Những ‘ông thần’ gốc Phi: Tìm đủ cách trụ lại Việt Nam
Phần lớn những người gốc Phi sang VN mở công ty “ma”, mở shop… cho có, nhằm lưu trú tại VN.
Phần lớn những người gốc Phi sang VN mở công ty “ma”, mở shop… cho có, nhằm lưu trú tại VN.
Theo ghi nhận của PV ngày 11.1, nhiều cửa hàng, công ty của người gốc Phi trên địa bàn Q.12, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, TP.HCM đã đóng cửa, một số nơi đã trả mặt bằng chuyển đi đâu không rõ. Theo người dân, điểm chung của những cửa hàng, công ty này là buôn bán “lèo tèo” nhưng luôn có nhiều người châu Phi lui tới hoặc cư ngụ.
|
|
Ngoài khu vực Q.Gò Vấp, Q.12, một số nơi như Q.Tân Phú, Q.Tân Bình cũng có hàng trăm người châu Phi sinh sống, hết sức phức tạp. Tuy nhiên công tác xử lý người nước ngoài cư trú bất hợp pháp gặp nhiều khó khăn. Hiện, với trường hợp trễ hạn thị thực, công an chỉ xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/trường hợp, không đủ sức răn đe. Thêm vào đó, nếu có tạm giữ cũng chỉ tạm giữ 24 giờ vì thành phố chưa có nhà tạm giữ, chủ yếu “câu lưu” nơi người nước ngoài lưu trú. Ở các nước khác, cảnh sát bắt giữ người vi phạm luật cư trú họ có nơi tạm giữ và có luật định điều chỉnh nên người nước ngoài sợ không dám vi phạm. Ngoài ra, đa số người Nigeria cư trú bất hợp pháp đều không có tiền, trong khi đó họ nhập cảnh vào VN không có công ty nào bảo lãnh nên khi trục xuất không có tiền mua vé máy bay. Khi làm việc với cơ quan ngoại giao của họ thì cũng không có chính sách hỗ trợ, nên trong thời gian qua, thành phố bỏ ra hàng chục tỉ đồng để thực hiện việc buộc xuất cảnh đối với người Nigeria lưu trú bất hợp pháp trên địa bàn.
Kiểm tra, xử lý nghiêm
Trao đổi với Thanh Niên chiều 11.1, thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an, cho biết đã nắm thông tin về tình trạng mất an ninh trật tự của một số người nước ngoài gốc Phi mà Thanh Niên phản ánh. “Chúng tôi sẽ đề nghị Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM và các cơ quan chức năng TP.HCM tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú để xử lý nghiêm tình trạng lộn xộn, gây mất an ninh trật tự vi phạm pháp luật”.
Theo thiếu tướng Lê Xuân Viên, trong đợt kiểm tra mới đây tại TP.HCM: “Người nước ngoài gốc Phi khi vào VN chủ yếu lấy vợ người Việt và gửi hộ chiếu cho vợ hoặc bạn bè giữ hộ sau đó họ đều được bảo lãnh. Theo quy định pháp luật, những người lấy vợ VN sẽ được cấp giấy tạm trú”.
Thiếu tướng Lê Xuân Viên cũng khẳng định đối với các trường hợp cư trú bất hợp pháp như cư trú quá hạn, không khai báo tạm trú hoặc cư trú trái mục đích nhập cảnh (khai báo đi du lịch nhưng làm việc tại VN)…, khi phát hiện đều phải áp dụng biện pháp buộc xuất cảnh theo quy định. Kể cả những trường hợp khai báo mất giấy tờ hoặc khai báo loanh quanh về hoàn cảnh để tìm cách ở lại VN.
“Không chỉ người gốc Phi, bất cứ các đối tượng người nước ngoài vi phạm đều phải xử lý nghiêm. Tuỳ theo mức độ, chúng tôi còn áp dụng biện pháp buộc xuất cảnh sớm đối với những trường hợp đang còn visa”, ông Viên khẳng định.
Tuy nhiên theo một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM than phiền: “Chúng ta chưa có hiệp định hỗ trợ tư pháp đối với một số nước châu Phi, điều này làm ảnh hưởng nhất định đến công tác phục vụ điều tra. Nhiều tội phạm bị đề nghị trục xuất nhưng không có giấy tờ tuỳ thân, khi cơ quan chức năng nước ta làm việc với cơ quan ngoại giao của họ thì thường bị từ chối tiếp nhận, hỗ trợ nên không thể làm thủ tục trục xuất được”.
Loại ngay từ đầu
Đạo luật nhập cảnh (Immigration Act) hiện hành của Singapore quy định rõ 16 nhóm đối tượng người nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào nước này. Trong đó, nhóm đầu tiên thuộc diện tương tự những người gốc châu Phi hiện đang gây đau đầu cho chính quyền TP.HCM mà Báo Thanh Niên đề cập. Họ là những người “không thể chứng minh có đủ tiền bạc hay phương tiện để trang trải cho các chi tiêu của chính mình và người phụ thuộc, không có một công việc xác định đang chờ đợi, hoặc nhiều khả năng trở thành kẻ bần hàn, tạo gánh nặng cho công chúng”. Theo đạo luật trên, kiểm soát viên cửa khẩu có quyền từ chối cho các đối tượng nói trên nhập cảnh mà không cần giải thích lý do, đồng thời buộc chủ phương tiện vận tải đã đưa đối tượng đến Singapore chở trả họ về nơi xuất phát.
Cơ quan xuất nhập cảnh Singapore (ICA) có hẳn quy định ràng buộc trách nhiệm của người cho thuê nhà. Quy định có tên gọi “chống dung dưỡng” buộc chủ nhà trọ hay khách sạn kiểm tra kỹ lưỡng hộ chiếu, thị thực, giấy phép làm việc… của người nước ngoài, thậm chí phải liên hệ đối chứng các giấy tờ với ICA hoặc Bộ Nhân lực, trước khi cho họ thuê chỗ ở. Chủ nhà nếu bị phát hiện cho người nước ngoài lưu trú quá hạn, nhập cư bất hợp pháp thuê nhà, hoặc lơ là trong việc kiểm tra giấy tờ của khách sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm và phạt tiền đến 6.000 SGD (gần 100 triệu đồng).
Thục Minh (Văn phòng Singapore)
|
Đàm Huy – Hải Nam – Thái Sơn