Hết độc quyền chăm sóc cây xanh
Việc quản lý công viên, cây xanh được phân cấp về cho các quận, huyện; công tác duy tu chăm sóc công viên cây xanh sẽ được đấu thầu, xã hội hoá đầu tư cải tạo công viên…
Hết độc quyền chăm sóc cây xanh.
Việc quản lý công viên, cây xanh được phân cấp về cho các quận, huyện; công tác duy tu chăm sóc công viên cây xanh sẽ được đấu thầu, xã hội hoá đầu tư cải tạo công viên…
Đây là hàng loạt chính sách mở của TP.HCM đối với công tác quản lý chăm sóc công viên, cây xanh trên địa bàn TP.HCM. Người dân hi vọng mô hình này sẽ tăng cường chất lượng trong việc duy tu, chăm sóc, phát triển mảng xanh, tạo ra nhiều nơi sinh hoạt cộng đồng hơn.
Công viên cần là một nơi mà ở đó người giàu hay người nghèo cũng được hưởng các dịch vụ công cộng, có một chốn thư giãn sau những giờ làm việc
Ông QUANG VĂN HOÀ (người dân ở P.10, Q.4, TP.HCM)
Đấu thầu từ tháng 1-2018
Trước nay, nói đến lĩnh vực chăm sóc cây xanh ở TP.HCM, nhiều người nghĩ đây là lĩnh vực gần như độc quyền của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM.
Tuy nhiên, gần đây UBND TP.HCM đã có chủ trương mở trong vấn đề này bằng việc chấp thuận chủ trương đấu thầu trong quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị kể từ tháng 1-2018.
Có 12 quận, huyện sẽ tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực này gồm: quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
Riêng các công viên Tao Đàn, Gia Định và Lê Văn Tám tạm thời chưa tổ chức đấu thầu để chuẩn bị chu đáo việc tổ chức hội hoa xuân và chợ hoa tết năm 2018. Việc đấu thầu các công viên này được thực hiện trong đầu quý 2-2018.
Ngoài đấu thầu trong chăm sóc cây xanh, UBND TP.HCM đã phân cấp việc quản lý công viên, cây xanh về cho các quận, huyện để các địa phương chủ động hơn trong công tác đảm bảo về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và chăm sóc mảng xanh.
Cụ thể, UBND TP.HCM đã bàn giao các công viên Cảng Bạch Đằng, 23-9 và 30-4 cho UBND Q.1 quản lý… Trước đó, UBND Q.1 đã có đề án xây dựng công viên Cảng Bạch Đằng thành nơi tổ chức chợ phiên cuối tuần phục vụ người dân trên địa bàn cũng như khách du lịch.
Giám sát minh bạch
Đại diện lãnh đạo một khu quản lý giao thông đô thị (đơn vị được phân cấp quản lý công viên, cây xanh trên địa bàn TP.HCM) nhìn nhận việc đấu thầu chăm sóc, duy tu cây xanh tạo ra sự cạnh tranh để góp phần nâng chất lượng dịch vụ chăm sóc cây xanh.
“Công ty Công viên cây xanh phải nỗ lực, tự làm mới, nâng cấp mình, nếu không sẽ bị mất thị phần về những đơn vị khác có năng lực” – vị này nói.
Vị này đề nghị cần sớm xây dựng cơ chế giám sát cũng như các tiêu chí đấu thầu minh bạch để công tác chăm sóc, duy tu cây xanh hiệu quả. Ngoài ra, ông còn băn khoăn việc giao các công viên về cho quận, huyện quản lý có thể sẽ phát sinh “bộ máy” quản lý về cây xanh ở cấp quận, huyện.
Như vậy, hệ thống quản lý cây xanh, công viên sẽ có thêm nhiều tầng nấc: từ cấp Sở GTVT đến các khu quản lý giao thông đô thị rồi đến các quận, huyện.
Ủng hộ chủ trương đấu thầu chăm sóc, duy tu cây xanh nhưng ông Trịnh Kiểm – văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh VN – đề nghị việc chăm sóc, duy tu cây cổ thụ nên giao lại cho đơn vị có năng lực và kinh nghiệm thực hiện, bởi việc này không chỉ liên quan đến cảnh quan mà còn đến vấn đề an toàn cho người dân.
Mong nhiều tiện ích cho công viên
Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển thêm nhiều mảng xanh, công viên nhưng trước áp lực phát triển hạ tầng, nhiều mảng xanh, thậm chí công viên cũng phải “nhường chỗ” cho các công trình khác.
Tỉ lệ mảng xanh ít, mô hình tại các công viên đơn điệu… nên mức độ hưởng thụ của người dân còn hạn chế. Nhiều người dân mong mỏi sau khi có cơ chế mới, các công viên, mảng xanh TP sẽ có những tiện ích mới.
Ông Quang Văn Hoà (ngụ P.10, Q.4) – người thường đến công viên 23-9 mỗi ngày – cho rằng công viên cần tạo ra một không gian thoáng mát, rợp bóng cây và yên tĩnh hơn.
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân (ngụ Q.1) cũng chia sẻ bà đến công viên Tao Đàn để tập thể dục đã gần 20 năm. Tuy nhiên, lúc trước tình hình an ninh tại đây khá phức tạp nên bà còn e dè. Đó là chưa kể có trường hợp cành cây mục, tét nhánh rơi trúng người tập thể dục bên dưới.
Theo bà Vân, dù ai quản lý, đơn vị nào chăm sóc thì yếu tố an toàn tại các công viên phải được đặt lên hàng đầu.
Hoạ sĩ Siu Quý (phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM):
Công viên đang teo tóp dần
Lâu nay, công viên vẫn chỉ là nơi trồng cây xanh hoặc đặt thêm mấy cái máy tập thể dục, chứ chưa được đầu tư gì nhiều. Vấn đề nữa là về quản lý, chúng ta kêu gọi vốn xã hội hoá nhưng vẫn chưa có quy chế xã hội hoá.
Hội Mỹ thuật cũng mấy lần đi họp với thành phố về xã hội hóa, xây bãi đỗ xe ngầm dưới lòng công viên, chúng tôi cũng chỉ góp ý rằng nếu xây bãi đỗ xe ngầm phải ưu tiên giữ mảng xanh ở trên lại. Vì hiện nay các công viên đang teo tóp dần.
Nhiều người chia sẻ với tôi việc thành phố bị mất công viên Chi Lăng khiến họ buồn lắm, vì nơi đó là một phần ký ức thành phố của họ.
KTS Hoàng Kim Giang:
Công viên phải là nơi thân thiện
Tôi đã đi hầu hết các công viên trong thành phố. Tôi nghĩ yếu tố thu hút đầu tiên của công viên là môi trường thân thiện với con người. Yếu tố đó mới là lâu dài, là quan trọng.
Trước đây, thành phố cho phá bỏ hàng rào các công viên để trả lại sự thân thiện đó. Còn những công trình nhân tạo, nhạc nước… cũng chỉ là yếu tố phụ thêm. Về lâu về dài thì sự tương tác giữa các công viên và người dân vẫn là sự thoải mái, thân thiện.
Q.THI ghi