Thức ăn đường phố: đa phần chủ tiệm “mua đại” thực phẩm
Từ giữa tháng 11-2015, tại TP.HCM đã thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quận huyện và phường xã, trong đó chủ yếu tập trung vào hoạt động thanh tra các quán ăn đường phố.
Thức ăn đường phố: đa phần chủ tiệm “mua đại” thực phẩm
Từ giữa tháng 11-2015, tại TP.HCM đã thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quận huyện và phường xã, trong đó chủ yếu tập trung vào hoạt động thanh tra các quán ăn đường phố.
Nhiều người mua và ăn canh bún trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM chiều 9-1 – Ảnh: Quang Định |
Các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được thành lập theo quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại TP.HCM và Hà Nội.
ình trạng thực phẩm kém chất lượng ở các quán ăn đường phố ngày càng nhiều, trong khi việc xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít, quản lý không xuể, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở. Kiểm tra và quản lý ra sao để thức ăn đường phố sạch sẽ, hấp dẫn?
Từ nét văn hóa ẩm thực đẹp
Vào buổi tối những ngày cuối tuần, chị Nguyễn Hạ Vy, nhân viên một công ty kinh doanh ở Q.1 (TP.HCM), thường cùng gia đình dạo qua một vài quán vỉa hè nổi tiếng ở Sài Gòn để thưởng thức những món ăn tại đây.
Với gia đình chị, đó là một cách xả stress sau một tuần căng thẳng làm việc, cũng là dịp cho cả nhà chị khám phá Sài Gòn.
Chị Vy khoe chị có thói quen tìm kiếm những quán ăn đường phố trên Facebook cá nhân, các trang du lịch, ẩm thực… rồi tìm đến ăn, nhờ vậy mà chị được thưởng thức nhiều món ngon vỉa hè “mê tít mắt” như xúp cua nhà thờ Đức Bà, chè vỉa hè Võ Văn Tần, gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám, cơm tấm Nguyễn Tri Phương…
Ăn xong chị còn quảng bá lên Facebook cá nhân cho bạn bè tìm đến.
Không chỉ chị Vy, rất đông người Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ, xem quán ăn vỉa hè như không gian gặp mặt, điểm hẹn vui chơi. Anh Trương Tuấn Phong, một “tín đồ” quán ngon vỉa hè, chia sẻ có dịp rảnh anh thường tìm một quán vỉa hè thoáng mát, thoải mái ăn uống, tán gẫu cùng nhóm bạn thân.
“Nói thật mấy quán vỉa hè mà làm cho sạch sẽ, đàng hoàng thì đến Sài Gòn mà không muốn trải nghiệm, thử “món” này là chưa hiểu Sài Gòn” – anh Phong quả quyết.
Chị Lê Hồng Ngọc (Q.3) cho biết có nhiều quán dọc vỉa hè bán những món ăn bình dân như canh bún, bún riêu, hủ tiếu ngon hơn nhiều nhà hàng, mà giá lại rẻ nên chị rất thích ăn. Thực tế nhiều quán rất đông khách, ở cơ quan chị Ngọc mọi người còn rỉ tai nhau những đường có quán ăn vỉa hè ngon để tìm đến ăn. Ăn lâu rồi thành thói quen.
“Nhìn thấy sạch sẽ, chưa biết việc chế biến sạch như thế nào chứ nhiều khi thấy ăn ngoài vỉa hè ngon miệng hơn nên thích ngồi” – chị Ngọc chia sẻ.
Đến “mua đại” thực phẩm
Khảo sát nhanh một số người bán quán “di động”, PV Tuổi Trẻ ghi nhận cho thấy họ đều cho biết không để ý đến chuyện ghi lại số lượng cũng như cửa hàng đã mua thực phẩm.
Anh T., một người bán hủ tiếu, cho biết thường một ngày anh bán khoảng 60-70 tô, đông khách thì gần 100 tô. Mỗi ngày anh mua 2-3kg thịt, 6kg hủ tiếu về bán. Khi mua anh tìm thịt tươi, rau xanh nhưng không để ý đến nguồn gốc, chất lượng.
“Bán hai năm nay chẳng thấy khách phàn nàn gì nên cứ vậy bán. Sáng ra chợ thấy thịt ở quán nào tươi thì mua đại chứ ai quan tâm đến nguồn gốc làm gì” – anh T. nói.
Tại các đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe xung quanh chợ Kim Biên (Q.5) có nhiều quán hàng rong bánh mì, hủ tiếu, bún… Những quán này tận dụng một góc trống ở phía trước nhà hoặc vỉa hè kê bàn để bán.
Hầu hết các quán đều rửa chén bát bằng nguồn nước ít ỏi chuẩn bị sẵn, lau bằng khăn qua loa để bán cho khách tới sau. Người bán ít khi đeo găng tay, có nhiều chỗ còn xả rác nhếch nhác ngay cạnh quán.
Nếu như ban ngày các quán ăn hoạt động mạnh thì về đêm là khoảng thời gian của các quán nướng, quán nhậu vỉa hè. Nhiều nhất là tại các khu công nghiệp, những khu vực tập trung công nhân, người lao động nghèo.
Anh Hoàng Lâm, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân), cho biết anh thường rủ bạn bè ra mấy quán nhậu vỉa hè ngồi vì đồ ăn ở đây phục vụ bình dân, giá rẻ, dù đôi khi cũng ái ngại chuyện chất lượng thực phẩm.
Nhiều người ngồi ăn phá lấu trên vỉa hè đường Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM chiều 9-1. Thức ăn đường phố ở Việt Nam tuy ngon nhưng đáng lo về mặt vệ sinh, nên đã có đợt kiểm tra thí điểm ở TP.HCM và Hà Nội để hướng tới ẩm thực vỉa hè vừa ngon vừa sạch – Ảnh: Quang Định |
Vi phạm nhiều lần mới xử phạt
Tại TP.HCM, từ tháng 11-2015 đến nay đã có 10 đoàn thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại quận huyện và phường xã được thí điểm thành lập. Một số đoàn đã bắt đầu triển khai kiểm tra các quán ăn đường phố trên địa bàn.
Tuy nhiên, với thực trạng “nở rộ” quán ăn, nhà hàng như hiện nay rất khó để các đoàn kiểm tra, thanh tra tổng thể.
Bà Trần Thị Thu Vân, phó chủ tịch UBND P.6 (Q.3), cho biết hiện đoàn thanh tra của P.6 thành lập chỉ có 7 người, trong khi trên địa bàn phường có tới 125 quán, nhà hàng buôn bán cố định và hơn 100 quán “di động” rải rác trên 22 tuyến đường.
Theo kế hoạch, một tuần đoàn đi thanh tra 1 lần, mỗi lần 3 cơ sở. Tính xoay vòng một năm, đoàn chỉ thanh tra mỗi quán cố định được một lần. Riêng các quán, hàng “di động” dường như bỏ ngỏ, không quản lý xuể.
Cũng theo bà Vân, trước đây P.6 đi kiểm tra, đa số các quán đều vi phạm các lỗi không ghi rõ nguồn gốc thực phẩm, không đeo các vật dụng hay không khám sức khoẻ khi nấu ăn. Khi test nhanh chén đũa, muỗng, đồ dùng nấu nướng ở đa số các quán đều không đạt vệ sinh.
“Nhiều quán mới nhắc nhở hôm trước hôm sau tái phạm, buộc phường phải xử phạt” – bà Vân cho hay.
Ông Trần Hùng, trưởng Phòng y tế Q.Bình Tân, cho biết hai phường của Q.Bình Tân được chọn thí điểm thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm là nơi tập trung lượng quán xá, nhà hàng và dân cư tập trung đông đúc nhất của quận là An Lạc A và Bình Trị Đông B.
Theo ông Hùng, hiện nay các quán ăn đường phố đa số hoạt động tự phát, nhỏ lẻ. Nhiều quán phục vụ về đêm rất khó kiểm tra, quản lý. Với những quán mà chây ì, vi phạm nhiều lần mới tiến hành xử phạt. Làm dần dần để thay đổi ý thức buôn bán không đảm bảo vệ sinh như hiện nay.
Tổ chức theo hướng sạch sẽ, văn minh Theo ông Nguyễn Thanh Phong – cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tổng số có khoảng 270 cán bộ xã phường ở Hà Nội và TP.HCM được tập huấn nghiệp vụ thanh tra an toàn thực phẩm trong đợt vừa qua. “Điều chúng tôi kỳ vọng không phải là thanh tra giỏi phạt, mà kỳ vọng họ chấn chỉnh được tình hình thức ăn đường phố và các nguy cơ lò mổ bẩn, rau thiếu an toàn ngay tại xã phường, rồi tham mưu cho UBND xã phường tổ chức thức ăn đường phố theo hướng sạch sẽ, văn minh và vẫn mang nét văn hoá VN, như Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc đã làm. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào lực lượng này, nhưng bản thân họ phải nỗ lực. Thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng đều rất hi vọng” – ông Phong cho biết. |
* PGS.TS Nguyễn Minh Hoà: Quản lý tốt để ẩm thực đường phố phát triển an toàn Theo tôi, việc thanh tra, kiểm tra thực phẩm đường phố nên làm thường xuyên để tạo thành thói quen, nếp nghĩ, nếp làm của những người buôn bán đường phố chứ không chỉ làm một đợt, qua rồi thôi. Kiểm tra, đưa vào quản lý là an toàn hóa thực phẩm đường phố, biến nó thành thói quen có lợi cho người tiêu dùng, là điểm đặc biệt thu hút du khách chứ không phải vừa ăn vừa lo, là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay. Việc quản lý này theo tôi là cần thiết để biến văn hóa ẩm thực đường phố thành văn hóa an toàn, thu hút khách du lịch, Nhà nước quản lý được, thu thuế được, thậm chí có thể phát triển thành chuỗi công nghệ thức ăn đường phố. Ở Thái Lan, Singapore… có những bộ tiêu chuẩn cho những người bán thức ăn đường phố và có hiệp hội những người bán hàng đường phố. Người bán thức ăn đường phố phải qua một lớp học về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi chế biến thức ăn hoặc phục vụ khách ăn thì phải có găng tay, đội nón chụp đầu, thậm chí mặc áo ra sao cũng được quy định chặt chẽ. Ba, bốn người bán hàng có chung một tủ đông lạnh để bảo quản thực phẩm, những thực phẩm thừa cuối ngày thì được xử lý ra sao… Thực phẩm nguyên liệu phải có nguồn gốc, xuất xứ. Hiệp hội những người bán hàng đường phố tự quản, tự cam kết, giám sát nhau và có trách nhiệm đối với nhà nước, với du khách. Khách ăn thức ăn đường phố được bảo hiểm, bị ngộ độc thực phẩm có quyền khởi kiện và được bồi thường. Người nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh sau 1 lần vi phạm (như ở Nhật) hoặc sau 3 lần vi phạm (Thái Lan). Thái Lan: dán biểu trưng “Đồ ăn sạch, hương vị ngon” Khách du lịch đến Thái Lan, nhất là Bangkok, không thể bỏ qua các hàng quán vỉa hè tại nước này. Không chỉ du khách, người dân bản địa cũng xem hàng quán vỉa hè như một phần cuộc sống của họ. Hàng quán vỉa hè ở Bangkok bán đủ thứ trên đời, giá cả rất rẻ, đồ ăn lại ngon nên du khách mọi nơi luôn coi đây là một điều thú vị phải trải nghiệm khi đến Thái Lan. Hàng quán đường phố cũng từng xuất hiện trong các đoạn phim quảng cáo du lịch của nước này. Mặc dù đôi lần cơ quan an toàn thực phẩm Bangkok có lên tiếng về mức độ vệ sinh của hàng quán đường phố thì hình thức buôn bán này vẫn không vì thế mà bị ảnh hưởng. Du khách quốc tế và người bản địa cứ nườm nượp tập trung tại những hàng quán như thế. Từ năm 1989, Bộ Y tế Thái Lan cùng Tổng cục Du lịch Thái Lan và Bộ Nội vụ đã phối hợp thực hiện một dự án nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tất cả các quán ăn và hàng quán vỉa hè. Dự án “Clean food good taste” (đồ ăn sạch, hương vị ngon) được nói là đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân Thái Lan cũng như đảm bảo với du khách rằng đồ ăn ở Thái Lan là an toàn cũng như có hương vị tuyệt vời. Cho đến nay, rất nhiều quán ăn, kể cả hàng quán vỉa hè đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ được dán biểu trưng của dự án như một sự chứng minh về chất lượng. Mỗi năm, chất lượng của những hàng quán này sẽ được đánh giá lại. Hàng quán nào không đạt thì sẽ bị gỡ biểu trưng ra. |