
Từng bị nhân viên “đánh tháo” bệnh nhân
Trước khi bắt tay nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị các bệnh nan y tại Bệnh viện Vinmec, GS Nguyễn Thanh Liêm đã là người đi đầu trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh phức tạp cho trẻ em khi ông còn công tác và là Giám đốc tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Về chặng đường đã qua, ông chân thành cho hay: “Về phẫu thuật nội soi trẻ em, hội đồng xét thưởng Nikkei đã đánh giá tôi là người góp phần thúc đẩy và lan toả phẫu thuật nội soi trẻ em ở châu Á cũng như thế giới”.
 
GS Nguyễn Thanh Liêm bắt đầu phẫu thuật nội soi điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em năm 1997, là một trong số những phẫu thuật viên trên thế giới tiên phong ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi cho các bệnh lý phức tạp ở trẻ em. Từ đó đến nay ông đã nghiên cứu, đóng góp 9 kỹ thuật nội soi trẻ em hoàn toàn mới và cải tiến nhiều kỹ thuật phức tạp khác làm cho các kỹ thuật này dễ thực hiện, an toàn và hiệu quả hơn.
 
“Phẫu thuật nội soi cho bệnh nhi những ngày khởi đầu thiếu thốn đủ thứ, bản thân phẫu thuật viên vất vả vì chưa có kinh nghiệm nên mỗi ca mổ kéo dài đến 5 – 6 tiếng, những người tham gia kíp mổ cũng mệt và nản. Thậm chí, một vài lần khi lên phòng mổ thì tôi không thấy bệnh nhi đâu. Sau này mới biết, chính nhân viên của mình “tư vấn” cho gia đình là kỹ thuật mổ mới cũng chả khỏi được bệnh, gia đình mang con về”, GS Liêm nhớ lại những thăng trầm khi bắt tay làm kỹ thuật mới.
 
“Ngay cả khi thực hiện ghép tế bào gốc điều trị cho trẻ bị tự kỷ, tôi cũng bị các ông bố bà mẹ… “ném đá”. Họ cho rằng mình lừa dối. Nhưng tôi cũng chấp nhận và hiểu nguyên do, nhiều gia đình đã tìm đến nhiều phương pháp điều trị tự kỷ cho con không mang lại kết quả, khiến họ cũng nghi ngờ phương pháp mới”, GS Liêm bày tỏ.
 
Theo GS Nguyễn Thanh Liêm, với bệnh tự kỷ, cơ chế của tế bào gốc là giúp tăng sinh mạch máu cho não (tại vùng mà máu đến não không tốt, giúp tưới máu); làm giảm các phản ứng miễn dịch không có lợi vì các phản ứng đó gây ra các độc chất thần kinh; tế bào gốc cũng giúp biệt hoá tế bào thần kinh làm dẫn truyền thần kinh tốt hơn.
 
“Ghép tế bào gốc không điều trị khỏi tự kỷ 100% nhưng cải thiện được rất nhiều, giúp các cháu tự sống độc lập được. Tôi rất tin tưởng vào phương pháp này và tin rằng ghép tế bào gốc sẽ còn thêm những kết quả tốt đẹp trong tương lai”, GS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.
 
GS Nguyễn Thanh Liêm hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec (thuộc hệ thống y tế Vinmec). Ông từng được mời đi mổ trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới: Mỹ, Ý, Hà Lan, Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc… Nhiều phẫu thuật viên từ Mỹ, Ý, Nhật Bản, Đài Loan… cũng đã đến VN học tập các kỹ thuật của ông.
 
GS Liêm là phẫu thuật viên hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi nhi điều trị u nang ống mật chủ (trên 500 ca) và thoát vị cơ hoành (trên 300 ca). Ông đã có 11 công trình khoa học công bố trong hai lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật đó trở thành thường quy ở nhiều trung tâm trên thế giới.
 

LIÊN CHÂU