‘Sốt’ sách về Sài Gòn
Nhung nhớ một Sài Gòn xưa, yêu chiều một Sài Gòn nay với bao khắc khoải, quyến luyến, say đắm… đủ mọi cung bậc dù người viết ở xa hay gần mảnh đất này, đã được thể hiện qua hàng loạt cuốn sách về Sài Gòn xưa và nay suốt thời gian qua.
‘Sốt’ sách về Sài Gòn
Nhung nhớ một Sài Gòn xưa, yêu chiều một Sài Gòn nay với bao khắc khoải, quyến luyến, say đắm… đủ mọi cung bậc dù người viết ở xa hay gần mảnh đất này, đã được thể hiện qua hàng loạt cuốn sách về Sài Gòn xưa và nay suốt thời gian qua.
Tình cảm người trẻ và nét đẹp xưa cũ
Trong số các cuốn sách về Sài Gòn được các bạn trẻ tâm đắc gối đầu giường phải kể tới Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em (Anh Khang, Phương Nam và NXB VHVN), Khóc giữa Sài Gòn (Nguyễn Ngọc Thạch, Lantabra và NXB Hồng Đức). Với thể loại tùy bút – du ký, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em ghi lại những cảm xúc mơ mộng, bay bổng, ưa khám phá của giới trẻ, tuy nhiên cũng chính nhờ chuyến đi này, tác giả lại càng cảm nhận rõ rệt hơn tình yêu với quê hương, càng hiểu rõ hơn Sài Gòn. Với những mảnh đời bi kịch của nhiều nhân vật trong cuốn sách, Khóc giữa Sài Gòn được không ít độc giả thừa nhận rằng tác giả đã miêu tả chân thực và sinh động cuộc sống nơi phồn hoa nhưng đầy khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, Sài Gòn – Chuyện đời của phố (Phương Nam và NXB Văn hoá Nghệ thuật) của nhà văn Phạm Công Luận, kết hợp thể loại tản văn và khảo cứu, là những câu chuyện về con người, cuộc sống Sài Gòn xưa với cảm xúc hoài niệm man mác. Cuộc giao lưu ra mắt phần 3 cuốn sách này vừa qua tại Đường sách TP.HCM đã đông nghịt những độc giả muốn hiểu thêm về cuộc sống và con người ở Sài Gòn cách đây hơn nửa thế kỷ.
Còn với Sài Gòn bao nhớ (Nhã Nam, NXB Hội Nhà văn), tác giả Đàm Hà Phú, bằng giọng thô mộc, thuần phác của người Sài Gòn, viết về những “người thường việc thường” của Sài Gòn. Với giọng văn chân thật, nhẹ nhàng nhưng không kém phần tinh tế, giàu nữ tính, tác giả Hạ Dung đã gợi lại cho độc giả không ít ký ức xưa cũ về một Sài Gòn đẹp, ngọt ngào và nhẹ nhàng vì chan chứa tình qua tập tản văn Sài Gòn, mai gọi nhau bằng cưng (NXB Trẻ). Còn Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi (Hiền Hòa, Phương Nam và NXB Hội Nhà văn) lại tập hợp các cách nhìn Sài Gòn thông qua hình ảnh và cách sống của các nhân vật có thể gọi là người nổi tiếng, mặc khách của Sài Gòn. Sài Gòn vẫn hát (Mạc Thuỵ và UBee Hoàng, Cẩm Phong Books và NXB Lao Động) là một tác phẩm hiện sinh về văn nghệ Sài Gòn, trải dài từ những ngày xưa cũ đến tận nay…
Ngoài ra còn có rất nhiều cuốn sách khác viết về kiến trúc, ẩm thực, con người Sài Gòn vẫn được các đơn vị xuất bản đã, đang và tiếp tục thực hiện.
Đừng quá “ve vuốt”
Hàng chục đầu sách đủ thể loại về Sài Gòn được xuất bản trong khoảng 2 năm trở lại đây đã tạo nên một “dòng sách về Sài Gòn” đáng chú ý.
Xuất bản tháng 4.2015, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… em đã được in 50.000 bản ngay trong đợt phát hành đầu tiên – một con số khiến nhiều tác giả lão làng phải thèm muốn, lọt vào danh sách sách bán chạy nhất trên cả hai hệ thống Phương Nam và Tiki. “Sách về Sài Gòn bán khá tốt tại hệ thống nhà sách Cá Chép. Trong đó, cuốn mà hiện nay lượng khách hàng quan tâm và bán tốt nhất là cuốn Sài Gòn bao nhớ “, bà Nguyễn Thuỷ Hằng Giang, Giám đốc hệ thống nhà sách Cá Chép, cho biết. Còn bà Phạm Thị Hoá (Trưởng phòng Kinh doanh sách quốc văn, Công ty Fahasa) cho biết bán mạnh nhất trong hệ thống Fahasa là cuốn Khóc giữa Sài Gòn với hàng chục ngàn bản. Đại diện Công ty văn hoá Phương Nam cho biết Sài Gòn – Chuyện đời của phố phần 1 và 2 đều đã tái bản 2 lần.
Lý giải về việc dòng sách về Sài Gòn được ưa chuộng, TS Đoàn Lê Giang, Trường đại học KHXH-NV TP.HCM, cho rằng là do “thực chất số lượng sách viết về Sài Gòn không nhiều như sách viết về các địa phương khác như Hà Nội, Huế. Việc độc giả tìm đọc dòng sách này chứng tỏ nhu cầu muốn tìm hiểu về văn hoá, về sự tĩnh lặng, về nét khác biệt của Sài Gòn ngày càng tăng, bên cạnh một Sài Gòn phát triển về kinh tế”. Còn nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh phía nam NXB Kim Đồng, nhận định: “Có lẽ bởi người ta nhận thấy những giá trị Sài Gòn cũ đang bị xâm hại, bị biến mất quá nhanh…, một phần có lẽ do người làm sách PR giỏi”.
Tuy nhiên, nhà văn Trần Nhã Thuỵ cũng cảnh báo về xu hướng “ve vuốt Sài Gòn” ở dòng sách này: “Các tản văn về Sài Gòn gần đây như những món quà souvenir dễ thương, dễ mua, dễ tặng nhau, do đó mà người ta đổ xô viết về Sài Gòn? Theo tôi, nếu yêu Sài Gòn thì yêu cả cái tốt và cái xấu của nó. Sài Gòn cũng có những thứ nham nhở, mệt mỏi. Hiện có xu hướng ve vuốt Sài Gòn, đại khái Sài Gòn cái gì cũng hay ho, thơm tho… Vì vậy sách về Sài Gòn cần có cái nhìn đa chiều. Và đừng giãy nảy lên khi có ai đó chê Sài Gòn”.
“Cần đi vào chiều sâu hơn nữa”
Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: “Đáng ghi nhận là thời gian qua đã có nhiều sách về Sài Gòn khá toàn diện, từ địa danh, cảnh cũ người xưa, tới tiếng lóng, ẩm thực… Tuy nhiên, phần lớn chúng mới đạt được ở tầm cảm xúc, mới chạm vào bề nổi văn hoá Sài Gòn. Hiếm có những cuốn như Ve vãn Sài Gòn (chị Đẹp), Sài Gòn – Chuyện đời của phố (Phạm Công Luận), Mùa hè năm Petrus (Lê Văn Nghĩa)… nhấn mạnh được về chiều sâu Sài Gòn, có đối chiếu giữa Sài Gòn xưa và nay. Sách về Sài Gòn cần lắng đọng và đi vào chiều sâu hơn nữa sẽ càng thu hút được bạn đọc”.
|
Lucy Nguyễn