28/12/2024

19-1 và những bài học xương máu

42 năm sau sự kiện 
19-1-1974, những người lính từng ra trận ở Hoàng Sa, Trường Sa ngồi lại, nhắc nhớ những khúc bi tráng trên Biển Đông và bài học xương máu trong công cuộc giữ chủ quyền.

 

19-1 và những bài học xương máu

 

 

42 năm sau sự kiện 
19-1-1974, những người lính từng ra trận ở Hoàng Sa, Trường Sa ngồi lại, nhắc nhớ những khúc bi tráng trên Biển Đông và bài học xương máu trong công cuộc giữ chủ quyền.

 

 

 

 

 

 

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân, thắp nhang tưởng niệm trung tá hải quân Ngụy Văn Thà tại nhà riêng của vợ con ông Thà vào tháng 7-2014 - Ảnh: Viễn Sự
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân, thắp nhang tưởng niệm trung tá hải quân Nguỵ Văn Thà tại nhà riêng của vợ con ông Thà vào tháng 7-2014 – Ảnh: Viễn Sự

Chúng ta có vũ khí rất mạnh chính là sự đồng lòng của nhân dân: gắn bó tha thiết với biển đảo, quyết liệt với chủ quyền đất nước, sẵn sàng đóng góp tiềm lực, trí tuệ, xương máu cho cuộc đấu tranh

Chuẩn đô đốc 
LÊ KẾ LÂM

Buổi gặp mặt bắt đầu bằng một đoạn phim tài liệu của Trung Quốc về trận hải chiến Hoàng Sa do nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình sưu tầm.

Phim có tiêu đề “Hoàng Sa, tự vệ phản kích chiến”, từ tên phim đến nội dung đầy ngụy tạo, đánh lừa dư luận về trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

Và nói như chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, bộ phim đó và cả trận đánh chiếm Hoàng Sa chỉ là hành vi nhỏ trong chuỗi toan tính độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Thời cơ chỉ có một

* Trong các ông, có người là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà (VNCH) từng tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974, có người từng là chỉ huy trong Quân chủng hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam giữ Trường Sa. Bài học nào các ông tâm đắc nhất trong cuộc trường kỳ giữ đảo ấy?

Ông Lữ Công Bảy (cựu thượng sĩ giám lộ khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4, quân đội VNCH, tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974): Trước sự kiện 19-1 vài ngày, chúng tôi còn lên kiểm tra các đảo Hoàng Sa vẫn không thấy gì.

Nhưng đến chiều 17-1, đổ quân lên đảo thì thấy mộ giả viết chữ Trung Quốc dựng lên chi chít. Tàu VNCH ra một chiếc thì Trung Quốc điều ra hai ba chiếc, xuất phát từ đảo Phú Lâm… Quân đội của chúng tôi đã quá chủ quan.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Những ngày này, Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp đá Chữ Thập (Trường Sa) thành đảo nhân tạo hàng trăm hecta, làm đường băng 3.000m, đưa máy bay trinh sát và dân sự ra đảo… khiến tôi rất đau lòng.

Chữ Thập là trung tâm của Trường Sa, nằm độc lập giữa cánh đảo phía nam và bắc, tầm quan trọng rất lớn.

Tháng 10-1987, khi là phó tham mưu trưởng phụ trách tác chiến của Quân chủng hải quân, nhận thấy tình hình căng thẳng nguy hiểm, tôi đã viết công điện gửi anh Giáp Văn Cương, tư lệnh hải quân, nội dung là: “Đề nghị Vùng 4 chuẩn bị triển khai lực lượng đóng gấp Chữ Thập, Châu Viên, Đá Tây và Tiên Nữ”.

Ngay từ đầu chúng tôi xác định Chữ Thập là số một, thứ hai mới là Châu Viên rồi các đảo khác.

Vùng 4 hải quân nhận lệnh đã chuẩn bị bốn tàu thực hiện kế hoạch. Nhưng thời điểm đó tàu hải quân của ta đa số là cũ, máy móc yếu và hư hỏng thường xuyên.

Khi nhận lệnh, Vùng 4 đã đưa tàu vào Ba Son sửa nhưng ra biển lại hỏng mất hai chiếc. Do đó các tàu đi Đá Tây và Tiên Nữ lại đến trước, giữ được đảo mặc dù Tiên Nữ ở xa nhất.

Lúc đó nếu quyết tâm và cảnh giác hơn thì hải quân vẫn có thể đề nghị với Bộ Giao thông vận tải chi viện, huy động một số tàu khác để kịp kế hoạch tác chiến.

Đến sau khi xảy ra cuộc thảm sát tại Gạc Ma tháng 3-1988, chúng tôi tiếp tục đưa tàu ra thì Trung Quốc đã chiếm Chữ Thập, không lấy lại được… Thật quá đau xót!

– Đại tá Phạm Duy Tam (nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân): Có nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhưng cũng có thời điểm chúng ta đã tận dụng được thời cơ.

Tháng 4-1975, tôi chỉ huy tàu 675, một trong những tàu tham gia giải phóng Trường Sa. Các tàu lên được sáu đảo, triển khai ổn định xong, chỉ hơn một ngày sau đã phát hiện nhiều tàu Trung Quốc đi từ phía Hải Nam xuống lởn vởn xung quanh.

Thấy ta đã đóng quân trên đảo, họ rút tàu về. Vài ngày sau, Trung Quốc gửi công điện chúc mừng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giải phóng được Trường Sa.

Thực tế nếu chúng ta không ra kịp thì Trung Quốc đã lên đảo trước và Việt Nam khó có được Trường Sa như bây giờ.

Được vậy là nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá tình hình rất nhạy bén. Ông gửi điện khẩn yêu cầu cử tàu từ Hải Phòng ra giữ Trường Sa khi mà trên đất liền chiến dịch Hồ Chí Minh chưa kết thúc.

Phải giàu mạnh và tự chủ

* Bài học là phải luôn cảnh giác, nhưng cũng có những lúc đã cảnh giác mà vẫn lực bất tòng tâm như việc chậm trễ, không kịp chiếm đóng đá Chữ Thập. Câu chuyện giữ chủ quyền trước âm mưu rình rập còn phụ thuộc nhiều điều kiện?

– Đại tá Phạm Duy Tam: Tôi vẫn nhớ năm 1983 khi chỉ huy một đội tàu đi trinh sát Biển Đông, lúc về ghé ngang qua Chữ Thập, Châu Viên… kiểm tra thì các cột mốc chủ quyền mà Việt Nam đặt trên đó vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng khi đó đất nước quá khó khăn, chúng ta chỉ đúc vài cột mốc nhỏ cắm trên đảo và rải quanh bãi san hô, không có điều kiện sắm tàu, xây dựng đảo vững chắc như bây giờ.

Ngay cả khi biến cố Trường Sa 1988 xảy ra rồi, đưa quân ra các đảo chìm cũng chỉ có nhà cao cẳng chơ vơ. So với thời của chúng tôi, bây giờ chúng ta có điều kiện hơn cả trăm lần.

Nói vậy để thấy phải giàu mạnh mới có tiềm lực để giữ chủ quyền. Từ khi chúng ta có chiến lược biển năm 2004, nhiều thứ đã thay đổi rất tích cực: kinh tế biển phát triển mạnh và hải quân cũng được đầu tư, trang bị để tiến thẳng lên hiện đại.

Tôi có lòng tin tuyệt đối vào tương lai: đất nước chúng ta sẽ giàu, sẽ mạnh, 1 triệu km2 mặt biển sẽ phát huy được tiềm lực, sức mạnh kinh tế; quân đội, hải quân đủ sức bảo vệ bờ biển từ Trà Cổ đến Thổ Chu và chủ quyền trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong Chính phủ chủ động và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh bằng luật pháp quốc tế…

– Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Việc Trung Quốc muốn chiếm trọn Biển Đông đã là quyết tâm của họ từ rất lâu.

Năm 1956, 1974 chiếm Hoàng Sa, năm 1988, 1995 chiếm Trường Sa, 2014 đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và ồ ạt mở rộng đảo, 2016 đưa máy bay ra Chữ Thập… đều nằm trong chiến lược này. Và chắc chắn Trung Quốc không dừng lại.

Chúng ta có vũ khí rất mạnh chính là sự đồng lòng của nhân dân: gắn bó tha thiết với biển đảo, quyết liệt với chủ quyền đất nước, sẵn sàng đóng góp tiềm lực, trí tuệ, xương máu cho cuộc đấu tranh.

Để chống lại những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông chắc chắn sẽ còn lâu dài. Có lúc chúng ta phải mềm dẻo, nhẫn nại nhưng cũng có lúc phải cứng rắn, quyết liệt để giữ độc lập, chủ quyền của Việt Nam, giữ lấy lợi ích chính đáng, cốt lõi của dân tộc.

Người Việt Nam mong muốn hoà bình, ổn định để phát triển nhưng không đồng nghĩa với hoà bình, ổn định bằng mọi giá, kể cả mất chủ quyền. Không thể để Trung Quốc hành động trái ngược với cam kết của họ. Việt Nam phải tự chủ và kiên quyết để tìm đường đi của mình, thời cơ của mình.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân Việt Nam (cầm gậy), trao đổi với các vị khách mời bên tấm bản đồ vùng biển Việt Nam - Ảnh: Tự TrungChuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân Việt Nam (cầm gậy), trao đổi với các vị khách mời bên tấm bản đồ vùng biển Việt Nam – Ảnh: Tự Trung

VIỄN SỰ – PHẠM VŨ thực hiện ([email protected])