23/12/2024

Trường ĐH tìm cách giữ quy mô đào tạo

Trước quy định giảm quy mô đào tạo, các trường ĐH một mặt vẫn loay hoay đưa ra lộ trình giảm theo quy định, mặt khác vẫn xin phép Bộ GD-ĐT xem xét đồng thời tìm cách lách để có cơ chế riêng cho giai đoạn sau.

 

Trường ĐH tìm cách giữ quy mô đào tạo

 

 

Trước quy định giảm quy mô đào tạo, các trường ĐH một mặt vẫn loay hoay đưa ra lộ trình giảm theo quy định, mặt khác vẫn xin phép Bộ GD-ĐT xem xét đồng thời tìm cách lách để có cơ chế riêng cho giai đoạn sau.



 


Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2015. Đây là một trong các trường phải giảm quy mô đào tạo theo quy định - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2015. Đây là một trong các trường phải giảm quy mô đào tạo theo quy định – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có văn bản gửi các trường ĐH có quy mô sinh viên (SV) ĐH chính quy vượt quyđịnh theo Thông tư 32. Theo đó, trong năm 2016, Bộ cho phép các trường ĐH này được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo tiêu chí 1 và 2 (trong số 3 tiêu chí) của thông tư này, với điều kiện không vượt quá chỉ tiêu đã xác định trong năm 2015. Đồng thời, Bộ đề nghị các trường này xây dựng lộ trình giảm dần quy mô SV ĐH chính quy và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 31.3 để xem xét quyết định.

Báo cáo bộ… xem xét


 

18 trường vượt quy mô

 

Bộ GD-ĐT công bố danh sách các trường ĐH có quy mô SV ĐH chính quy cao hơn quy định. Trong số 219 trường ĐH trên cả nước, có 18 trường vượt quy mô SV chính quy tối đa. Cụ thể, Trường ĐH Cần Thơ hiện đào tạo tới 32.405 SV, Học viện Nông nghiệp VN 30.360, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội 30.487. Nhiều trường ĐH có quy mô vượt 20.000 SV như: Bách khoa Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội, Giao thông vận tải, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Vinh. Các trường có quy mô dưới 20.000 SV nhưng vượt quy mô cho phép (15.000 SV) gồm: Thương mại, Xây dựng, Bách khoa TP.HCM, Nông Lâm TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Thủy lợi, Mỏ – Địa chất. Riêng Y Dược TP.HCM đào tạo 11.445 SV, vượt quy mô cho phép đối với nhóm ngành sức khoẻ (8.000 SV).  
Mỹ Quyên



Nói về lộ trình giảm dần quy mô SV chính quy, nhiều trường cho biết gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang bối rối vì chưa biết bằng cách nào để giảm quy mô đào tạo xuống mức 15.000. Với quy định xác định chỉ tiêu trước nay, quy mô đào tạo hiện tại của trường lên tới 32.000 SV.

Theo danh sách các trường ĐH có quy mô SV ĐH chính quy vượt quy định, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện có 19.258 SV. PGS-TS Huỳnh Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng, cho biết trường sẽ báo cáo Bộ xem xét giữ quy mô ở mức trên 15.000 SV.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lộ trình trước mắt trong năm 2016 là cân đối chỉ tiêu ở mức 5.300 như 3 – 4 năm nay đúng như hướng dẫn của Bộ nhằm tránh xáo trộn. Tuy nhiên, trường sẽ làm báo cáo gửi Bộ xem xét để giữ quy mô đào tạo trên mức 15.000 SV do đặc thù đào tạo đa ngành và ổn định nhiều năm. Đặc biệt, tiến sĩ Lý nhấn mạnh, trường được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây nguyên với 2 phân hiệu tại Ninh Thuận và Gia Lai. Bản thân UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có công văn đề nghị Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM duy trì đào tạo 7 ngành bậc ĐH và các ngành sau ĐH tại cơ sở này.
Lên kế hoạch giảm theo lộ trình
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết lộ trình tiếp theo từ năm 2017, trường sẽ giảm quy mô đào tạo ĐH và tăng quy mô sau ĐH, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trong đó, chỉ tiêu các ngành đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm xuống dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường lao động và tỷ lệ SV có việc làm đúng ngành nghề.
Một đại diện Học viện Nông nghiệp VN cho rằng hiện nay quy mô của học viện là hơn 30.000 SV chính quy, nếu theo yêu cầu của Bộ thì sẽ phải giảm còn một nửa, tất nhiên lượng cán bộ giảng viên sẽ dôi dư rất lớn và giải quyết như thế nào là một bài toán khó. Học viện chưa bàn phương án giải quyết, vì còn chờ đề án tuyển sinh. “Hiện học viện có 2 khối đào tạo kinh tế nông nghiệp và kỹ sư nông nghiệp, thú y. Nhưng cũng không thể đưa ra chủ trương giảm khối ngành nào theo ý muốn chủ quan mà còn phải phụ thuộc vào nhu cầu của người học”, vị đại diện này nói.
Còn PGS-TS Lê Hải An, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ – Địa chất, thông tin chưa có phương án tuyển sinh cho năm tới nhưng theo hoạch định chiến lược phát triển thì sẽ phải giảm quy mô, nhưng không thể giảm ngay xuống dưới 15.000 SV được. Đồng quan điểm, GS-TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, nhận định: “Bộ yêu cầu thế nào thì trường sẽ thực hiện nhưng cũng phải có lộ trình. Bộ cũng chỉ hướng dẫn là điều chỉnh chỉ tiêu thôi chứ không văn bản nào của Bộ cho thấy là những trường vượt quá quy mô 15.000 SV sẽ không được tuyển sinh năm tới. Vì thế, Trường ĐH Vinh sẽ xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí mới, đồng thời điều chỉnh theo quy định của nhà nước”.
Trong khi đó, tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết ngay từ khi có Thông tư 57 (ban hành tháng 12.2012) về quy định đào tạo theo hệ thống tín chỉ, trường đã có kế hoạch giảm dần quy mô. Theo ông Thực, với quy mô hiện tại, trường chưa gặp vấn đề gì về đội ngũ cán bộ, giảng viên. “Ví dụ nếu số SV giảm mà được phép tăng học phí, theo đó tổng thu vẫn đảm bảo chi trả cho các thầy cô thì không cần phải giảm số giảng viên. Tuy nhiên, hiện trường vẫn thu học phí theo quy định của nhà nước. Nếu muốn thu học phí cao hơn quy định này thì phải được phép tự chủ. Trường đang xây dựng đề án tự chủ”, ông Thực cho biết.

Nhiều cách để “lách”

Thực tế, nhiều trường ĐH đang tìm cách để giữ vững chỉ tiêu. Một trường ĐH tự chủ tài chính cho biết sẽ làm văn bản kiến nghị lên Chính phủ để được tự chủ xác định chỉ tiêu, duy trì quy mô đào tạo theo năng lực hiện tại.
Trong khi đó, đại diện một trường ĐH khác thì cho biết vẫn có thể “lách” để không giảm nhiều chỉ tiêu theo Thông tư 32. Theo trường này, nếu tính đúng đủ như công thức xác định chỉ tiêu, năm nay trường sẽ giảm tới 35%. Lý do là chỉ tiêu các ngành kinh tế sẽ tụt giảm mạnh so với năm trước do hạn chế số lượng giảng viên đúng khối ngành. Trong khi đó, có những ngành khối kỹ thuật công nghệ có năng lực tuyển từ 300 – 400 SV nhưng các năm chỉ tuyển được tối đa 100. Tuy nhiên, tính theo cách khác được vận dụng trong thông tư này thì chỉ tiêu tổng chỉ giảm khoảng 20% so với năm 2015. Thậm chí, có những trường hiện đang tìm cách mở rộng cơ sở đào tạo bằng cách thuê mướn địa điểm với mục đích không giảm chỉ tiêu đào tạo.  
 Hà Ánh


Quý Hiên – Hà Ánh