Ai làm lãnh đạo cũng phải nghĩ tới lợi ích dân tộc
Nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nói như trên trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về Đại hội lần thứ XII của Đảng chính thức khai mạc hôm nay.
Ai làm lãnh đạo cũng phải nghĩ tới lợi ích dân tộc
Nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nói như trên trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về Đại hội lần thứ XII của Đảng chính thức khai mạc hôm nay.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tại phiên họp trù bị sáng 20-1 – Ảnh: TTXVN |
* Thưa ông, là một người dân, ông kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng lần này?
– Ở ta, Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất nên những quyết sách của Đảng sẽ quyết định đường hướng phát triển đất nước. Do đó, mọi người dân đều mong mỏi đại hội sẽ đem đến những điều mới mẻ để làm cho dân giàu, nước mạnh, ai cũng được sống trong sự an bình, hạnh phúc.
Vừa qua nhiều người dành mối quan tâm hàng đầu tới vấn đề nhân sự lãnh đạo; điều đó cũng dễ hiểu vì những người lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, cũng nên nghĩ ngược lại đôi chút: dù ai làm lãnh đạo cũng phải nghĩ tới lợi ích dân tộc. Do đó tôi rất mong các vị đại biểu dự đại hội trước hết hãy dành nhiều trí tuệ và thời gian để bàn thảo cho kỹ đường lối phát triển của đất nước, xây dựng Đảng cho thật trong sạch, vững mạnh.
Ông Vũ Khoan – Ảnh: V.V.T. |
“Đừng chỉ nhìn mình, mà phải nhìn người. Nếu chỉ nhìn mình thì dễ bằng lòng, thấy hôm nay khá hơn hôm qua nhưng so với thiên hạ thì chưa bằng được ai |
Ông Vũ Khoan |
* Vậy ông quan tâm những vấn đề cụ thể nào trong đường lối phát triển đất nước?
– Đảng lãnh đạo toàn diện sự phát triển của đất nước, do đó đường lối, chính sách của Đảng cũng mang tính toàn diện. Về phần mình, tôi quan tâm nhiều tới các nội dung kinh tế vốn được coi là nhiệm vụ trung tâm.
Liên quan tới câu chuyện này tôi chú ý ba điều: một là, khẳng định mạnh mẽ chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới;
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật của kinh tế thị trường và ba là, phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.
Thật ra nội dung cốt lõi của ba điều này đã manh nha từ ba mươi năm trước khi công cuộc đổi mới được khởi động và nước ta đã cố gắng đi theo phương hướng này nhưng cũng chưa thật mạnh mẽ, trọn vẹn như mong muốn.
Như vậy, dù ban lãnh đạo thay đổi, tôi nghĩ đường lối, chủ trương, chính sách sẽ theo những hướng đó, không thể đi ngược lại.
Từ cách tiếp cận này, cộng đồng doanh nghiệp không nên chờ đợi mà nên chủ động trong sản xuất, kinh doanh, không khéo trong khi ta lăn tăn thì thiên hạ lại tích cực xâm nhập thị trường, cuối cùng mình chịu thua thiệt.
* Nhiều khi không phải do doanh nghiệp chờ đợi mà do có sự kiện chính trị quan trọng thì bộ máy dù ở địa phương hay trung ương đều tập trung cho sự kiện đó, ảnh hưởng đến công việc khác?
– Tiếc rằng hiện tượng này có thật và không mới. Điều này rất khác ở nhiều nước, chính phủ thay đổi xoành xoạch nhưng công việc làm ăn vẫn diễn biến bình thường, không ảnh hưởng gì nhiều. Đây là điều không hay.
Trước thực tế không vui ấy chẳng có cách nào khác là các cấp, các ngành phải làm sao cho thời gian chuyển tiếp, bàn giao nhiệm kỳ càng nhanh càng tốt.
* Trong quá trình chuẩn bị đại hội, ông có đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo văn kiện và công tác nhân sự không?
– Khi chuẩn bị dự thảo văn kiện, Bộ Chính trị mời những người nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đóng góp ý kiến và Tổng bí thư trực tiếp ngồi nghe. Quá trình soạn thảo từng phần của dự thảo văn kiện cũng có những cơ quan liên quan tham khảo ý kiến.
Sau khi dự thảo văn kiện được công bố, tôi có đóng góp ý kiến về kinh tế, viết thành bài đăng các báo. Còn về công tác nhân sự thì không trực tiếp đóng góp ý kiến vì nay “ngồi đáy giếng”, không có thông tin, còn nói đạo lý chung chung thì chẳng nên nói.
* Từ những ý kiến đã góp ý cho dự thảo văn kiện, ông thấy có điểm quan trọng nào đã được tiếp thu?
– Xem dự thảo văn kiện thì thấy ý này, ý khác trùng hợp với suy nghĩ của mình nhưng cũng không dám nói là ý kiến của mình được tiếp thu vì hàng vạn ý kiến đóng góp chứ có phải một mình mình đâu mà “tự sướng”!
Cũng có đôi điều chưa sướng lắm, ví dụ nay không còn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mà chỉ đặt vấn đề “sớm” đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thôi.
Tuy nhiên trong các văn kiện hình như chưa đưa ra những tiêu chí rõ ràng và phương cách công nghiệp hóa trong hoàn cảnh mới. Giá như các đại biểu đại hội soi rọi thêm câu chuyện lớn này thì hay biết bao.
Hơn nữa, văn kiện đại hội nhấn rất mạnh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, không công nghiệp hoá được thì làm sao khắc phục được nguy cơ nhãn tiền ấy?
Nếu không làm rõ được điều này thì chẳng khác gì câu chuyện kiến trúc sư chưa vẽ hình thù và thiết kế ngôi nhà nhưng người thợ xây cứ bắt tay vào xây dựng.
* Thưa ông, thật ra có nhiều ý tưởng về đường lối, chính sách đặt ra từ Đại hội VI đến nay được kỳ vọng là khâu đột phá, nhưng kiểm điểm sau mỗi nhiệm kỳ thì có nhiều việc chưa làm được hoặc làm chưa tới nơi tới chốn?
– Qua mỗi kỳ đại hội, đường lối, chính sách ngày càng rõ thêm và đều có những điểm mới. Rất tiếc nhiều ý tưởng đâu phải bây giờ mới đề ra nhưng không được thực hiện.
Ví dụ tư tưởng “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” đã được đề ra từ năm 1995, từ đó đến nay tư tưởng này luôn được nhấn mạnh nhưng nay vẫn lo ngay ngáy với nội lực thế này thì làm sao trụ được trước làn sóng hội nhập mới.
Như vậy vấn đề nằm ở khâu thực hiện chứ không phải nằm ở ý tưởng.
* Khâu thực hiện kém là do năng lực hay nguyên nhân nào khác, thưa ông?
– Tôi thấy nhiều khi ban lãnh đạo bị cuốn hút vào công việc trước mắt, chưa để tâm đầy đủ vào những việc lâu dài.
Công việc hằng ngày lại bề bộn, phức tạp, nóng bỏng, phải tập trung trí lực vào đấy, không tĩnh tâm chỉ đạo được đầy đủ việc thực hiện. Năm năm sau nhìn lại mới thấy chuyện này, chuyện kia chưa làm được.
* Nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan kỳ vọng về Đại hội Đảng có khác gì với công dân Vũ Khoan?
– Có hai điều. Một là, sau đại hội nên tập trung ráo riết và liên tục vào khâu cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các đường hướng lớn của đại hội.
Nhiều khi chúng ta dành quá nhiều công sức vào việc tranh luận những khái niệm, thậm chí có những khái niệm được bàn đi bàn lại triền miên mấy chục năm, qua nhiều kỳ đại hội nhưng vẫn không thật rõ nội hàm, lại “quên” chỉ đạo thực hiện thật ráo riết nên khái niệm vẫn là khái niệm, không đi vào cuộc sống!
Hai là nhanh chóng xếp sắp bộ máy và con người “áp sát” ngay vào đường hướng của đại hội đề ra.
Nước ta đã hội nhập sâu rộng, tham gia hàng chục FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, nếu không có con người hiểu biết sâu và tập trung chỉ đạo thì làm sao có thể tận dụng được cơ hội, hoá giải được thách thức?
Làm tốt hai việc này thì con tàu đất nước mới tăng tốc nhanh và trơn tru được.
* Nếu là tổng bí thư, ông sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề gì? – Chuyện không tưởng như thế làm sao trả lời được! Thôi ta xoay chiều câu hỏi thành thế này: với tư cách người dân, ông mong đợi gì ở người lãnh đạo cao nhất? Tôi xin trả lời thế này: mong muốn thì nhiều lắm nhưng không biết mọi người thế nào chứ riêng tôi mong hai điều: đức độ và tài năng. Riêng về tài năng thì điều đầu tiên là có được những tư tưởng lớn lôi kéo toàn dân tộc đi theo. Đồng thời phải có tấm lòng, thấu hiểu đất nước và dân tộc mình, hiểu biết xu thế thời đại. Còn việc tổ chức thực hiện ý tưởng ấy ra sao phải có bộ máy, như người xưa thường nói “thần thiêng vì bộ hạ”, bộ hạ không ra sao thì thần cũng không thiêng được. Đấy là nói về lý thuyết, ý nguyện thôi chứ mình có ở cương vị ấy đâu mà dám “chém gió”! |