Tại sao chúng ta mất 2 tỉ USD?
Mỗi năm ước tính chúng ta mất 2 tỉ USD đi nước ngoài khám bệnh (Tuổi Trẻ ngày 20-1). Nếu tính trung bình một ca tốn khoảng 30.000 USD, sẽ có khoảng 34.000 ca đi khám – chữa bệnh ở nước ngoài.
NGƯỜI VIỆT RA NƯỚC NGOÀI KHÁM CHỮA BỆNH:
Tại sao chúng ta mất 2 tỉ USD?
Mỗi năm ước tính chúng ta mất 2 tỉ USD đi nước ngoài khám bệnh (Tuổi Trẻ ngày 20-1). Nếu tính trung bình một ca tốn khoảng 30.000 USD, sẽ có khoảng 34.000 ca đi khám – chữa bệnh ở nước ngoài.
Trong khi nhiều người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh thì bệnh viện trong nước vẫn nhận bệnh là người nước ngoài. Trong ảnh là một người quốc tịch Anh sang khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM sáng 19-1 – Ảnh: Hữu Khoa |
So với 95 triệu dân thì không nhiều nhưng đây là con số đáng suy ngẫm. Vậy tại sao chúng ta mất 2 tỉ USD?
Trước hết trên phương diện bệnh nhân, sức khoẻ là vốn quý nhất, điều người ta sợ mất nhất vì khi mất đi không thể bù lại được, nhất là đối với những người có thu nhập cao (có thu nhập cao mới có thể đi nước ngoài khám và điều trị).
Tiếp đến, người có thu nhập cao luôn có nhu cầu được phục vụ thật tốt, chu đáo, ít mất thời gian nhất (thời gian với họ là tiền bạc). Chính vì vậy khi bị bệnh, người có thu nhập cao luôn có nhu cầu được khám nhanh (không phải chờ đợi), khám và chẩn đoán chuẩn xác bằng kinh nghiệm của bác sĩ có tay nghề cao và các phương tiện chẩn đoán tối tân nhất.
Sau đó là các phương pháp điều trị. Điều này rõ ràng là các bệnh viện nhà nước không thể đáp ứng được, còn các bệnh viện tư nhân có thể đáp ứng được nếu được đầu tư đầy đủ. Nhưng hiện khó mà tìm được bệnh viện tư nhân có thể đáp ứng cả về nguồn nhân lực và thiết bị hoàn hảo.
Giả sử có bệnh viện tư nhân đáp ứng được hai điều kiện trên thì họ cũng khó thu tiền cao như nước ngoài, bởi người bệnh trong trường hợp đó sẽ quyết định đi nước ngoài vì người ta vẫn cho là bệnh viện nước ngoài tốt hơn nhiều.
Trên phương diện bệnh viện, các bệnh viện nhà nước thường trong tình trạng cũ kỹ, xây dựng từ lâu và không được xây mới, hệ thống bệnh viện công phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là chăm sóc sức khoẻ cho 95 triệu dân mà hơn 80% trong số đó chưa có khả năng chi trả các dịch vụ y tế nếu tính đúng tính đủ.
Do đó, sự quá tải vẫn là chuyện dài nhiều tập bởi thói quen đăng ký trước khi khám bệnh vẫn chưa có và chưa thể thực hiện.
Khi đi khám bệnh ở nước ngoài, các bệnh nhân vẫn đăng ký trước để lấy hẹn, nên khi đến không phải chờ đợi là điều dễ hiểu. Nhưng nếu không đăng ký trước, bạn không được khám chứ đừng nói là chờ đợi.
Trang thiết bị lạc hậu và không đồng bộ khiến việc điều trị bệnh không đạt hiệu quả như mong muốn. Các bệnh viện nhà nước có tiếng tăm muốn đầu tư cũng khó vì khả năng thu hồi vốn sẽ kém với phí dịch vụ như hiện nay.
Lương thấp, thu không đủ bù chi khiến nhiều bệnh viện không thể tự chủ về mặt tài chính, khó giữ được người giỏi. Những bệnh viện có sáng kiến mở phòng khám dịch vụ cho người có nhu cầu thì bị lên án là phân biệt đối xử giữa người có tiền và ít tiền.
Chúng ta đang luẩn quẩn trong cái khái niệm về công bằng không tưởng. Nhiều bệnh viện bị kết luận là ăn cắp giờ công trong tư nên các hình thức này dần dần bị thu hẹp hay dẹp bỏ. Những nước giàu như Pháp chẳng hạn, các giáo sư trong bệnh viện công vẫn có giờ khám tư và mổ tư cho các bệnh nhân có yêu cầu trực tiếp.
Cơ chế đấu thầu mỗi năm khiến các bệnh viện nhà nước không thể áp dụng các kỹ thuật điều trị tiên tiến cũng làm bệnh nhân mất tin tưởng.
Các bệnh viện tư nhân ra đời đáp ứng được nhu cầu phòng ốc, cung cách phục vụ, thiết bị (không chắc chắn lắm vì họ chỉ đầu tư các thiết bị có khả năng thu hồi vốn cao, các thiết bị khác với khả năng thu hồi vốn kém ít được đầu tư hơn) nhưng lại khó có nhiều bác sĩ giỏi vì không thể trả lương tương xứng, hoặc do công việc không bền vững nên các bác sĩ giỏi vẫn muốn ở lại trong bệnh viện nhà nước hơn.
Số lượng bệnh viện tư nhân ra đời ngày càng nhiều nhưng số bệnh nhân có khả năng chi trả không nhiều dẫn đến 60-70% bệnh viện tư nhân sống một cách lây lất.
Phương diện bác sĩ, đây có lẽ là vấn đề cần xem xét nhất. Bác sĩ nước ngoài khi muốn hành nghề phải mất trung bình 12-17 năm học tuỳ chuyên khoa. Do vậy khi bác sĩ ngồi phòng khám họ rất vững vàng và biết nhiều.
Bác sĩ Việt Nam được đào tạo theo kiểu chặt khúc. Sáu năm tổng quát mới cung cấp kiến thức căn bản cho một bác sĩ đa khoa. Hai năm chuyên khoa 1 cho một chuyên ngành là quá ngắn khi họ phải học thêm các chuyên khoa khác phục vụ cho chuyên khoa chính. Ba năm chuyên khoa cấp 2 không phải bác sĩ nào cũng được học.
Dẫu được đi học, vấn đề cơm áo gạo tiền cũng khiến họ khó có thể toàn tâm toàn ý vào học hành. Như vậy trong một khoa, có nhiều bác sĩ mới ra trường 6 năm, có bác sĩ chuyên khoa 1, một ít bác sĩ chuyên khoa 2 nên khi khám một bệnh nhân bác sĩ này nói A, bác sĩ khác nói B là điều dễ hiểu. Chưa kể, trong tương lai các trường y tư nhân với đầu vào khá thấp và chương trình đào tạo đơn sơ với dàn giảng viên “đơn sơ” sẽ là vấn nạn mà cả xã hội sẽ phải đau đầu đối mặt.
Tóm lại, muốn giữ lại 2 tỉ USD hoặc nhiều hơn cần phải cải thiện rất nhiều điều từ con người đến trang thiết bị, cơ chế vận hành và kể cả cái nhìn của truyền thông về ngành y.
Bảo hiểm y tế được kỳ vọng là xương sống cho ngành y tế nhưng hiện nay sự bất đồng chính kiến giữa một bên chi trả muốn giữ chặt hầu bao và một bên là bác sĩ muốn điều trị tốt cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân có bảo hiểm vẫn chưa được hưởng sự điều trị tối ưu và các bệnh viện cũng chưa mặn mà với bảo hiểm y tế. Cần nhiều sự lắng nghe từ hai phía hơn để có thể cải thiện tình trạng điều trị cho bệnh nhân. |