26/12/2024

Loại bỏ tất cả các biển báo tốc độ ‘rùa’

Sau yêu cầu quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, văn bản của Tổng cục Đường bộ VN, nhiều Sở GTVT đã quyết liệt cho rà soát, tháo bỏ biển báo bất hợp lý, đặc biệt là biển hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ.

 

Loại bỏ tất cả các biển báo tốc độ ‘rùa’


Sau yêu cầu quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, văn bản của Tổng cục Đường bộ VN, nhiều Sở GTVT đã quyết liệt cho rà soát, tháo bỏ biển báo bất hợp lý, đặc biệt là biển hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ.





 

Hà Nội đã thay biển 40 km/giờ bằng biển “Đi chậm” – Ảnh: M.Hà


Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết tối 19.1 Hà Nội đã cho tháo tất cả các biển hạn chế tốc độ dưới 40 km/giờ. Những biển trên đường dẫn lên cầu vượt và đường trên cao đã được thay bằng biển “Đi chậm”. Ông Tân cũng khẳng định, Hà Nội có gần 10.000 biển báo, nhưng đang rà soát toàn diện trong tất cả các đường ngõ ngách, tháo bỏ các biển bất hợp lý như yêu cầu của Bộ GTVT.

Tại Thừa Thiên-Huế, ông Lê Quốc Phòng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.6, cho biết trên các tuyến QL1A sau khi nâng cấp, mở rộng đã không còn những biển báo dưới 40 km/giờ bất hợp lý. Chỉ có một số biển tại hai hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng, chủ đầu tư cắm và đã được yêu cầu tháo dỡ. Ngoài ra, ở những đoạn đường đèo nguy hiểm vẫn duy trì biển báo tốc độ dành cho xe giường nằm.
Chiều 21.1, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thuận Phương, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 – thuộc Tổng cục Đường bộ VN, cho biết với nhiệm vụ quản lý đường bộ ở 22 tỉnh, thành từ Ninh Thuận trở vào đến Cà Mau, Cục Quản lý đường bộ 4 đã làm việc với 22 Sở GTVT và cam kết tháo bỏ trước ngày 25.1. Riêng tại TP.HCM, ngày 21.1 Sở GTVT TP đã ra quân kiểm tra, xử lý.
Theo ông Phương, thực trạng biển báo “rùa” dưới 50 km/giờ, trong đó nhiều biển báo tốc độ cho phép chỉ 20 – 30 km/giờ chủ yếu ở các tỉnh, trong đó nhiều nhất là Bình Phước, Trà Vinh, Đồng Nai… Về loại đường, hầu hết biển báo dưới 50 km/giờ được cắm ở các tỉnh lộ, huyện lộ ở các địa phương. Trong năm 2015, Cục Quản lý đường bộ 4 đã xử lý hết biển báo 20 – 30 km/giờ. Đó là những đoạn đường đông dân cư và thường xảy ra tai nạn giao thông. “Tinh thần chung là các địa phương phải tháo bỏ hết các loại biển báo này. Những vị trí đặc biệt như dân cư quá đông, khu vực trường học… thì các địa phương cần phải giải trình sau khi tháo dỡ”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho biết tại TP.HCM hiện có một số làn đường rộng để các tốc độ khác nhau cho xe máy (40 km/giờ) và ô tô (60 km/giờ), nhưng quan điểm của tổng cục là xoá hết các biển dưới 40 km/giờ, bởi trong trường hợp khẩn cấp điều chỉnh làn, xe ô tô chuyển làn sẽ bị đi vào làn hạn chế 40 km/giờ. Ông Huyện cũng cho hay, sau khi nhận được tin nhắn của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về các biển báo bất hợp lý tại Hà Nội, Lào Cai, Bình Dương, Hải Phòng, tổng cục cũng đã cho rà soát và yêu cầu dẹp bỏ. Cụ thể, tại TP.Lào Cai có biển báo 30 km/giờ ở ngõ bệnh viện tỉnh, đã yêu cầu tháo bỏ ngay. Tại Hải Phòng, có biển 30 km/giờ trong khu công nghiệp, hay tại Bình Dương cũng có biển báo 30 km/giờ tại khúc cua rừng cao su, nhưng trong hôm qua đã nhổ bỏ.
Theo ông Huyện, việc bỏ biển báo giới hạn tốc độ 40 km/giờ có cơ sở khoa học chứ không phải thích thì xóa. Hiện tại, hệ thống đường sá đã tốt hơn, sát hạch lái xe được làm chặt chẽ hơn nên kỹ năng tài xế được nâng cao, nếu để biển hạn chế 40 km/giờ trong đô thị không phù hợp nữa, việc bỏ biển sẽ giảm được ách tắc, ùn ứ trong thành phố.
Đặc biệt, các khu vực đông dân cư, đô thị chỉ cắm biển báo ở đầu và cuối tuyến, khoảng cách tối thiểu là 30 km. Không thể để 5 – 10 km lại có biển báo, vì nếu để thế thì chỗ nào cũng đông dân cư. Ở các khu vực nguy hiểm, có thể cắm biển đi chậm.
 

Mai Hà – Đình Mười – Nguyễn Tú – B.N.Long