Biết túi nilông hại nhưng vẫn xài
Tác hại lâu dài của túi nilông ai cũng biết, nhiều đợt tuyên truyền rầm rộ đã được thực hiện. Thế nhưng trên thực tế, túi nilông vẫn tràn ngập khắp nơi, có thể thấy bất cứ ở đâu…
Biết túi nilông hại nhưng vẫn xài
Tác hại lâu dài của túi nilông ai cũng biết, nhiều đợt tuyên truyền rầm rộ đã được thực hiện. Thế nhưng trên thực tế, túi nilông vẫn tràn ngập khắp nơi, có thể thấy bất cứ ở đâu…
Dù biết nilông gây hại cho môi trường nhưng người dân vẫn có thói quen sử dụng loại túi này – Ảnh: N.Hùng |
Dạo một vòng các chợ, siêu thị… sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người tiêu dùng tay xách nách mang với đủ kiểu túi nilông đựng vật dụng mua sắm. Ở những hàng bán cá trong chợ, cứ mua một con cá sẽ được 1-2 chiếc túi nilông. Mua vài cọng hành ngò cũng một túi nilông, mua vài quả ớt lại thêm một túi nilông be bé nữa…
Trung bình cứ mỗi buổi chợ, người mua sẽ được người bán cho 5-7 túi nilông, thậm chí cả chục túi với đủ kích cỡ.
Sử dụng hàng chục tấn túi nilông mỗi ngày
Trò chuyện với anh Lý, một người thu gom rác nhiều năm ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), anh cho biết cứ một xe ba gác chứa đầy 800kg rác có thể nhặt được khoảng 50kg rác nilông. Với tỉ lệ này đã đủ để có thể ước đoán được lượng rác thải nilông mỗi ngày sẽ là một con số khổng lồ, trong tổng lượng rác sinh hoạt ở TP.HCM (vào khoảng 6.000 – 7.000 tấn/ngày).
PGS.TS Lê Văn Khoa – khoa môi trường và tài nguyên (Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) – cho biết cách đây tám năm, khi đó ông chủ trì một nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi nilông, đã đưa ra một tính toán: với khoảng 1,3 triệu hộ gia đình lúc bấy giờ, mỗi hộ sử dụng 4-7 túi nilông/ngày, thì người dân TP.HCM tiêu thụ khoảng 5 – 9 triệu túi nilông/ngày, tương đương 34 – 60 tấn túi nilông/ngày.
Trong khi đó, báo cáo chuyên đề của một nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) về thực trạng sử dụng bao bì hiện nay ở TP.HCM, cũng đưa ra mức sử dụng bao bì nhựa khoảng 30 tấn/ngày.
Tác hại kinh hoàng
Trên thị trường có những loại túi nilông như: túi sản xuất từ hạt nhựa HDPE (gọi là túi xốp, thường dùng trong siêu thị, chợ, trung tâm thương mại…), túi sản xuất từ hạt nhựa LDPE (thường gọi là túi nilông trong, dùng đựng đường, muối…), túi sản xuất từ hạt PP (thường dùng để phân liều thuốc trong các nhà thuốc). Trong số này, theo các nhà chuyên môn, loại túi xốp (tức sản xuất từ hạt nhựa HDPE) là loại cần quan tâm để giảm thiểu sử dụng.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã nhấn mạnh tác hại kinh hoàng của việc sử dụng bao bì nhựa. Theo đó, sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước.
Khi túi nilông lẫn vào đất sẽ ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm đất bạc màu, không tơi xốp, kém dinh dưỡng… và tất cả tác hại lâu dài đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.
Đáng ngại hơn, nhiều loại túi nilông được làm từ dầu mỏ nguyên chất, khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất và nước; còn khi đốt chúng sẽ tạo ra nhiều chất độc hại, có thể gây hại cho tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
Có ý thức nhưng chưa bỏ thói quen
Có thể thống kê được hàng loạt biện pháp giảm thiểu túi nilông cùng với nhiều quy định, chính sách đi kèm.
Trong đó đối với TP.HCM, riêng yêu cầu phổ biến thông tin nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilông… đã thông tin trực tiếp đến hàng chục nghìn hộ dân, hàng chục nghìn cuốn cẩm nang được phát đến tận cơ sở…
PGS.TS Lê Văn Khoa cho rằng ý thức của cộng đồng đã được nâng lên (cả về tác hại của túi nilông lẫn việc cần thiết phải giảm thiểu sử dụng chúng), tuy nhiên việc sử dụng túi nilông vẫn không giảm. Kết quả phân tích thành phần rác cho thấy: rác thải nhựa vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, các siêu thị hay trung tâm thương mại là những nơi có điều kiện giảm thiểu sử dụng túi nilông, bởi những nơi này đã có hệ thống quản lý khá bài bản. Còn đối với các chợ truyền thống, những nơi buôn bán nhỏ lẻ…, bất chấp các biện pháp giảm thiểu, túi nilông vẫn được sử dụng một cách tràn lan.
Trong khi đó, trên thực tế Luật thuế bảo vệ môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này dẫn đến tình trạng túi nilông thân thiện với môi trường (diện miễn thuế), thường được gọi là túi tự huỷ, túi phân huỷ sinh học – được xem là một trong những biện pháp thay thế túi nilông khó phân huỷ – không thể cạnh tranh về giá với túi nilông thông thường.
Mặt khác, nhu cầu mua hàng nhỏ, lẻ và đa dạng của tiểu thương đối với những loại túi nilông thân thiện môi trường đã không được một số cơ sở sản xuất loại sản phẩm này đáp ứng, trong khi giá của túi nilông được chứng nhận thân thiện môi trường lại cao hơn túi nilông thông thường.
* TS Đào Quốc Tùy (trưởng phòng thí nghiệm hoá dầu – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): Cần thu thuế người sử dụng Hiện nay Nhà nước đánh thuế cao với túi nilông, nhưng người dân vẫn đang được dùng miễn phí. Chúng ta phải thực hiện song song hai giải pháp: vừa giảm việc sử dụng túi nilông, đồng thời đẩy mạnh sản xuất và sử dụng túi nilông thân thiện với môi trường. Tôi cho rằng Nhà nước nên khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng không cấp miễn phí, mà phải thu tiền đối với túi nilông khách hàng sử dụng. Chính sách thu tiền trực tiếp trên túi nilông của người sử dụng đã được nhiều nước áp dụng. Một mặt, nó tác động trực tiếp đến thói quen sử dụng của người dân, họ sẽ tích cực sử dụng túi dùng nhiều lần hơn; mặt khác, đó cũng chính là nguồn thu để xử lý túi nilông, bảo vệ môi trường. Một số giải pháp để giảm thiểu sử dụng túi nilông được đồng tình như: cần quy định rõ nhãn của túi nilông thân thiện môi trường, giúp người dân, những người bán lẻ dễ nhận biết; nghiên cứu quy định cấm phát miễn phí túi nilông tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… |
Các nước hạn chế túi nilông như thế nào?
Sydney Morning Herald cho biết túi nilông được sử dụng trên khắp nước Úc, và các cửa hàng bán lẻ trên khắp đất nước này vẫn dùng loại túi này. Chính quyền đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilông tại Canberra, Nam Úc, Tasmania và vùng lãnh thổ phía bắc và khuyến khích người dân sử dụng túi mua sắm thân thiện môi trường có thể tái sử dụng. Trong khi đó, theo Guardian, hồi tháng 10-2015 tại Anh đã quy định bắt buộc những người đi mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, cửa hàng thời trang… ở nước này phải trả 5 xu cho một túi nilông mỏng hơn 0,07 mm, hoặc phải mang theo túi có thể tái sử dụng từ nhà. Trong khi đó, theo Bloombergview, việc cấm sử dụng túi nilông là một trong những biện pháp bảo vệ môi trường phổ biến nhất của Mỹ trong những năm gần đây, tuy nhiên rất khó để có thể đạt được kết quả triệt để cho vấn đề này. San Francisco là thành phố đầu tiên của Mỹ thực thi một lệnh cấm sử dụng túi nilông từ năm 2007. Kể từ đó đến nay có hơn 100 thành phố khác ở Mỹ cũng ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilông để bảo vệ môi trường. Tại Mỹ, việc sử dụng túi nilông được thu phí trực tiếp đối với người sử dụng. Ở nhiều tiểu bang, khi sử dụng mỗi chiếc túi nilông, người dùng sẽ phải trả 5 cent. Tiền túi được tính trực tiếp vào hóa đơn bán hàng tại tất cả siêu thị, cửa hàng. Còn tại các cửa hàng bán đồ ăn sẵn, đồ ăn chín luôn sử dụng túi giấy, trên có ghi rõ dòng chữ “Được tái chế”. |