12/01/2025

Ăn uống ngày Tết: Ngon và bổ mà không lên cân

Ăn uống ngày tết sao cho ngon, bổ mà không ảnh hưởng sức khoẻ? BSCK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM – nói:

 

Ăn uống ngày Tết: Ngon và bổ mà không lên cân

 

 

Ăn uống ngày tết sao cho ngon, bổ mà không ảnh hưởng sức khoẻ? BSCK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM – nói:

 

 

 

 

 

 

Ăn uống ngày Tết: Ngon và bổ mà không lên cân
Mỗi bữa ăn dù là tiệc tùng cũng rất cần nhiều rau xanh – Ảnh: Thanh Đạm
Ăn uống ngày Tết: Ngon và bổ mà không lên cân

– Thức ăn ngày tết rất đa dạng và có đặc điểm chung là giàu năng lượng. Những món ăn truyền thống trong những ngày tết thường là bánh chưng, bánh tét, dưa món (hành, kiệu, củ cải…), thịt, giò chả, đồ khô (lạp xưởng, xúc xích…), các loại mứt, bánh, kẹo và trái cây, nên luôn hấp dẫn người có “tâm hồn ăn uống”.

* Như vậy cần lưu ý gì khi ăn các món nói trên, thưa bác sĩ?

– Bánh chưng, bánh tét đều khá mặn, ngay cả khi không ăn kèm với các loại dưa món. Còn các loại dưa món ngâm muối và nước mắm luôn có lượng muối cao. Vì vậy những người thừa cân, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý dạ dày… nên dùng hạn chế.

Các loại thịt, giò, chả luôn có nhiều chất béo, nhiều đạm; thịt chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho tim mạch; trứng chứa nhiều cholesterol, không tốt cho người có bệnh lý gan mật và làm tăng LDL – cholesterol máu, cần hạn chế ăn. Giò, chả cũng chứa nhiều acid béo no bão hòa nên người có bệnh lý chuyển hoá mỡ, tăng huyết áp… cũng phải hạn chế ăn.

Các loại thực phẩm khô như lạp xưởng, xúc xích… thường quá mặn và quá béo nên không tốt cho những người cần kiêng muối, kiêng mỡ. Chưa kể các loại thực phẩm khô nếu không được đóng gói bảo quản tốt còn dễ bám bụi, là môi trường rất tốt cho vi trùng và nấm mốc phát triển. Nếu ăn phải loại thực phẩm khô không đảm bảo vệ sinh còn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm và dị ứng khá cao.

Còn các loại mứt luôn chứa hàm lượng đường cao, dễ gây cảm giác chán ăn. Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, ít chất xơ nên dễ gây tăng đường huyết, do đó người bệnh đái tháo đường, thừa cân không nên ăn.

* Nếu không chú ý đến việc ăn uống trong những ngày tết, có thể gặp những rắc rối gì?

– Rắc rối về dinh dưỡng trong ngày tết có thể gặp là rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm, táo bón, tăng cân nhanh không mong muốn, sụt cân, tăng thêm tình trạng bệnh lý sẵn có. Ví dụ như đang mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu… thì sau mấy ngày tết tình trạng sẽ nặng thêm do mình không biết cách ăn uống.

Một số người bị sụt cân do món ăn ngày tết không hợp khẩu vị, do đi thăm người này người kia, cuối cùng là ăn uống thất thường nên cũng bị sụt cân. Một số người lại tăng cân nhanh do những cuộc nhậu, gặp gỡ, ăn món ăn giàu năng lượng, ăn chưa tiêu hoá hết đã ăn tiếp.

* Với người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, chuyển hoá mỡ…nên ăn uống ngày tết thế nào để không ảnh hưởng sức khoẻ?

– Người bị đái tháo đường cần hạn chế tối đa thức ăn ngọt (bánh, mứt, kẹo…), ăn vừa phải các loại tinh bột (bánh chưng, bánh tét…), tăng cường chất xơ (rau xanh, trái cây ít ngọt) và duy trì hoạt động thể lực.

Với người bị tăng huyết áp, không nên ăn nhiều các món mặn (dưa món, xúc xích), hạn chế các món nhiều mỡ (thịt quay, lạp xưởng, da…), ăn nhiều rau xanh và trái cây, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày.

* Vậy ăn uống thế nào để có lợi nhất cho sức khoẻ?

– Tốt nhất là lắng nghe “tiếng nói” từ cơ thể của chính mình. Đảm bảo ăn sáng, ăn trưa, ăn tối như thường lệ.

Tránh ăn vặt nhiều ngoài bữa chính. Hạn chế các thực phẩm nhiều năng lượng (lạp xưởng, chả lụa), các loại kẹo mứt và bánh ngọt…

Nên uống nước lọc và trà thay bia và nước ngọt. Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi trong mỗi bữa ăn. Duy trì đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Ngoài ra cần hạn chế uống rượu, bia, nước ngọt; tăng sử dụng trà xanh, trà túi lọc vì các loại trà giúp tăng sức đề kháng, nhuận gan và thanh lọc cơ thể.

Nên ăn cân đối các loại thực phẩm với nhau. Bánh chưng có nhiều chất bột đường, đạm và béo nên khi ăn cần bổ sung nhóm rau quả. Không nên ăn nhiều vì sẽ gây ăn không ngon, ngán ăn. Nên ăn hạn chế khi thấy ăn không tiêu, khó chịu hoặc nôn ói.

Các bà nội trợ cần chuẩn bị đủ khẩu phần rau, quả trong ngày tết vì các loại rau quả cung cấp đủ chất xơ và vitamin C cho cơ thể. Tốt nhất là đảm bảo mỗi người một ngày ăn đủ 300 gam rau củ và 200 gam trái cây.

* Có một thực tế là nhiều người sau khi ăn tết xong thì lên cân, có người lại bị sụt mất mấy cân? Làm sao để tránh lên cân, sụt cân sau tết?

– Để tránh bị tăng cân trong những ngày tết, nên ăn ít chất bột đường, chất béo, nên ăn thịt nạc, cá, rau quả. Nên ăn nhiều bữa nhỏ và uống nhiều nước. Để tránh bị giảm cân nên ăn uống điều độ, không ăn vặt hay ăn ngọt trước bữa chính, không lười biếng hoặc ăn qua loa, uống một ly sữa trước khi ngủ.

Trẻ cần mỗi ngày ít nhất 1 bữa cơm

Tết là thời điểm khiến trẻ có thể ăn uống, chơi đùa thoải mái. Thế nhưng, đây cũng là dịp trẻ dễ mắc bệnh nhất bởi chế độ ăn uống không kiểm soát, thiếu chất dinh dưỡng hay giờ giấc ăn uống thất thường.

Vì vậy, ngoài việc cố gắng giữ đúng giờ cho ba bữa ăn chính trong ngày, cha mẹ có thể mang theo một ít bánh flan, sữa chua, sữa hộp, sữa bột, thức ăn nhẹ… để trẻ ăn thêm khi đi chơi xa.

Lưu ý món ăn ngày tết thường nhiều đạm, đường, mỡ, dễ gây rối loạn tiêu hoá cho trẻ. Do vậy, cần cho trẻ bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi ngon; không cho trẻ ăn bánh mứt, kẹo, uống nước ngọt trong vòng hai giờ trước bữa ăn chính; bổ sung nhiều nước hơn ngày thường để bù lại lượng nước bị mất trong quá trình di chuyển, chơi đùa nhiều.

Mỗi ngày nên có ít nhất một bữa cơm với đủ món mặn, canh, xào như ngày thường. Những bữa ăn phụ của trẻ có thể chọn một hay nhiều món phối hợp có sẵn, miễn đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Khi đi chơi xa không nên cho trẻ ăn uống ở quán lề đường kém vệ sinh vì dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, cần giữ đúng giờ ngủ, nghỉ ngơi để trẻ có những ngày tết thật vui, khoẻ và ý nghĩa.

BS NGUYỄN VIẾT QUỲNH THƯ

LÊ THANH HÀ thực hiện (lethanhha@tuoitre.com.vn)