‘Tâm hồn’ Hà Nội
Nếu văn hoá vật thể và phi vật thể là linh hồn của một đô thị thì văn hoá ứng xử là ‘tâm hồn đô thị’.
‘Tâm hồn’ Hà Nội.
Nếu văn hoá vật thể và phi vật thể là linh hồn của một đô thị thì văn hoá ứng xử là ‘tâm hồn đô thị’.
Ứng xử được hiểu không chỉ giữa người với người mà là ứng xử với chính bản thân mình, với xã hội, với di sản văn hoá, với thiên nhiên môi trường… trên nền tảng đạo đức.
Văn hóa ứng xử từ Thăng Long đến đô thị Hà Nội
Một số nhà nghiên cứu cho rằng văn hoá ứng xử văn minh lịch sự của người Hà Nội chỉ xuất hiện khi Hà Nội là thành phố nhượng địa của Pháp, nghĩa là từ khi có chính quyền đô thị. Các quy định chi tiết trong quản lý thành phố, cộng thêm người dân bị văn minh Pháp cưỡng bức rồi cả tự nguyện đã hình thành nếp ứng xử đẹp đẽ mà cho đến hôm nay nhiều người cao tuổi ước ao “bao giờ cho đến ngày xưa”.
Không thể phủ nhận văn hoá, văn minh Pháp có ảnh hưởng tới nhiều người Hà Nội, nhất là tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên chỉ mấy chục năm mà hình thành văn hoá ứng xử văn minh, thanh lịch Hà Nội xem ra là điều không thể. Nếu nét đẹp ấy chỉ hình thành vào đầu thế kỷ 20 thì phải trả lời câu hỏi: Trước đó văn hoá ứng xử của người Hà Nội thế nào?
Văn hóa ứng xử của người VN hình thành dựa trên nhiều yếu tố gồm: đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, văn hoá dân gian, Nho giáo, Phật giáo… và đặc biệt là những quy định của các triều đại phong kiến. Tuy nhiên ở Thăng Long lại thêm những yếu tố khác là ngay sát triều đình và dĩ nhiên phải nền nếp hơn vì “gần lửa thì rát mặt” không như những vùng xa kinh đô “phép vua thua lệ làng”. Thăng Long có tới ba nghề: “sĩ, công, thương”, lại thêm văn hóa nước ngoài du nhập và văn hóa ứng xử còn được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa nên lối sống và văn hóa ứng xử phải khác với các vùng chỉ có nghề “nông”.
Trong các cuốn sách viết về Thăng Long – Hà Nội của các nhà thám hiểm hàng hải, truyền giáo, nhà buôn phương Tây… từ thế kỷ 16 -19 thì dù mang tính chủ quan, phóng đại, miệt thị nhưng cũng có những đoạn khá khách quan, công bằng. Về tế nhị trong giao tiếp ứng xử, cuốn Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài (Description of the kingdom of Tonqueen) của Samuel Baron viết năm 1683 có đoạn: “Gặp nhau họ không chào theo kiểu Cậu khoẻ không? mà là Thời gian qua cậu đi đâu thế? Và Thời gian qua cậu làm gì vậy? Còn nếu biết người mình gặp vừa ốm dậy hoặc qua thần sắc đoán có vẻ ốm yếu thì họ chào theo kiểu Mỗi bữa cậu ăn mấy bát cơm? hay Cậu ăn có ngon miệng không?”. Samuel Baron là con lai có bố từng là trưởng thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Thăng Long và mẹ là người Thăng Long, Baron sống mấy chục năm trên đất này nên rất am hiểu phong tục, tập quán.
Richard là thầy tu, ông ta có cuốn sách về xứ Đàng Ngoài có tên Lịch sử tự nhiên, dân số và chính trị xứ Đàng Ngoài (Histoire naturelle.civile et politique du Tonkin, Paris 1778) trong chương 3 ông có nhận xét về phụ nữ Thăng Long: “Nói chung họ ăn mặc rất khiêm nhã” và “cái áo bên ngoài thường là mầu sẫm nhưng bên trong lại là những chiếc áo đủ các mầu sắc”. Richard tỏ ra vô cùng thích thú cái yếm “nó bằng vải trắng hay miếng lụa có hình trái tim để làm đẹp”. Mô tả không có lời bình nhưng rõ ràng toát lên vẻ dịu dàng, biết cách ăn mặc nhưng cũng rất kín đáo của phụ nữ Thăng Long.
Về nét văn hóa ứng xử khi có khách đến ăn cơm tại một gia đình trung lưu, ông ta viết: “Trong giao tiếp họ khá thoải mái khiến cho khách cũng thoải mái, cuối bữa ăn họ đưa ra những cái khăn bông trắng hay có hoa văn cho khách lau tay”. Từng ấy ví dụ chưa đủ để có thể khẳng định Hà Nội xưa có nếp sống đẹp, ứng xử văn minh nhưng nó cũng cho ta một hình dung “có cái gì đó” khác với những nơi khác. Nếu đem nó trộn vào với nhận định của nhà vua quan, các nhà Nho qua các triều đại thì rõ ràng Thăng Long có văn hóa trong ứng xử.
Trong bài viết 30 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hoá folklore ở Hà Nội, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Thăng Long – Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có một sắc thái ngôn ngữ riêng – Tiếng Hà Nội, một bản lĩnh riêng: sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”.
Xuống cấp vì tư duy coi trọng đồng tiền
Văn minh của một đô thị dựa vào văn hóa ứng xử của chính công dân trong đô thị đó, đó là với giao thông, môi trường, với kiến trúc di sản; nếu văn hóa ứng xử xuống cấp thì đô thị đó có vấn đề. Sự thật thì văn hóa ứng xử có dấu hiệu xuống cấp từ lâu. Trong một bài viết vào năm 1956 có tựa đề Một ngày chủ nhật, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mô tả sự nhếch nhác quanh hồ Gươm, rác và màu sắc trang phục. Giai thoại nhà văn Nguyễn Tuân đang đi bộ thì một thanh niên nọ va vào rồi mở mồm xin lỗi, nhà văn cảm ơn lại “vì anh biết xin lỗi”.
Dù giai thoại nhưng nó phản ánh một điều văn hoá ứng xử Hà Nội có vấn đề. Nguyên nhân một phần do người từ vùng kháng chiến về và phần lớn trong số họ chưa từng sống đô thị. Một nguyên nhân khác là sai lầm trong nhận thức khi đánh đồng văn hoá ứng xử đô thị với thành phần tư sản và tiểu tư sản (còn gọi là tạch tạch sè) mà nhà nước cần phải xóa bỏ sau 1954. Điều đó đã dẫn đến nhiều người phải tự “xuống cấp” khi ăn nói, ứng xử để giống ngôn ngữ công nông binh tránh bị mang tiếng là ăn nói kiểu tiểu tư sản. Hiện ở Hà Nội vẫn có rất nhiều người hiểu rất rõ chuyện này.
Năm 1994 trong một bài viết đăng trên Báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài, người sống nhiều năm liên tục ở thủ đô đã cảnh báo văn hoá ứng xử Hà Nội xuống cấp ở mức trầm trọng. Và nhận định của nhà văn cách đây hơn 20 năm hiện ra ngày càng rõ hơn, thậm chí đang ở mức báo động. Nguyên nhân thì nhiều song nguyên nhân coi trọng đồng tiền đã huỷ hoại “tâm hồn Hà Nội”.
Một thành phố dù có nhiều ô tô xịn, nhiều biệt thự, quần áo hàng hiệu… vẫn không phải là thành phố văn minh, sang trọng.
Nguyễn Ngọc Tiến