16 loại rau, gia vị nên có trong nhà
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thành phần các tinh dầu trong rau tươi và gia vị có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hoá tế bào, kháng ung thư, hỗ trợ tiêu hoá…
16 loại rau, gia vị nên có trong nhà
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thành phần các tinh dầu trong rau tươi và gia vị có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hoá tế bào, kháng ung thư, hỗ trợ tiêu hoá…
Ớt, tỏi, củ cải trắng, gừng, nghệ… là những thực phẩm thân thuộc có lợi cho sức khoẻ – Ảnh: Quang Định |
Sau đây là 16 loại rau, gia vị mỗi nhà nên dự trữ trong những ngày “ăn tết thả ga…” để hỗ trợ cho sức khoẻ.
1. Nghệ: loại thảo dược màu vàng rất phổ biến như một gia vị nấu ăn, được công nhận có tác dụng chống ung thư.
Nghệ còn có tác dụng trung hòa tính acid trong dạ dày, giúp khí huyết lưu thông, giúp giảm đau trong các chứng viêm khớp, hỗ trợ các tế bào gan. Món nghệ kho cá, bún nghệ nên chế biến ăn thêm trong những ngày này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nghệ tăng cường hoạt động của các men tiêu hoá. Ngày tết lỡ bị đau bụng, một cốc trà nghệ sẽ thấy êm ngay.
2. Húng quế: được công nhận là một phần thiết yếu của các món ăn Ý. Ở Việt Nam là không thể thiếu trong món phở truyền thống. Một vài lá húng quế trong các món ăn giúp tăng cường hoạt động của bộ máy tiêu hoá, chống đầy bụng, chướng hơi.
3. Rau thì là: có chứa tinh dầu monoterpenes và một enzyme có tên là glutathione-S-transferase. Enzyme này trung hoà các gốc tự do gây ung thư. Các chất dầu có trong rau thì là giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết các sắc tố mật và dịch tiêu hoá giúp tiêu hoá thức ăn dễ dàng và chống đầy hơi.
4. Bạc hà: các tinh dầu kháng sinh thực vật có trong lá bạc hà hỗ trợ bộ máy tiêu hoá, làm ấm bụng, chống nôn mửa chướng bụng khó tiêu.
5. Tỏi: ngoài tác dụng giúp hạ cholesterol và điều hoà huyết áp, tỏi còn được xem là “vua” của các loại thảo mộc chống ung thư, hiệu quả nhất là trong việc phòng ngừa ung thư đường tiêu hoá. Chỉ cần ăn vài tép tỏi mỗi tuần đều đặn, đặc biệt sự kết hợp giữa tỏi và hành tây chính là biện pháp tối ưu để tiêu diệt các tế bào ung thư nhanh chóng.
Sử dụng tỏi dạng băm nhỏ, nghiền nát, rang hoặc nướng trong ít dầu ôliu để biến một bữa ăn bình thường thành bữa ăn tuyệt vời.
6. Rau cải: ăn rau cải tươi là thưởng thức được các loại tinh dầu và các glycoside có chứa lưu huỳnh, tác dụng kháng khuẩn cao. Chất xơ và vitamin trong rau cải cũng hạn chế chứng táo bón.
7. Ớt sừng: một gia vị được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn của người Mexico và Ấn Độ. Hoạt chất capsacin là tác nhân chống viêm mạnh. Nó cũng làm tăng sinh nhiệt và tiêu thụ nhiều oxy, nhờ vậy ăn ớt cũng góp phần giảm cân. Tuy nhiên ăn nhiều không tốt vì sẽ làm ảnh hưởng đến dạ dày.
8. Thảo quả: một gia vị có mùi thơm phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ, được sử dụng pha chế trong hương vị các món cà ri, bánh pudding gạo và tương ớt. Gia vị này rất có lợi cho sức khoẻ vì giúp giải độc cơ thể và làm sạch thận.
Thảo quả có chứa tinh dầu, thường được pha chế thành dạng bột chung với các loại thảo dược khác thành “ngũ vị hương”, khi ướp thịt cá nên sử dụng để khử độc, khử mùi tanh và giúp củng cố bộ máy tiêu hoá.
9. Tiêu: được xem là “vua của gia vị”. Tiêu có vị cay, mùi thơm hắc dễ gây hắt hơi khi tiếp xúc. Nó có vai trò một chất chống oxy hoá rất mạnh, tác dụng kháng khuẩn và giúp tiêu hoá. Tiêu còn là bạn của những người thừa cân vì nó kích thích sự phân huỷ của chất béo nhanh chóng.
10. Đinh hương: có hương thơm vị cay vì chứa eugenol là một tinh dầu có tác dụng chống viêm nhẹ, chống vi khuẩn. Đinh hương được sử dụng để nêm nếm trong các món xúp, canh và món cà ri. Món phở không thể thơm ngon nếu không có sự tham gia của đinh hương cùng với đại hồi, tiểu hồi, quế, trần bì, thảo quả…
11. Đại hồi và tiểu hồi: 2 loại quả này có vị cay, ngọt và càng thơm hơn khi chúng ta rang sơ. Tinh dầu hồi có thể giúp mức đường trong máu thấp hơn nên ở những người có bệnh tiểu đường bổ sung thêm một ít hạt hồi vào thức ăn là điều cần thiết. Đại hồi và tiểu hồi thường được dùng chung với đinh hương, thảo quả, quế, giúp cho mùi vị thức ăn trở nên hấp dẫn hơn và bộ máy tiêu hóa sẽ nhẹ nhàng.
12. Quế: có thể được sử dụng trong tất cả món ăn thức uống để làm tăng hương vị như món cà ri, các món cơm và món tráng miệng. Các loại tinh dầu thiết yếu được tìm thấy trong vỏ quế có tính chống đông máu và chống vi khuẩn. Tuy nhiên quế là vị thuốc “đại nhiệt” nên không được dùng nhiều và lâu dài có hại cho người bệnh gan, thận và phụ nữ có thai không nên dùng.
13. Gừng: làm giảm buồn nôn ruột và dạ dày, và cũng được chứng minh có tác dụng chống viêm và các chứng cảm lạnh, cúm, ho, tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hoá mạnh mẽ.
14. Củ cải trắng: vitamin C ở trong củ cải có thể giúp bài trừ nhanh chất cặn bã trong cơ thể, đặc biệt nước củ cải chứa nhiều men tiêu hoá có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa thức ăn tránh khó tiêu, sình bụng.
Các hoạt chất này có khả năng hấp thụ tinh bột trong thực phẩm, tiêu hoá nhanh thức ăn tích trữ trong dạ dày, phòng chống được đau dạ dày.
Canh củ cải nấu với cải bắp kèm đậu hủ không những đem lại mùi vị rất ngon mà còn có thể hỗ trợ đường tiêu hoá, dưỡng dạ dày và giữ ấm cho cơ thể.
15. Trần bì: y học cổ truyền chứng minh trần bì để càng lâu càng tốt, vì vậy các bà nội trợ không nên vứt các vỏ quýt mà nên treo trên bếp để dành khi trái gió trở trời. Tinh dầu vỏ quýt giúp tăng tiết dịch vị giúp dễ tiêu hoá thức ăn, chống khó tiêu, rối loạn tiêu hoá.
16. Củ hành tây: các hoạt chất sulfur có trong hành có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh. Hành tây làm giảm cholesterol trong máu, ổn định huyết áp, giúp ngăn ngừa thiếu máu cơ tim, hành tây còn tốt cho người bị viêm khớp và bệnh gout.
Các loại rau cải tươi, gia vị luôn là bạn cho mọi gia đình, là những loại thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ, tuy nhiên thành phần chính là các nhóm tinh dầu cay nóng, không nên dùng liều cao và kéo dài. |