27/12/2024

Rất sợ thuốc quá đát, nhưng ít khi quan tâm

Thông thường, thuốc bán theo đơn hoặc tự đoán bệnh rồi đi mua ngoài nhà thuốc, mỗi loại thuốc được trích ra một ít không hề đi kèm giấy hướng dẫn sử dụng hoặc mặt thiếc đằng sau cũng không hề có hạn sử dụng.

 

Rất sợ thuốc quá đát, nhưng ít khi quan tâm

Tuổi Trẻ đã làm một cuộc khảo sát “bỏ túi” với 20 người thì cả 20 người đều sợ tác dụng khó lường của thuốc hết hạn sử dụng. Nhưng 17/20 người lại cho biết họ không biết gì về hạn sử dụng và cũng ít khi hỏi.

 

Thuốc kháng sinh quá hạn dùng trở thành rất độc gây hại thận
Thuốc kháng sinh quá hạn dùng trở thành rất độc gây hại thận

Ngại hỏi hạn sử dụng

Thông thường, thuốc bán theo đơn hoặc tự đoán bệnh rồi đi mua ngoài nhà thuốc, mỗi loại thuốc được trích ra một ít không hề đi kèm giấy hướng dẫn sử dụng hoặc mặt thiếc đằng sau cũng không hề có hạn sử dụng. “Thậm chí là nhiều thuốc đổ trực tiếp từ trong lọ ra vài viên thì tên thuốc cũng còn chẳng biết là gì nữa là hạn sử dụng”, anh Bùi Quốc Minh (36 tuổi, ngụ quận 10) cho biết.

Một số người trữ lọ thuốc bổ chứa vitamin, chất khoáng, thực phẩm chức năng hộp to chứa hàng mấy trăm viên, dùng một thời gian thì ngưng khi thuốc vẫn còn nhiều. Sau đó, tính chuyện dùng lại để tẩm bổ thì hạn dùng cho biết đúng lúc hết hạn. Nhìn bề ngoài thấy viên thuốc vẫn còn bóng lưỡng, màu sắc vẫn tươi rói, người này cho rằng dùng chắc chẳng sao, thế là tiếp tục dùng để không lãng phí.

“Trước giờ thì tôi nghĩ các loại dầu cá, dầu gấc để quá hạn sử dụng không quá lâu ngày thì vẫn có thể dùng tiếp. Nếu ai không chắc chắn thì có thể làm mặt nạ dưỡng da”, chị Nguyên Phương (23 tuổi, ngụ quận 10) cho biết.

Khi được hỏi tại sao khi mua thuốc lại không hỏi kĩ hạn sử dụng, chị Trần Thị Nhung (56 tuổi, ngụ quận 10) ngại ngần: “Một đơn thuốc bác sĩ hoặc tự dược sĩ kê ra theo bệnh mà mình mô tả có khi lên đến cả chục loại đủ màu. Do mua lẻ nên nhà thuốc trích ra từng viên một. Tôi rất ngại nếu phải hỏi về tên, công dụng và thậm chí cả hạn sử dụng của chi tiết từng loại. Nhà thuốc cũng sẽ rất khó chịu dù biết đó là quyền lợi của mình”.

“Quan trọng nhất là khỏi bệnh. Tôi nghĩ không chỉ mình tôi ít khi hỏi hạn sử dụng mà rất nhiều người chưa có thói quen đó. Thậm chí là người ta đưa thuốc nào thì uống thuốc đó chứ còn chưa chắc biết công dụng của từng loại một. Chủ yếu là cái tâm của người bán thuốc”, anh Trần Tiến M. (27 tuổi, ngụ quận 5) thừa nhận.

Theo khảo sát, chỉ 3/20 người đã có thói quen tốt là khi mua thuốc tại nhà thuốc lưu ý rất kỹ hạn dùng. Họ từ chối mua thuốc nếu thuốc đó có hạn dùng “cận đát”, không thể để ở nhà lâu dài.

Từ chối mua thuốc nếu thuốc đó có hạn dùng “cận đát”
Từ chối mua thuốc nếu thuốc đó có hạn dùng “cận đát”

Thuốc quá hạn sử dụng có thể gây độc

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, hạn dùng được định nghĩa là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc (thuốc được sản xuất theo lô) mà sau thời hạn này thuốc không còn giá trị sử dụng.

Thí dụ, hạn dùng của thuốc được ghi “30 tháng 6 năm 2016” nghĩa là trong thời gian từ lúc người dùng thuốc mua thuốc đến ngày 30-6-2016 là thuốc có giá trị sử dụng và được phép dùng, còn từ ngày 1-7-2016 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không còn giá trị sử dụng nữa.

Thậm chí, những lọ thuốc bổ chứa các vitamin, chất khoáng hoặc thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng nhưng vẫn được dùng tiếp cũng là rất nguy hiểm.

 “Nên lưu ý, thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng mặc dù trong vẻ bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi, thuốc trông giống y như khi còn hạn dùng.

Nhiều người thấy thuốc bề ngoài còn tốt nghĩ rằng thuốc quá hạn dùng trong thời gian ngắn không sao nên cứ dùng để tránh lãng phí nhưng thực tế có thể gặp nguy hiểm.

Thuốc quá hạn dùng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc. Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin, tetracyclin quá hạn dùng trở thành rất độc gây hại thận”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức cảnh báo.

Để xác định được hạn sử dụng thuốc ấn định trên bao bì, nhà sản xuất phải thực hiện rất nhiều những nghiên cứu để thử độ ổn định của thuốc để xác định tuổi thọ và hạn dùng của thuốc.

Ví dụ như phương pháp thử độ ổn định cấp tốc (kéo dài 3 tháng, ở điều kiện môi trường khắc nghiệt với nhiệt độ cao đến 50 0C, độ ẩm 75%); phương pháp thử độ ổn định dài hạn (2 đến 3 năm) cho kết quả đáng tin cậy, thường dùng để xác định hạn sử dụng cho các loại vắc-xin, hormone.

 “Ngoài ra, một số  yếu tố liên quan đến độ ổn định của thuốc như: nhiệt độ, độ ẩm, độ chiếu sáng… Vì vậy, không chỉ tuân thủ hạn dùng mà còn để ý việc tồn trữ, giữ thuốc ở điều kiện tốt để không làm ngắn đi tuổi thọ và hạn dùng. Như khi mua thuốc về không dùng ngay thì nên để nơi có nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào.

Xin được nhắc lại, thuốc cần được để ở nơi nhiệt độ mát, khô ráo, không bị ánh nắng chiếu vào mới có hạn dùng theo đúng thời gian đã ghi”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Luật dược của nước ta, nhãn thuốc lưu hành trên thị trường bắt buộc phải ghi một số nội dung trong đó có hạn dùng (bên cạnh số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất). Nếu trên nhãn thuốc không ghi hạn dùng thì thuốc đó được cho là thuốc giả.

Cũng theo luật định, mua, bán, sử dụng thuốc quá hạn dùng là bất hợp pháp. Còn việc sửa hạn dùng để gian lận trong mua bán thuốc phải xem là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức