26/12/2024

Chuyển dần dịch vụ công cho tư nhân để giảm biên chế

Cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công để tinh giản biên chế là quan điểm được nhiều đại biểu chia sẻ tại Hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

 

Chuyển dần dịch vụ công cho tư nhân để giảm biên chế

 

 

Cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công để tinh giản biên chế là quan điểm được nhiều đại biểu chia sẻ tại Hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ tổ chức hôm qua tại Hà Nội.





Việc tinh giản biên chế còn bất cập - Ảnh: TTXVN

Việc tinh giản biên chế còn bất cập – Ảnh: TTXVN


Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành địa phương đã nêu ra một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện tinh giản biên chế (TGBC) như việc phải đảm bảo tỷ lệ giáo viên, cán bộ y tế ở các địa phương…

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết sau khi xem xét nhận thấy một số đơn vị của ngành y tế, giáo dục phải sáp nhập, sắp xếp lại nhưng khi làm việc với các cơ quan T.Ư thì không được chấp thuận.
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết việc TGBC trong lĩnh vực giáo dục và y tế là rất khó khăn do TP.HCM hiện chịu áp lực quá tải lớn về trường học và bệnh viện. “Riêng năm học 2015 – 2016, TP.HCM phải chuẩn bị trường lớp cho 85.000 học sinh tăng thêm nên việc TGBC rất căng. Hiện tại với tình trạng quá tải về y tế thì cơ sở nào để tinh giản 10% trong đội ngũ viên chức?”, ông Lắm đặt câu hỏi.
Ông cũng cho biết TP.HCM đã chọn hướng xã hội hoá, chuyển sang tự chủ hoàn toàn để giảm 10% đối tượng được ngân sách trả lương.
“Nhiều đơn vị hiểu không đúng bắt buộc giảm máy móc 10% như vậy là không phù hợp. Giảm gián tiếp chứ không thể giảm giáo viên đứng lớp, mà lực lượng này không thể đạt 10%. Khó nhất là việc dự kiến số học sinh tăng lên, ví dụ năm qua tăng 85.000 học sinh thì nhà nước đầu tư bao nhiêu? Tăng đội ngũ viên chức bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu?”, ông Lắm nêu vấn đề.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, một trong những phương thức để thực hiện TGBC là dịch vụ công, xã hội hóa từ hoạt động của nhà nước chuyển dần cho lĩnh vực tư thực hiện. Ông Tụng cho biết ngành tư pháp đã thực hiện theo hướng này như đã chuyển được 30% các phòng công chứng nhà nước sang các phòng công chứng tư, chuyển các trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc các sở tư pháp sang các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Theo kế hoạch giai đoạn 2015 – 2025, ngành cũng sẽ tinh giản 15% nhân lực các trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các sở tư pháp và đến 2025 sẽ tinh giản 50%…
Theo ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế (Bộ Nội vụ), tính đến 31.12.2015 đã có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương (có địa phương thực hiện 2 đợt) thực hiện TGBC năm 2015, 2016 với tổng số đối tượng giải quyết TGBC là 9.129 người. Trong đó khối Đảng, đoàn thể là 303 người; khối hành chính 1.084 người; khối sự nghiệp là 5.695 người; khối cán bộ, công chức cấp xã là 1.868 người; khối doanh nghiệp nhà nước là 39 người.
Trong năm 2015, tỉnh đầu tiên thực hiện TGBC là Nghệ An, tích cực nhất là tỉnh Quảng Ngãi với 505 người được TGBC. Về phía các bộ, ngành, ông Toản cho biết Bộ Công thương đứng đầu danh sách TGBC với 199 người, trong khi con số đó ở Bộ Tài chính năm 2015 là 2 người.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc TGBC không chỉ là việc đưa một số lượng người ra khỏi biên chế mà phải đồng bộ với các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao chất lượng khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công, cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…
Theo đại diện Bộ Nội vụ, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách TGBC và Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 108, một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành trực thuộc T.Ư đã thực hiện chưa đúng với quy định. Cụ thể như việc thực hiện TGBC chưa đúng theo trình tự quy định hoặc việc đề nghị thực hiện TGBC đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản.

Trường Sơn