28/11/2024

Cho trẻ đọc thơ để ươm mầm thiện

Thơ tuy mỏng manh, nhưng là sợi dây bền chặt để neo giữ tâm hồn con người. Hãy cho trẻ nghe thơ, đọc thơ từ lúc còn nhỏ tuổi, trên ghế nhà trường…

 

Cho trẻ đọc thơ để ươm mầm thiện.

 

 Thơ tuy mỏng manh, nhưng là sợi dây bền chặt để neo giữ tâm hồn con người. Hãy cho trẻ nghe thơ, đọc thơ từ lúc còn nhỏ tuổi, trên ghế nhà trường…


 

Cho trẻ đọc thơ để ươm mầm thiện - Ảnh 1.

Nếu thơ gieo mầm thiện sớm vào tâm hồn tuổi thơ thì hi vọng mầm thiện ấy sẽ nảy nở – Ảnh: NHƯ HÙNG

Khoa học đã chứng minh âm nhạc có tác dụng với trẻ từ lúc còn trong bụng mẹ. Thơ cũng có đặc điểm gần với nhạc, đó là vần điệu, âm điệu, thanh điệu tạo sự du dương, trầm bổng. Người xưa đã nói: “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc).

Bên cạnh phần nhạc tính, lời thơ có đặc điểm là ngôn ngữ được chọn lọc, giàu hình ảnh, tinh tế và hàm súc. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm, cảm xúc mãnh liệt. Là tiếng nói của trái tim, thơ có khả năng làm lay động trái tim.

Còn ai đọc thơ?

Tôi nhớ năm 1982 tại hội trường lớn nhất của Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu được sinh viên khoa toán mời về nói chuyện thơ cho sinh viên của khoa nghe. 

 

 

Biết tin này, sinh viên các khoa khác cũng kéo tới, hội trường gần 1.000 chỗ ngồi không đủ chỗ, phải tràn ra cả bên ngoài. Vậy mà vẫn trật tự từ đầu đến cuối. 

Người ta đến để xem mặt mũi ông nhà thơ nổi tiếng và để nghe ông đọc thơ, nói chuyện thơ. Và nhà thơ Xuân Diệu, trong buổi tối hôm đó, khoe là ông đã có hơn 500 cuộc nói chuyện thơ.

Thơ bây giờ ở đâu trong sinh hoạt của cộng đồng? Thực tế là vài chục năm trở lại đây, các tập thơ in ra hầu như không bán được, tác giả cho không, biếu không mà cũng không biết còn ai đọc không. Trên mạng xã hội Facebook người ta chia sẻ cho nhau bức ảnh thơ hạ giá còn 2.000 đồng/cuốn mà vẫn ế.

Người ta quay lưng với thơ, có thể do thơ chưa hay; chưa tạo được sự đồng cảm với người đọc. Cũng có thể người đọc đã nói không với thơ, nhìn thấy thơ đã “bỏ qua”. 

Bây giờ, thử hỏi một thầy, cô giáo dạy văn trong mấy năm qua thuộc được bài thơ nào ngoài sách giáo khoa của lớp mình dạy, hay có biết tập thơ nào được giải thưởng của hội nhà văn… chưa hẳn đã trả lời được. 

Tôi có suy nghĩ dường như có mối liên hệ giữa cái ác, cái phi nhân tính biểu hiện khá nhiều thời gian gần đây với việc thơ bị rẻ rúng, với việc văn học nghệ thuật nói chung vắng bạn đọc.

Khuyến khích trẻ đọc thơ

Hàng ngàn năm nay, thi ca vẫn là liệu pháp cho tâm hồn. Các tờ báo bây giờ hầu hết loại bỏ trang thơ. Con người ta bận lòng về những thứ khác trong một thế giới đầy biến động (như giá vàng, giá USD, giá nhà đất…; như các vụ cướp, hiếp, giết; như tham nhũng, bồ bịch; như chuyện “sao” mặc cái gì, ăn với ai, event ở đâu…). 

Người ta mải mê tìm kiếm cơ hội, bon chen, tranh giành, mấy ai lắng lòng để đọc, để ngẫm nghĩ, để đồng cảm với thơ. Chưa bao giờ thơ cô độc đến thế.

Chuyện người ta cư xử với đồng loại, với môi trường một cách tàn độc, có nhiều nguyên nhân; cũng như để cứu rỗi linh hồn, để con người có lòng nhân, cần rất nhiều phương cách, thơ chỉ là một điều gì đó rất mỏng manh. 

Tuy mỏng manh nhưng là sợi dây bền chặt để neo giữ tâm hồn con người. Vả lại, cái đẹp nào chả mỏng manh giữa thế giới xô bồ.

Giáo dục và tự giáo dục hiển nhiên là một quá trình lâu dài đến suốt đời. Nhưng khoa học đã chứng minh tính cách chủ yếu hình thành trước 5 tuổi. Ông bà ta cũng dặn: “Dạy con từ thuở còn thơ…”. 

Vậy thì hãy cho trẻ nghe thơ, đọc thơ từ lúc còn nhỏ tuổi, từ thuở trong nôi qua lời ru của bà, của mẹ. Nhiều bà mẹ bây giờ không biết ru con, vì có thuộc câu ca dao, câu Kiều nào đâu (chứ không phải do bận, bởi các mẹ xưa bận hơn nhiều). 

Có nhà thơ đã viết: Nếu những người mẹ không còn biết hát ru / Thì những đứa trẻ sinh ra sẽ như cây non trồng xuống cát. Các nhà thơ lớn của dân tộc ta hầu hết đều được nuôi dưỡng trong bầu không khí thơ ca của gia đình từ thuở nhỏ.

Cùng với gia đình, đó là trách nhiệm của nhà trường. Cần đưa thêm thơ hay vào chương trình, nhất là bậc tiểu học, những bài thơ yêu thương mẹ cha, ông bà, anh chị em; yêu thương cây cối, loài vật. 

Nếu thơ gieo mầm thiện sớm vào tâm hồn tuổi thơ thì hi vọng mầm thiện ấy sẽ nảy nở và không có chỗ cho cái ác nhập vào. Nếu ngay từ tuổi thơ, trẻ được nghe, được đọc rằng: Ông trời nổi lửa đằng đông / Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay… Cậu mèo đã dậy từ lâu… Mụ gà cục tác như điên… Cái na đã tỉnh giấc rồi / Cu chuối đứng vỗ tay cười vui sao / Chị tre chải tóc bên ao /… Bác nồi đồng hát bùng boong / Bà chổi loẹt quẹt, lom khom trong nhà… hay những giun, dế, kiến, cua, cá trê… cũng được gọi bằng những từ thân thuộc như bác, anh, chị, lão… (Thơ Trần Đăng Khoa - Góc sân và khoảng trời) thì sẽ hình thành trong suy nghĩ trẻ thơ về thế giới loài vật cũng như thế giới con người.

Từ yêu loài vật đến trân trọng và biết ơn mẹ cha, thầy cô giáo, yêu quý nâng niu “Hạt gạo làng ta” (tên một bài thơ của Trần Đăng Khoa đã được phổ nhạc), nếu tiếp tục được bồi dưỡng tốt tình cảm con người sẽ lớn dần, mở rộng đến yêu thương cả nhân loại.

Bắt đầu từ sớm

 

Cùng với thơ, đó là âm nhạc, là sách, là môi trường gia đình và học đường ứng xử có văn hóa và văn minh, là cha mẹ, thầy cô… thực sự là tấm gương sáng. Rộng hơn nữa, đó là môi trường xã hội dựa trên nền tảng đạo đức và pháp luật, con người được là chính mình, được nói và được làm những gì mình muốn mà không ảnh hưởng đến người khác… Hạn chế cái ác phải bắt đầu từ rất sớm, gieo mầm thiện cho trẻ nhỏ.

TRẦN THỊ BÍCH HÀ (GV văn, TP.HCM)