Poster vở tuồng cổ San Hậu chất liệu trúc chỉ đoạt giải thưởng Mỹ
Trúc chỉ – một loại hình nghệ thuật do người Việt sáng tạo – đã lần đầu được xướng danh quốc tế.
Poster vở tuồng cổ San Hậu chất liệu trúc chỉ đoạt giải thưởng Mỹ.
Trúc chỉ – một loại hình nghệ thuật do người Việt sáng tạo – đã lần đầu được xướng danh quốc tế.
Tại cuộc thi do tạp chí Graphic Design USA (Mỹ) tổ chức quy tụ gần 10.000 tác phẩm tham gia, bộ poster liên hoàn vở tuồng cổ San Hậu với chất liệu trúc chỉ đoạt giải thưởng American Graphic Design Award 2017 (Giải thiết kế đồ hoạ Mỹ) ở hạng mục Student design (sinh viên thiết kế).
Tác phẩm đoạt giải thưởng nói trên thuộc dự án Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam của cô gái quê Quảng Ngãi Đặng Thị Bích Ngọc, 23 tuổi.
“Là một sinh viên trẻ nhưng Ngọc chọn nghệ thuật truyền thống là một điều rất đáng quý. Đây là lần đầu tiên trúc chỉ do người Việt sáng tạo được ghi vào danh mục tổ chức nghệ thuật như một thương hiệu chính thức (trucchigraphy)
Thạc sĩ Trần Thanh Bình (nguyên trưởng khoa mỹ thuật ứng dụng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Huế)
Phải đổ mồ hôi nhiều hơn…
Gặp Ngọc sau giờ tan ca, cô gái tốt nghiệp ngành thiết kế đồ hoạ Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng này cho biết giải thưởng mình được trao vẫn đang ở… Mỹ.
Bận rộn trả lời tin nhắn chúc mừng, cô nói: “Có chút vui nhưng quan trọng hơn cả là hành trình mà tôi được trải nghiệm khi đi đến giải thưởng này”.
Graphic Design USA là tạp chí thiết kế đồ hoạ dành cho cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp, nằm trong top tạp chí thiết kế hàng đầu Mỹ, xuất bản từ năm 1963.
Cuộc thi American Graphic Design Award năm 2017 quy tụ gần 10.000 tác phẩm, sản phẩm với 23 hạng mục (catalogue, logo, ấn phẩm, bao bì, thương hiệu, lịch, web…). Đây là cuộc thi nằm trong top 15 các cuộc thi thiết kế khu vực Bắc Mỹ.
Tháng 4-2017, Ngọc chọn đề tài thiết kế một cụm poster quảng bá cho đêm nhạc truyền thống mang tên Nhạc của đình làm đồ án tốt nghiệp.
Quảng bá cho một chương trình âm nhạc dân tộc nên cô sinh viên phải tìm hướng giải quyết bằng chất liệu, kỹ thuật phù hợp để tăng tính biểu đạt “ngôn ngữ”.
Thời gian đó Ngọc chưa biết đến nghệ thuật trúc chỉ, mãi đến khi thầy cô phản biện lần đầu cho đề tài, cô mới chuyển hướng sang chất liệu truyền thống này.
Chỉ có vỏn vẹn một tháng để hoàn thành đề tài tốt nghiệp, cô gái nhỏ nhắn xách cặp sách ra Vườn Trúc Chỉ (đường Nguyễn Phúc Nguyên, Thừa Thiên – Huế) “tầm sư học đạo”.
Đắm mình trong loại hình nghệ thuật mới và được thọ giáo họa sĩ Phan Hải Bằng – người sáng lập trúc chỉ cùng những nghệ nhân tại đây, Ngọc tìm hiểu tất cả các quy trình chế tác ra một tác phẩm.
Những hình dung ban đầu về trúc chỉ khi xem trên mạng so với thực tế khác xa bởi quá trình chế tác phức tạp và kỳ công.
Quay lại trường, đồ án của Ngọc được điểm khá cao nhưng chưa phải nằm trong nhóm đầu, mà theo Ngọc giải thích, do phương thức thể hiện còn nhiều khiếm khuyết bởi yếu tố thời gian quá gấp.
Dù vậy, những tấm poster đồ án của Ngọc khi đưa lên mạng xã hội được họa sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông chú ý.
“Chú ấy hỏi liệu tôi có muốn làm lại một đồ án về trúc chỉ một lần nữa không? Tất nhiên là làm với tiến độ lao động cật lực. Lúc đó tôi đã không chần chừ bởi chưa thoả mãn với đồ án tốt nghiệp. Tôi nghĩ mình phải đổ mồ hôi nhiều hơn nữa để nghiên cứu loại hình nghệ thuật thú vị này” – Ngọc kể.
Thế là tốt nghiệp xong, khi bạn bè cùng trang lứa cầm hồ sơ đi tứ phương xin việc thì Ngọc quay lại Huế một lần nữa để “làm đồ án”.
Hai tháng sống tại Vườn Trúc Chỉ, Ngọc học các kỹ thuật làm bột giấy, kỹ thuật xeo giấy, kỹ thuật tạo áp lực nước… và cho ra những phác thảo hình thành một bộ poster mới.
Kết hợp “2 trong 1″ yếu tố truyền thống
Ngọc vẫn giữ nguyên ý tưởng ban đầu là sử dụng nghệ thuật tiếp biến truyền thống (trúc chỉ) để thể hiện cho đề tài nghệ thuật truyền thống, nhưng chuyển sang giới thiệu thể loại ca kịch cổ truyền là tuồng.
Ngọc lý giải: “Là một loại hình di sản của quốc gia nên bản thân bộ môn nghệ thuật này cũng là tiếng nói thiêng liêng cần được giữ gìn và quảng bá”.
Khi đã quyết định chọn tác phẩm San Hậu làm đề tài thiết kế, Ngọc tập trung giới thiệu những đặc trưng về nhân vật nghệ thuật tuồng.
Bộ poster liên hoàn vở tuồng cổ San Hậu mà Ngọc mang đi dự thi thiết kế bốn khuôn mặt nhân vật đặc trưng cho tinh thần vở diễn, gồm: Khương Linh Tá – dũng tướng, bộc trực; Tạ Ôn Đình – phản Tề, dữ dằn; Phàn Định Công – lão tướng, trung can, nghĩa khí và Phàn Diệm – con trai tướng Phàn, cổ quái, phi thường.
Theo họa sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông – người cũng từng đoạt giải thưởng của tạp chí Graphic Design USA ở hạng mục Editorial design năm 2014, sự thành công của Bích Ngọc là ở chỗ kết hợp “2 trong 1” yếu tố truyền thống.
Đó là cách tôn vinh văn hóa Việt thông qua sự kết hợp một loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng) với một loại hình nghệ thuật mới được tiếp biến từ truyền thống (trúc chỉ).
“Ý tưởng chọn trúc chỉ làm ngôn ngữ chất liệu để quảng bá cho tuồng khiến người ta chú ý hơn. Thiết kế poster về đề tài sân khấu, hay điện ảnh, luôn cần có hiệu ứng ánh sáng đặc trưng.
Giấy nghệ thuật trúc chỉ tạo được tính đồ hoạ, hiện hình phô diễn khi xuyên sáng. Hai yếu tố này hội tụ lại cho ra tác phẩm rất thú vị.
Do vậy, dù Ngọc không phải hoạ sĩ để đi đến cùng về nghệ thuật tạo hình nhưng vẫn để lại dấu ấn truyền thống cho sản phẩm” – nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông nhận định.
Đặng Thị Bích Ngọc trong quá trình tìm hiểu nghệ thuật trúc chỉ để thực hiện tác phẩm – Ảnh: NVCC
Từ rơm, tre, bèo, mía, cỏ…
Nghệ thuật trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật mới do hoạ sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế) cùng các cộng sự nghiên cứu, sáng tạo. Trúc chỉ ra đời bằng cách kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý của nghệ thuật đồ hoạ.
Trúc chỉ khai thác nguyên liệu như rơm, tre, bèo, mía, chuối, lá, cỏ… với khả năng thích ứng cao với cả nghệ thuật thị giác và nghệ thuật thiết kế ứng dụng.