Quảng cáo, rao vặt trên báo chí Sài Gòn xưa
Quảng cáo và rao vặt đã gắn liền với báo chí Sài Gòn xưa như răng với môi.
Quảng cáo, rao vặt trên báo chí Sài Gòn xưa.
Quảng cáo và rao vặt đã gắn liền với báo chí Sài Gòn xưa như răng với môi.
Tờ Phụ Nữ Tân Văn từ năm ra đời (1929) đã quảng cáo đủ loại từ xe hơi Citroen, Fiat, ngân hàng đến kem làm đẹp cho phụ nữ…
Thay cánh thư mực tím…
Rảnh rỗi, đọc lại những quảng cáo và rao vặt ngày xưa, tôi khám phá ra được nhiều điều thú vị về kinh tế và bộ mặt xã hội lúc ấy. Tìm hiểu xem cái tủ lạnh đã có ở VN vào năm nào thì chỉ cần đọc cái quảng cáo Frigidaire “Làm ra lạnh để giữ gìn đồ ăn uống” trên Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929. Và như trên đã nói, nhờ quảng cáo mà ta biết xe Fiat, Chevrolet cũng đã có mặt tại VN từ “hồi nẳm”. Hay cần biết về giá trị kinh tế và xã hội của vàng thì chỉ cần đọc cuộc thi thơ quảng cáo cho tiệm vàng Nguyễn Thế Tài (43 Schroeder – Tạ Thu Thâu nay là Lưu Văn Lang) thì sẽ hiểu sức mạnh của vàng ngày ấy cũng không thua gì bây giờ.
Thời trước năm 1975, báo nào cũng có quảng cáo, rao vặt nhưng mạnh nhất có lẽ là tờ Chính Luận. Đọc trang quảng cáo rao vặt này thì ta cũng mường tượng ra nhiều cảnh nhiễu nhương của xã hội thời bấy giờ. Thương nhất là những dòng rao vặt sau đây: “Sinh viên khoa học cần tìm nơi dạy tư để tiếp tục học”, “Thiếu nữ học sinh Marie Curie cần tìm chỗ dạy (chương trình Pháp)… trong gia đình tử tế” (chắc cô này hoặc bạn bè đã gặp nhiều gia chủ tầm bậy, tầm bạ rồi), “Cần tìm cha mẹ hoặc anh chị nuôi để sinh viên nghèo được tiếp tục việc học…”.
Và bên cạnh là những dòng rao vặt có tính chất gia đình ảo não, mượn rao vặt thay cánh thư mực tím bằng lăng: “Em L.M, về 28 tết thì em vừa bỏ nhà ra đi. Em giận anh chuyện gì mà đến nỗi vậy. Em đi con đau, nhớ em khóc hoài, được lời nhắn này em về ngay”; “Thuý con, về gấp, mẹ nhớ con mà bệnh. Ai biết con tôi là Hồng Thúy ở đâu xin báo về địa chỉ xin hậu tạ…”.
Vui nhất là có một văn sĩ, nhà báo nổi tiếng H.H.T cũng mượn dòng rao vặt để nhắn vợ về: “Alice em, anh và con nhớ em. Anh xin tạ lỗi với em. Đọc được những dòng này anh mong em về với gia đình…”. Có lẽ cảm động vì những dòng nhắn tin mà người vợ đã trở về và hai ông bà sống hạnh phúc cho tới ngày hôm nay. Thật may mắn khi có người trở về chứ lúc ấy một số người vợ, con gái lớn trong gia đình đã ra đi vì những dòng rao vặt rất mỹ miều giao lưu văn hoá Việt – Mỹ đội lốt: “Truy tầm tình cảm nơi gặp gỡ để giao thiệp trao đổi văn hoá giữa các thiếu nữ với người trí thức ngoại quốc, hỏi địa chỉ… số điện thoại…”.
Rao vặt xin chuộc xe, không dám làm khó dễ
Để giúp đỡ cho những cuộc giả danh giao lưu văn hoá giữa trai ngoại gái Việt này còn có những trung tâm dạy Anh ngữ cấp tốc hỗ trợ: “Trung tâm X. chuyên dạy ngoại ngữ cấp tốc, học phí phải chăng chỉ trong một tháng là giao thiệp được với người ngoại quốc”. Người ngoại quốc ở đây chủ yếu là lính Mỹ. Và cũng không có gì lạ khi ta thấy có những rao vặt rao bán nhà cửa, sang nhượng hay cho mướn nhà “House for rent” khu Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Thoại (nay là Lê Văn Sỹ và Lý Thường Kiệt). Nhà cho thuê một nửa hay một phần, cả tháng hay hằng ngày có thòng thêm những câu: “có lối đi riêng”, “nhà ở vào vùng an ninh an toàn”, “có thể thuê ngày hay thuê giờ” và đặc biệt là câu: “chỉ cho ngoại kiều mướn” đầy rẫy khi mật độ lính Mỹ gia tăng.
TIN LIÊN QUAN
Gìn giữ di sản Sài Gòn qua sách và ảnh
Triển lãm trưng bày 40 bức ảnh so sánh kiến trúc, cảnh quan Sài Gòn xưa và nay của các tác giả: Phúc Tiến, Văn Phụng, Hiếu Minh, Soh Weng Yew được tổ chức tại Đường sách TP.HCM (Nguyễn Văn Bình, Q.1) bắt đầu từ sáng 17.8.
Khoảng năm 1967 – 1970, trên các mục rao vặt cũng thấy những dòng: “Snack bar cần nhiều chiêu đãi viên trẻ đẹp, cao trên một thước rưỡi, biết sơ sơ tiếng Mỹ, lương cao, có chia tiền nước. Sẽ được mượn trước một tháng lương để sắm sửa quần áo nếu có giấy tờ đầy đủ hay có người bảo lãnh”. Bên cạnh những rao vặt này cũng có rao vặt văn phòng làm giấy hôn thú cho những cặp vợ chồng Việt – Mỹ, hướng dẫn làm khai sinh cho các con vô thừa nhận với chồng Mỹ. Và khi Mỹ chuẩn bị rút quân thì lại có rao vặt các văn phòng làm thủ tục cho vợ theo chồng về Mỹ chiếm nhiều cột báo.
Để phục vụ cho các đấng mày râu ra vào phòng đấm bóp, mát xa (cũng thường xuyên đăng rao vặt tuyển thợ) lúc ấy rầm rộ trên các báo là quảng cáo sáng chế máy bơm Dove của cơ sở Hạnh Phúc. Theo như quảng cáo, chắc chắn là “nổ banh xác”, thì cái máy này có tác dụng làm cho “cái sự đời” của đàn ông giống như bây giờ các cụ, các anh sử dụng Viagra. Nghe đâu cái ông chủ cơ sở này từng là người sản xuất ra loại thuốc một thời được quảng cáo ầm ĩ: “Thuốc mọc lông, thoa đâu mọc đó”.
Thời đó, góp phần nuôi sống các tờ báo là các tay ăn cắp xe. Chắc cảnh sát “bó tay chấm com” với các tay “thổi xế” nên nạn nhân không cớ bót mà chỉ xin chuộc lại với những dòng rao vặt thảm thương: “Nhà nghèo chỉ có chiếc Honda làm vốn. Không biết anh em giang hồ nào cầm nhầm xin cho chuộc lại. Cam đoan không làm khó dễ”. Một tờ báo đã lên tiếng như sau: “Luật giang hồ lấn át luật nhà nước. Không ngày nào các báo không đăng mẫu bố cáo chuộc xe thê thảm. Hết xe hai bánh, bây giờ đến xe bốn bánh”. Báo Đời có đoạn: “Datsun 1000 deluxe bị mất đêm… tháng… năm 1970 tại số nhà đường… Xin cho chuộc với giá 300 ngàn. Hứa tôn trọng luật giang hồ. Những người mất xế hai bánh, bốn bánh không tin vào cảnh sát mà cầu cứu nữa, chỉ khẩn khoản tin tưởng lòng “nghĩa hiệp” của những tên quái xế, bọn ăn cắp xe. An ninh rách rưới đến độ xe đậu trong gara, cửa khóa chặt mà vẫn bị “thổi”. Đạo đức suy đồi đến độ bọn ăn cắp được coi như tay giang hồ mã thượng. Không biết đọc những rao vặt chuộc xế, cảnh sát công an nghĩ sao?”.
Đến giờ những dòng rao vặt chuộc xe trên báo không thấy xuất hiện. Có lẽ người ta không tin lòng nghĩa hiệp của các tay “giang (giảo) hồ” thổi xế này nữa.
Lê Văn Nghĩa
Ảnh: L.V.N