23/12/2024

Ám ảnh quốc gia “siêu già”

Chuyện phụng dưỡng cha mẹ tuổi già là đạo hiếu của người Việt Nam, tuy nhiên tại những cuộc hội thảo gần đây cho thấy một thực trạng: chuyện chăm sóc cha mẹ không chỉ thuộc về con cái.

  NGƯỜI VIỆT VÀ NỖI LO CHO CHA MẸ

Ám ảnh quốc gia “siêu già”

Chuyện phụng dưỡng cha mẹ tuổi già là đạo hiếu của người Việt Nam, tuy nhiên tại những cuộc hội thảo gần đây cho thấy một thực trạng: chuyện chăm sóc cha mẹ không chỉ thuộc về con cái.


 

Bà Nguyễn Thị Thể, hơn 70 tuổi, bị ung thư tuyến giáp, lặn lội từ Bình Dương xuống Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chữa bệnh, do con cái bận đi làm nên không thể đưa bà đi trị bệnh - Ảnh: Tự Trung
Bà Nguyễn Thị Thể, hơn 70 tuổi, bị ung thư tuyến giáp, lặn lội từ Bình Dương xuống Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chữa bệnh, do con cái bận đi làm nên không thể đưa bà đi trị bệnh – Ảnh: Tự Trung

Để giải quyết những vấn đề của già hoá dân số hiện nay, ngành y tế cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc, xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng. Xã hội cần khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, giúp người già khó khăn tiếp cận vay vốn. Bản thân người cao tuổi cần chú ý giữ gìn và bồi dưỡng tâm lý tích cực, duy trì sự lành mạnh về tâm lý để tránh rơi vào trầm cảm, bực dọc

Ông MAI XUÂN PHƯƠNG (phó vụ trưởng Vụ Truyền thông – giáo dục)

Người già trên 65 tuổi ở Việt Nam có khoảng 5,6 triệu người. Tỉ trọng người cao tuổi tăng rất nhanh do tuổi thọ người Việt Nam ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số siêu già. Nhưng cả nước chỉ mới có hai trung tâm lão khoa lớn.

Người cao tuổi không chỉ mang nhiều bệnh tật mà còn có nhiều thay đổi về tâm lý. Người già có đủ nỗi sợ: sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi… Sự gần gũi, quan tâm của con cháu phần nào làm vơi đi quạnh hiu cho tuổi xế chiều.

Cha mẹ: sống với bệnh và gánh nặng áo cơm

Sáng 25-12-2015, bà N.T.C. – 85 tuổi, ở Cần Đước, Long An – được chăm sóc tại khoa lão khoa Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM. Trò chuyện với bà thật khó, người nói chuyện phải nói thật chậm, giọng nói phải to bà mới có thể nghe được.

Bà C. kể bà mắc nhiều bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp. Nhà bà ở Long An nhưng cứ 2-3 tháng, mỗi khi thấy người mệt hoặc có triệu chứng gì, bà lại bảo con cháu đưa đến Bệnh viện Nguyễn Trãi điều trị. Bà thích vào khoa lão khoa điều trị vì trong khoa bác sĩ và nhân viên y tế hiểu người già hơn.

Không phải người nào về già cũng may mắn có con cháu chăm sóc sớm chiều như bà N.T.C.. Trên đường phố Sài Gòn vẫn còn nhiều người già mưu sinh nơi lề đường, hè phố để kiếm sống. Trời về đêm cuối năm lạnh, ông T.V.K. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn lụi cụi đạp xe đi khắp các ngõ hẻm lượm rác. Ông nhặt nhạnh từng mớ ve chai để bán, kiếm sống qua ngày.

Ông kể: nhà có ba người con nhưng cuộc sống khó khăn, không phụ giúp gì cho ông bà. Hai thân già gần 80 tuổi phải tự làm lụng kiếm ăn.

Ở chợ Kiến Thiết, Q.Phú Nhuận có một cụ già sáng nào cũng lui cui trải miếng bạt xuống hiên nhà một hộ dân ở chợ rồi dọn hàng bán quần áo và kẹp tóc giả. Bà cụ là Trần Thị Bình, 84 tuổi, ở P.5, Q.Tân Bình.

Bà Bình kể bà có tám người con nhưng hai người đã mất. Sáu người con còn lại có gia đình riêng và cuộc sống đều khó khăn. Chồng bà năm nay 86 tuổi ở với một người con gái và ông có lương hưu. Tuy sống chung nhà nhưng bà tự mưu sinh và ăn riêng.

Con: chăm sóc, chiều ý cha mẹ như trẻ nhỏ

11g trưa, bà Nguyễn Kim Ảnh, 72 tuổi, P.Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú) vui vẻ đút cơm cho hai cháu ngoại. Vừa đút cơm, bà vừa tươi cười chơi đùa với cháu. Khi cháu ăn no, ngon giấc, bà lại quét dọn nhà cửa, rồi quay ra phụ giúp con bán hàng. Dáng người lom khom, đi đứng chậm chạp nhưng bà Ảnh làm luôn tay luôn chân.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa, con gái bà Ảnh, chia sẻ: “Nhìn bà vậy chứ con cháu không cho làm là giận dỗi ngồi khóc. Mấy lần thấy “dỗ dành” khó khăn lại phải làm thinh cho bà làm”.

Chị Hoa tâm sự: hằng ngày mẹ chị thường phụ con cháu làm đủ việc lặt vặt trong nhà. Sợ cô đơn, thời gian rỗi bà lại đi chùa, hiếm khi thấy bà ngồi một chỗ. Con cháu hiểu nên thường góp ít tiền để bà đi chơi thảnh thơi. Hiểu được tính bà, lâu lâu có dịp mấy anh chị em trong nhà đưa bà đi chơi xa. Mỗi lần vậy con cháu đều để cho bà tự tay chuẩn bị nhiều việc. Thấy được quan tâm, tôn trọng bà vui tươi hẳn lên.

Có người về già lại không muốn “chôn chân” trong bốn góc tường mà vẫn thích làm việc. Mục đích làm việc của họ không còn phải vì tiền.

Năm nay 67 tuổi nhưng ông T.V.T. (Q.Bình Thạnh) vẫn chạy xe ôm. Đều đặn hằng đêm ông chở khách tới 10g đêm mới về tới nhà.

Anh Hải, con ông T., chia sẻ xưa nay cha anh làm nghề chạy xe ôm nuôi ba anh em anh ăn học. Giờ con ổn định, có công ăn việc làm đàng hoàng, chu cấp đầy đủ nhưng ông vẫn muốn đi làm cho khuây khỏa. Muốn cha được nghỉ ngơi, nhiều lần anh Hải khuyên ông nghỉ. Nhưng ngày nào nghỉ ông cứ đi ra đi vào. Con cháu đành phải để ông đi làm.

Người già đôi khi chỉ muốn có tiếng nói trong gia đình, đỡ bị trở thành “người thừa”.

Anh Nguyễn Văn Khanh (Q.Thủ Đức) chia sẻ ba mẹ anh năm nay đều gần 80 tuổi nhưng còn minh mẫn. Hằng ngày ông bà muốn trò chuyện với con cháu nhưng do ở nhà lâu ngày, “quỹ” câu chuyện vơi dần. Cả ngày cứ quanh quẩn hỏi đi hỏi lại một chuyện. Thậm chí ông bà còn tìm cách nói ngược đi, tranh luận để có chuyện nói với con cái.

“Có hôm ngồi vào bàn ăn ông biết rõ món đó nhưng vẫn vặn hỏi món gì, làm thế nào, ăn ra sao. Con giả vờ trả lời sai thì ông bà chỉnh ngay. Ai thiếu kiên nhẫn nhiều lúc phải phát bực”, anh Khanh kể.

Cô đơn tuổi già

Không chỉ khó khăn về kinh tế, suy sụp về sức khoẻ, người cao tuổi còn gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý. Theo thống kê của Tổng cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế), khoảng 35% người cao tuổi cảm thấy buồn chán, thất vọng, 22% cảm thấy cô đơn và 33% không chia sẻ cùng ai niềm vui, nỗi buồn của họ. Đây là điều khiến cuộc sống của người cao tuổi đi vào bế tắc.

Phân tích những thay đổi tâm lý của người cao tuổi, bác sĩ Mai Xuân Phương, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông – giáo dục, Tổng cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình, cho biết người cao tuổi rất sợ cô đơn, rất dễ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng vì sự cách biệt giữa các sinh hoạt thời còn trẻ và tuổi già. Người già rất dễ bị thất vọng, thích lệ thuộc con cái. Nếu không được con cháu cư xử tế nhị các cụ sẽ có cảm giác bị hắt hủi, ngược đãi.

Người già còn hay lo xa, dễ mủi lòng, tủi thân, mặc cảm, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi, dễ mắc bệnh trầm cảm… Các cụ còn thường lặp đi lặp lại những yêu cầu, những đòi hỏi hay những câu hỏi và từ đó có thể làm con cháu hay người xung quanh bực dọc, cau có với các cụ nếu không hiểu được tâm lý người cao tuổi.

Những tâm lý này xuất phát từ đặc tính về tâm lý của người cao tuổi, do sự chậm chạp về tư duy và cảm giác bị lệ thuộc. Vì các cụ từng dành phần lớn thì giờ của đời mình trong việc chăm sóc, lo lắng cho các con với ước mơ được các con đền đáp lúc tuổi già mà không được như ý.

Họ luôn mong muốn được chăm sóc và quan tâm nhiều hơn. Khi có những ước mơ không thực hiện được, không hài lòng với cuộc đời mình, người cao tuổi rất dễ mắc bệnh trầm cảm và trở nên khó tính, gay gắt với con cái…

Khoa lão khoa chưa nhiều

Trong khi số người cao tuổi gia tăng nhanh thì ở VN, trừ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có bệnh viện hoặc các chuyên khoa lão khoa để khám chữa bệnh cho người cao tuổi, còn lại hơn 60 tỉnh thành chưa có bệnh viện hay chuyên khoa lão khoa dành cho người cao tuổi. Điều này khiến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ đối với người cao tuổi gặp vô vàn khó khăn.

Bác sĩ Lê Tấn Lợi, phó khoa lão khoa Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho rằng bệnh nhân lớn tuổi thường khó tính, khó chịu, khả năng nghe và diễn đạt kém nên nhiều khi còn hiểu lầm với nhân viên y tế. Người già rất hay quên nên nhân viên y tế khi dặn bệnh nhân điều gì đó luôn phải dặn đi dặn lại. Có một số bệnh nhân đến khoa không có người nhà chăm sóc, trong khi người già yếu không thể tự sinh hoạt được nên nhân viên y tế phải làm thay… Như vậy, nếu các bệnh viện đều có khoa lão khoa để người già được điều trị bệnh vẫn tốt hơn người già nằm rải rác tại các chuyên khoa.

Bệnh viện Nguyễn Trãi là một trong những bệnh viện đầu tiên của TP.HCM có khoa lão khoa, tuy nhiên đến nay khoa lão khoa vẫn chưa phát triển nhiều.

Khoa lão khoa cần có loại giường đặc biệt cho người cao tuổi, ví dụ giường cần có độ thấp hơn các giường bệnh bình thường khác để người già leo lên leo xuống dễ dàng. Nhà vệ sinh của bệnh nhân phải có thang vịn cho người lớn tuổi, phải có một số dụng cụ tại chỗ để tập vật lý trị liệu, khung tập đi, nệm chống loét…, thế nhưng đến nay trong khoa có rất ít và nhiều loại không có.

Quan trọng hơn là điều dưỡng cần đi học lớp chăm sóc người già, thế nhưng đến nay trong khoa chưa có điều dưỡng nào được học các kỹ năng này.

Điều quan trọng nữa là tuy tuổi thọ người VN đang tăng nhưng theo bác sĩ Trương Quang Anh Vũ – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), hiện cả nước chỉ mới có hai trung tâm lão khoa lớn là Viện Lão khoa trung ương (phía Bắc) và Bệnh viện Thống Nhất (phía Nam).

Thuê người chăm sóc cha mẹ

Tại TP.HCM có khoảng 10 trung tâm, viện nhận chăm sóc người già. Tuy nhiên, hầu hết chỉ dành cho đối tượng chính sách, người già neo đơn, không nơi nương tựa. Chỉ vài trung tâm có nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người già theo dịch vụ. Hiện nay, Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè đang nhận nuôi dưỡng 56 người già theo diện chính sách và 81 cụ theo dịch vụ.

Một số trung tâm dưỡng lão tư nhân ra đời. Trung tâm chăm sóc người già Bình Mỹ (H.Củ Chi) hiện nay nuôi dưỡng gần 100 cụ. Đa số các cụ khiếm khuyết sức khoẻ, có vấn đề về thần kinh, con cháu không có điều kiện chăm sóc. Trung tâm trang bị nhiều thiết bị chuyên biệt dành cho người già, từ giường, xe lăn, ghế tắm, dụng cụ gậy chống, dép chống ngã… Có những phòng tập phục hồi chức năng để các cụ vận động theo phương pháp phù hợp.

Ông Bùi Anh Trung – giám đốc Trung tâm chăm sóc người già Bình Mỹ – cho biết để tạo một môi trường “người già”, trung tâm thường xuyên tổ chức chương trình hát hò, giao lưu ngoài trời cho các cụ nói chuyện với nhau. Còn cụ nào khỏe, trung tâm bố trí cho các cụ trồng rau, làm vườn để các cụ được vận động thêm.

Nhiều gia đình không có điều kiện chăm sóc cha mẹ nhưng vẫn muốn ông bà sống cùng con cháu nên tìm đến dịch vụ chăm sóc người già tại gia. Nhân viên đến tận bệnh viện hoặc nhà riêng làm mọi việc từ A đến Z như việc ăn uống, vệ sinh, giặt giũ, trò chuyện, đọc sách… cho các cụ.

Anh Trần Văn Minh – phó giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái (TP.HCM), một đơn vị cung cấp nhân viên chăm sóc người già tại bệnh viện hoặc tại nhà – cho biết đa số các gia đình ký hợp đồng chăm sóc cho đến khi người già qua đời. Chi phí để thuê nhân viên gần 7 triệu đồng/tháng. Hầu hết người thuê là người có thu nhập khá cao.

“Công ty Nhân Ái có 200 nhân viên nhưng luôn “cháy” nhân viên do nhu cầu chăm sóc người già tại nhà rất lớn”, anh Minh cho hay. 

Đa số người già tự lao động kiếm sống

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương – phó vụ trưởng Vụ Truyền thông – giáo dục, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện chỉ có hơn 25% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, 70% phải tự lao động kiếm sống.

Đa số người cao tuổi ở VN sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trong khi đó, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch bệnh đe dọa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung và người cao tuổi nói riêng còn thấp. Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, gần 10% sống trong nhà tạm, có đến 2/3 người cao tuổi không có tích lũy được vật chất, 18% sống trong nghèo khổ, hơn 62% người cao tuổi sống trong khó khăn, thiếu thốn.

Gánh nặng bệnh tật

– 95% người già có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây, trong đó có 27% gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày cần sự trợ giúp.

– Hơn 67% có tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu.

– 30% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào.

– 50% không đủ tiền chi trả điều trị.

Tuổi càng cao, phụ nữ đơn thân càng nhiều

Theo số liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống góa vợ góa chồng, số cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Đặc biệt, tỉ lệ người già sống cô đơn hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già tăng đột biến: từ 12% năm 1993 lên 30% năm 2008.

Hiện nay, tại VN ở tuổi 80 trở lên cứ 200 cụ bà mới có 100 cụ ông. Còn ở tuổi từ 70-79, tỉ số này là 149 cụ bà/100 cụ ông…