Nhiều rủi ro với mỹ phẩm “sida”
Đánh vào tâm lý sính hàng hiệu, muốn làm đẹp, dưỡng da ăn tết của nhiều chị em phụ nữ, thị trường mỹ phẩm hàng hiệu “sida” (hàng đang xài dở dang) lại hoạt động tấp nập.
Nhiều rủi ro với mỹ phẩm “sida”
Đánh vào tâm lý sính hàng hiệu, muốn làm đẹp, dưỡng da ăn tết của nhiều chị em phụ nữ, thị trường mỹ phẩm hàng hiệu “sida” (hàng đang xài dở dang) lại hoạt động tấp nập.
Mỹ phẩm được bày bán dưới đất tại chợ Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung |
Từ đây tiềm ẩn nhiều rủi ro mang bệnh ngoài da, dị ứng mỹ phẩm do xài phải hàng hết “đát”, hàng nhái, hàng mở nắp lâu ngày bị nhiễm khuẩn.
Từ bán trên vỉa hè
Chị N.H.T.N. là khách hàng ruột của mấy chỗ hàng mỹ phẩm “sida” chợ Vườn Chuối, Q.3 (TP.HCM). Chị N. nói phải ra sớm mới lựa được hàng hiệu, hàng xịn. Hồ hởi chen chân vào nhóm các bà, các chị đứng ngồi lố nhố quanh tấm bạt trải bệt trên nền đất, chị N. chọn được hũ kem dưỡng da ban ngày hiệu L’oreal. Mở nắp hộp kem sờn tróc gần hết chữ bên ngoài, chị đưa lên mũi hít hít rồi nhận xét: “Còn thơm”.
Sau gần cả tiếng ngồi xốc lựa trong mớ chai lọ đổ đống, chị N. hớn hở với số chiến lợi phẩm thu được: một hũ dưỡng thể The Body Shop, tuýp sữa rửa mặt Avon, chai kem chống nắng hiệu Avene, nước hoa hồng Lancome, nước hoa Dior, son dưỡng Estee Lauder…, thêm mấy chai sơn móng tay hiệu The Face Shop.
Mặt chị tươi rói: “Tổng cộng hết có trăm rưỡi ngàn. Mớ này mua mới phải hết mấy triệu đó”. Các sản phẩm chị mua đều không tìm đâu ra hạn sử dụng vì đã mất vỏ, chữ trên chai thì nhoè, mờ, tróc.
Thấy khách phân vân, cô bán hàng nhanh nhẹn mở hộp kem rồi tư vấn: “Hàng bao xài. Mấy chị hửi mùi, bôi thử thoải mái, hễ thấy kem còn thơm, chưa vón cục, chảy nước là còn tốt!”.
Mỗi món mỹ phẩm “hàng hiệu” chỉ có giá tầm 10.000-30.000 đồng. Món cao lắm chỉ tầm 50.000-70.000 đồng. Thanh, người bán hàng, tiết lộ: “Hàng em là hàng sân bay (hàng của khách đi máy bay bỏ lại ở trạm kiểm soát), hàng cận “đát” thanh lý của mấy công ty mỹ phẩm.
Ngoài ra còn có người chuyên gom hàng hiệu đã qua sử dụng rồi bỏ mối. Bữa nào hên thì lấy được lô hàng còn hạn sử dụng tầm 1-2 tháng, còn phần lớn mình chỉ đánh giá dựa vào kinh nghiệm và cảm nhận qua mùi, màu, chất kem… ”.
Đến rao bán trên mạng
Vừa nhận gói bưu phẩm gửi vào từ Hà Nội, chị Hồ Thanh Hà (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhanh nhẩu mở ra rồi hoang mang vì các sản phẩm trong bộ dưỡng da hiệu Artistry (thương hiệu thuộc Tập đoàn Amway) chị đặt mua của một shop mỹ phẩm đã qua sử dụng (bán trên mạng) đều bị cạo xoá phần ghi hạn sử dụng.
Nhắn tin hỏi chủ shop thì được động viên: “Đồ bên em toàn vậy. Khách em vẫn xài vô tư. Nếu chị xài mà bị gì thì gửi trả em”. Trọn bộ sản phẩm này chị mua với giá 250.000 đồng – so với giá gốc hơn 2 triệu đồng thì rõ ràng là một món hời. Nghe lời chủ shop, chị Hà đem kem ra xài. Xài được vài ngày thì mặt ngứa, nổi mụn. Chị không dám xài tiếp, cũng không rảnh đi gửi lại trả.
Chỉ cần lên mạng tìm “mỹ phẩm sân bay” hay vào mạng xã hội Facebook tìm kiếm các tài khoản dạng như “thanh lý, share mỹ phẩm”, “Mỹ phẩm second-hand” sẽ tìm thấy những shop bán mỹ phẩm xài rồi.
Thông tin khách hàng nhận được thường là hình chụp sản phẩm, thương hiệu, sản phẩm còn bao nhiêu phần trăm dung tích và đủ thứ công dụng ngất trời. Người mua hàng quên mất những tác dụng tốt đẹp kia chỉ có khi sản phẩm còn nguyên tem mác, được bán tại cửa hàng và được bảo quản đúng cách chứ không phải những lọ kem bị quăng quật, trôi nổi, qua tay nhiều người.
Giá của hàng này thường chỉ tầm 20 – 30% giá gốc. Những thông tin quan trọng khác như ngày sản xuất, hạn sử dụng đều bị lờ đi.
Nên tìm lời khuyên từ bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho rằng người sử dụng vẫn có nguy cơ không tốt cho sức khoẻ nếu dùng mỹ phẩm không đúng cách. Mỹ phẩm không còn hạn sử dụng sẽ có sự biến tính các hoạt chất trong thành phần, dẫn đến không còn tác dụng như ban đầu hoặc bị lây nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh. Do vậy, người sử dụng có nguy cơ dị ứng hoặc nhiễm trùng da khi sử dụng những loại mỹ phẩm này.
Những năm gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận điều trị những trường hợp da tổn thương hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng do sử dụng mỹ phẩm không đúng cách.
Ngay cả mỹ phẩm có xuất xứ rõ ràng cũng có khả năng gây dị ứng trên cơ địa nhạy cảm hoặc sử dụng không đúng cách, không phù hợp với loại da người dùng. Với mỹ phẩm trôi nổi, tự pha chế hoặc quá hạn sử dụng, khả năng gây tổn thương cho da càng tăng vì chứa các chất gây tác hại.
Có hai loại tác hại: tác hại xảy ra ngay tức thì và tác hại lâu dài. Với tác hại tức thì là những phản ứng viêm da dị ứng, viêm da kích ứng do những thành phần hoạt chất có trong mỹ phẩm. Biểu hiện nhẹ là da đỏ, ngứa, nặng hơn da trở nên sưng, phồng nước, lở, tiết dịch. Với tác hại lâu dài, lúc đầu da có thể trắng, mịn nhưng lâu dài da trở nên teo, giãn mạch, đỏ da, phát ban mụn trứng cá…
Nếu muốn sử dụng mỹ phẩm, bác sĩ Trọng Hào khuyên trước hết cần xác định rõ mục đích sử dụng mỹ phẩm: làm sạch da, sáng da, hỗ trợ điều trị bệnh da hay chỉ đơn thuần để trang điểm… Tiếp theo phải chọn mỹ phẩm có xuất xứ rõ ràng, được phép lưu hành trên thị trường và còn hạn sử dụng.
Tốt nhất là chọn những thương hiệu có uy tín. Và dù mục đích sử dụng mỹ phẩm là gì cũng phải chọn loại phù hợp với loại da hay tình trạng bệnh lý da (nếu có) của mình. Nên khám và tìm lời khuyên ở bác sĩ trước khi quyết định lựa chọn một loại mỹ phẩm hoặc một phương pháp điều trị nào đó cho làn da của mình.
Không nên dùng chung Mỹ phẩm là loại sản phẩm mang tính chất cá nhân, kiêng kỵ dùng chung vì có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người dùng, nhất là những sản phẩm như son môi, màu mắt, kem dưỡng da… Để tránh mỹ phẩm bị nhiễm khuẩn, nhà sản xuất khuyến cáo người dùng không lấy kem trực tiếp bằng tay mà nên lấy bằng dụng cụ riêng, bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tuỳ vào thành phần mà mỗi loại mỹ phẩm sẽ có hạn sử dụng riêng. |