Dù ở địa phương có gần 2/3 hộ dân nghèo nhưng các phụ huynh của Trường mầm non Bình Chuẩn (xã Bình Chuẩn, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An) vẫn phải đóng các khoản ngoài quy định, trong đó một số khoản thu có dấu hiệu bị bớt xén.
Lạm thu ở trường mầm non nghèo nhất huyện.
Dù ở địa phương có gần 2/3 hộ dân nghèo nhưng các phụ huynh của Trường mầm non Bình Chuẩn (xã Bình Chuẩn, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An) vẫn phải đóng các khoản ngoài quy định, trong đó một số khoản thu có dấu hiệu bị bớt xén.
Hộ nghèo, học sinh khuyết tật vẫn phải đóng
Từ năm học 2014 – 2015, Trường mầm non Bình Chuẩn vận động phụ huynh đóng góp 650.000 đồng/học sinh (HS) tiền xã hội hóa để trả nợ tiền xây dựng trường. Năm học 2016 – 2017 thu 550.000 đồng, năm học 2017 – 2018 thu 500.000 đồng. Bà Võ Thị Tính, Hiệu trưởng nhà trường, giải thích: “Trường thu theo nguyên tắc tự nguyện, hộ nghèo không thu. Người dân đồng tình vì họ thấy nhà trường đã xây dựng được nhiều công trình”.
Hôm qua 13.12, ông Lê Thanh Tâm, Phó trưởng phòng GD-ĐT (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), cho biết phòng vừa thanh tra để xác minh làm rõ các sai phạm trong việc thu các khoản sai quy định tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Lộc Phát, TP.Bảo Lộc).
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc vận động thu tiền xã hội hóa của nhà trường không đúng như lời bà Tính nói mà đều bị cào bằng, bất kể hộ nghèo hay HS tàn tật. Anh Lữ Văn Đôn (ngụ bản Xiềng) cho biết đầu năm học 2016 anh có đơn xin được miễn tiền xã hội hóa vì con anh 5 tuổi bị câm điếc, nhưng không được chấp nhận và vẫn phải đóng 550.000 đồng.
Năm học 2016 – 2017, trường này còn đề ra các khoản thu: tiền cô nuôi 270.000 đồng, trực lớp 180.000 đồng, tiền ban đầu 50.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 60.000 đồng, quỹ lớp 50.000 đồng, tài liệu 100.000 đồng. Thậm chí, phụ huynh còn phải đóng tiền điện và nước 90.000 đồng dù nguồn nước là nước giếng lọc qua bình. Cũng trong năm học này, mỗi HS còn phải “gánh” 15.000 đồng tiền phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, điểm trường bản Quẹ cách Trường mầm non Bình Chuẩn khoảng 7 km, mỗi năm có khoảng 30 HS nên không tổ chức nấu ăn tại trường. Phụ huynh HS nấu cơm đựng trong cặp lồng mang theo cho trẻ ăn trưa tại trường. Thế nhưng theo lời phụ huynh, từ năm học 2014 – 2015 họ đều phải đóng tiền để trả cho cô nuôi nấu ăn. Năm học 2014 – 2015, mỗi HS phải đóng 180.000 đồng/tháng; năm học 2015 – 2016 số tiền này là 225.000 đồng; năm học 2016 – 2017 tiếp tục tăng lên 270.000 đồng. Khoản thu này thể hiện trong danh sách phụ huynh đóng tiền ở từng lớp mà giáo viên chuyển về trường. Tuy nhiên, bà Tính lại nói rằng những năm qua, trường không hề thu tiền bán trú cô nuôi ở điểm trường này!
Đóng 550.000 ghi 150.000
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm học 2016 – 2017, toàn bộ phụ huynh Trường mầm non Bình Chuẩn đều đóng một mức xã hội hóa là 550.000 đồng. Số tiền này được giáo viên chủ nhiệm lập danh sách, có chữ ký nộp tiền của phụ huynh. Thế nhưng theo báo cáo của lãnh đạo trường vào đầu năm học này với phụ huynh, năm học 2016 – 2017, chỉ có 257/270 HS đóng tiền xã hội hóa với số tiền thu được là 126,86 triệu đồng, người đóng cao nhất là 550.000 đồng và thấp nhất là 80.000 đồng.
Tiếp xúc với PV, nhiều phụ huynh khẳng định năm học 2016 – 2017 họ đều đóng mức xã hội hóa như nhau là 550.000 đồng. Phụ huynh L.V.N cho biết đã nộp 550.000 đồng tiền xã hội hoá nhưng trong sổ của trường chỉ ghi 150.000 đồng. Một phụ huynh khác cũng nộp 550.000 đồng, trong sổ trường ghi 250.000 đồng. Riêng lớp học ở bản Quẹ, năm học 2016 – 2017 có 33 phụ huynh đóng tiền xã hội hóa nhưng danh sách nhà trường chỉ lập có 28/29 phụ huynh nộp.
So với sổ sách của nhà trường lập và danh sách thực phụ huynh đã đóng tiền xã hội hóa mà PV Thanh Niên có được, số tiền phụ huynh đã đóng góp bị hụt mỗi lớp từ 1,1 – 3,2 triệu đồng. 7/9 lớp học mà PV có danh sách nộp tiền đã bị hụt hơn 12 triệu đồng. Giải thích về số tiền bị “bốc hơi” này, bà Tính cho rằng có thể do một số người chưa nộp đủ tiền nên giáo viên mới lập danh sách như vậy. Tuy nhiên, các giáo viên này khẳng định với PV, năm 2016, tiền xã hội hóa phụ huynh đã nộp đủ cho trường bằng tiền mặt hoặc trừ vào tiền nhà nước hỗ trợ hằng tháng cho trẻ miền núi.