5 kiến nghị cho Luật giáo dục đại học
Trong Luật giáo dục đại học hiện hành, gần như thiếu hẳn các điều luật liên quan đến khía cạnh tài chính trong giáo dục đại học.
5 kiến nghị cho Luật giáo dục đại học.
Trong Luật giáo dục đại học hiện hành, gần như thiếu hẳn các điều luật liên quan đến khía cạnh tài chính trong giáo dục đại học.
GS Phạm Phụ – ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM, khẳng định như thế trong bài viết gửi Tuổi Trẻ góp ý cho Luật giáo dục đại học (ĐH).
Theo GS, với cải cách giáo dục ĐH trên thế giới suốt 30-40 năm qua, thì cải cách tài chính gần như là một “mẫu số chung” và là vấn đề hàng đầu trong mọi công cuộc cải cách giáo dục ĐH.
Chính vì vậy, GS tập trung vào 5 kiến nghị về tài chính và các giải pháp có liên quan.
1. Có giải pháp nâng suất đầu tư thoả đáng và cần thiết
Trong giáo dục ĐH, suất đầu tư thường gọi là “chi phí đơn vị” (unit cost) – chi phí bình quân cho một sinh viên trong một năm học. Hiện nay chưa tìm thấy con số công bố chính thức nào về suất đầu tư từ Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, có thể ước tính gần đúng, con số này hiện chỉ vào khoảng 1.000 USD/sinh viên/năm.
Trong khi đó, suất đầu tư năm 2004-2005 ở Mỹ đã là 22.000 USD/sinh viên/năm, ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế – NV) 12.000 USD/sinh viên/năm, ở Đài Loan 7.000 USD/sinh viên/năm… Vậy suất đầu tư thoả đáng cho VN hiện nay nên là bao nhiêu?
Theo một số chuyên gia ở Ngân hàng Thế giới, suất đầu tư thỏa đáng thực tế thường tương thích so với GDP/đầu người của từng nước. VN hiện có GDP/đầu người khoảng 2.300 USD, nếu tính tỉ lệ khoảng 90%, nghĩa là suất đầu tư nên khoảng 2.100 USD/sinh viên/năm.
Từ đó, đề nghị bổ sung điều luật: “Có nhiều giải pháp để từng bước nâng suất đầu tư của giáo dục ĐH lên đến trên dưới 90% GDP/đầu người vào năm 2024-2025”.
2. Thực hiện nguyên tắc người học và gia đình phải gánh chịu chi phí
Thường có ba nguồn chính cho chi phí giáo dục ĐH: (a) từ ngân sách nhà nước; (b) từ đóng góp của người học và gia đình, gọi là học phí; và (c) từ nguồn đóng góp của cộng đồng, kể cả của chính cơ sở giáo dục ĐH qua hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác.
Sự phân bổ giữa ba nguồn này như thế nào trong suất đầu tư, thế giới gọi là bài toán “chia sẻ chi phí” (cost – sharing) và thường được nghiên cứu hết sức công phu, cẩn trọng.
Ở các ĐH công lập VN hiện nay, tỉ lệ (a) chiếm đến 45-50% của suất đầu tư. Phần dành cho giáo dục đã ở mức 20% của tổng ngân sách nhà nước, nghĩa là khá cao. Vì vậy, nên bỏ khoản 2 điều 12 “Tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH”.
Tóm lại, cần phải đổi mới căn bản tư duy về học phí của sinh viên ở ĐH, không thể nói “học phí tùy mức thu nhập của dân chúng”. Đề nghị bổ sung điều luật: “Từng bước tăng học phí sinh viên ở giáo dục ĐH, để đến năm 2024-2025, đóng góp của người học và gia đình trong suất đầu tư có tỉ lệ vào khoảng 50-55%”.
3. Phát triển các loại quỹ cho sinh viên vay vốn
Khi nền giáo dục ĐH được mở rộng, vấn đề mất cân bằng xã hội sẽ trở nên hết sức nan giải, nhiều sinh viên sẽ phải bỏ học vì lý do tài chính. Do đó cần có sự điều tiết và chính sách hợp lý từ phía Nhà nước.
Về vấn đề này, kinh nghiệm của thế giới cho thấy cách giải quyết tốt nhất là xây dựng nhiều loại quỹ cho sinh viên vay vốn khác nhau, kèm theo đó là thực hiện chính sách “học phí cao – tài trợ nhiều”.
VN đã có quỹ cho sinh viên vay vốn, nhưng quy mô còn rất nhỏ, chưa đủ chi trả chi phí học phí mức thấp hiện nay, và quy định việc trả nợ là cố định. Từ đó đề nghị bổ sung điều luật: “Sớm nghiên cứu để lập các quỹ cho sinh viên vay vốn với nhiều mục đích khác nhau, có quy mô tương đối lớn để đảm bảo công bằng xã hội khi tăng học phí, trong bối cảnh quy mô hệ thống giáo dục ĐH đã đủ lớn”.
4. Nhanh chóng mở rộng quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập
Ở VN cũng đã đặt ra mục tiêu này từ năm 2005, nhưng từ đó đến nay tỉ lệ sinh viên ĐH tư thục trong tổng số sinh viên vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 14-15%, không tăng lên được.
Lý do của tình hình này có lẽ một mặt do Nhà nước thiếu những chính sách khuyến khích phát triển các ĐH tư thục như chính sách cấp đất, miễn thuế, tài trợ sinh viên ĐH tư thục…
Mặt khác Nhà nước còn buông lỏng quản lý ở ĐH tư thục và còn có nhiều điều luật mù mờ về ĐH tư thục, như khoản 7 điều 4 về ĐH tư thục không vì lợi nhuận, về “tài sản chung không chia”…
Có thể tin rằng ở VN còn có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư cho giáo dục ĐH tư thục, với mức lợi nhuận chỉ cần cao hơn mức lãi suất ngân hàng một ít. Khi có những chính sách rõ ràng, hợp lý, mục tiêu này hoàn toàn có thể dễ dàng đạt được vào năm 2025.
Từ đó, đề nghị cần bổ sung điều luật: “Sớm có những chính sách và quy chế hợp lý để tăng số sinh viên ở ĐH tư thục lên đến 40% trong tổng số sinh viên ĐH vào năm 2024-2025”.
5. Thí điểm ĐH tư thục có mức lợi nhuận thích hợp và ĐH công tư phối hợp
Gần đây trên thế giới còn có loại hình ĐH công tư phối hợp (Public-private partnership – PPP). Thiết nghĩ, ở VN, Nhà nước với quỹ đất công của mình có thể vận dụng mô hình này để phát triển nhanh chóng loại hình ĐH tư thục có mức lợi nhuận thích hợp ở dạng PPP.
Từ đó, đề nghị bổ sung điều luật: “Thực hiện thí điểm loại hình ĐH tư thục công tư phối hợp có mức lợi nhuận thích hợp, để có thể nhanh chóng mở rộng quy mô ĐH tư thục”.