Buổi sinh hoạt chuyên đề do Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua giúp phụ huynh thoát khỏi những tình huống dở khóc dở cười khi trẻ ăn vạ.
Cách ‘trị’ trẻ ăn vạ
Buổi sinh hoạt chuyên đề do Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua giúp phụ huynh thoát khỏi những tình huống dở khóc dở cười khi trẻ ăn vạ.
Phụ huynh Trần Mai Hà (ở Q.10) kể lại tình huống khiến người mẹ trẻ cảm thấy xấu hổ: “Bé nhà tôi 5 tuổi. Có hôm tôi dẫn cháu vào trung tâm thương mại ăn tối với gia đình người bạn. Đi qua khu vui chơi, tôi không cho bé vào chơi, bé liền khóc rồi nằm lăn ra lối đi, chân tay vùng vẫy… Cháu khóc, la quá dữ dội, mọi người đi qua đều ngoái lại nhìn. Vừa bực con, vừa ngại với người xung quanh, tôi không biết xử trí ra sao!”.
Còn một phụ huynh có con gái 4 tuổi tại Q.5 rất khó xử mỗi khi con khóc lóc, la hét, nhiều khi giả bộ ho dẫn đến ói nếu không được đáp ứng yêu cầu. “Nhìn thấy vậy, ông bà ngoại liền chạy đến nựng, dỗ dành, cháu muốn gì chiều nấy. Nhiều lần người lớn bất đồng vì con trẻ”, phụ huynh này cho biết.
Một giáo viên Trường mầm non Chim Non (Q.8) kể chỉ vì không hài lòng trong giờ chơi, có bé sẵn sàng lấy đồ chơi ném vào các bạn xung quanh, la hét rồi chạy, đụng bạn nào là đánh bạn đó.
Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, phân tích: “Đó gọi là những hành vi không mong đợi, thể hiện một trong những ý nghĩa sau: phản ứng bình thường của trẻ nhỏ mỗi khi muốn đòi hỏi được đáp ứng, biểu hiện bình thường phù hợp với tuổi phát triển (chẳng hạn trẻ lên 3), báo hiệu trẻ đang gặp khó khăn liên quan đến tâm lý hay biểu hiện của tình trạng bệnh lý liên quan đến tâm thần”. Bác sĩ Triết cho biết khoảng 10% trẻ em có biểu hiện nằm vạ đến khám có hành vi không mong đợi là biểu hiện của tình trạng bệnh lý. Đó có thể là bệnh chậm nói, chậm phát triển, tự kỷ. Tuy nhiên, để xác định chính xác cần có chẩn đoán, can thiệp với sự phối hợp giữa nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường.
Về phía chuyên môn tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh (Bệnh viện Nhi đồng 1) chỉ ra những nguyên nhân được tìm thấy của biểu hiện nằm vạ: khủng hoảng tuổi lên 3 (xuất hiện từ 18 hoặc 20 tháng kéo dài đến 4 tuổi); học từ người khác (người lớn vô tình củng cố hành vi ăn vạ); thu hút chú ý, thiếu kỹ năng, thói quen… Đặc biệt trẻ có xu hướng tìm kiếm và thử những hành vi để được chấp nhận khi người lớn trong gia đình không thống nhất cách ứng xử, chẳng hạn như mẹ la, bố chiều, ông bà bênh vực.
Để xử lý các phản ứng nói trên của trẻ, thạc sĩ Diệu Anh khẳng định thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự cương quyết của phụ huynh. Nếu tức giận, la mắng và đánh trẻ tức là thể hiện bất lực của người lớn. Hãy cải thiện bằng kỹ thuật phớt lờ như không nhìn mặt, không nói, không cãi, đi nơi khác nếu trẻ có hành vi lôi kéo, quấy rối… Tuy nhiên, bà Diệu Anh nhấn mạnh đừng để đến lúc trẻ có hành vi tiêu cực mới xử lý. Điều cần thiết, về phía gia đình cũng như nhà trường, là nên dành thời gian chơi hằng ngày với trẻ, cho trẻ biết giới hạn điều được phép làm và ngược lại, đưa ra một số quy định phù hợp với thái độ yêu thương nhưng cương quyết.