Hết cho nộp lợi bất chính để tồn tại nhà trái phép
Theo nghị định 139/2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018) về xử phạt vi phạm xây dựng, không còn việc công trình trái phép được nộp lợi bất hợp pháp để khỏi tháo dỡ.
Hết cho nộp lợi bất chính để tồn tại nhà trái phép.
Theo nghị định 139/2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018) về xử phạt vi phạm xây dựng, không còn việc công trình trái phép được nộp lợi bất hợp pháp để khỏi tháo dỡ.
Xây không phép: phạt đến 30 triệu đồng
Theo nghị định 139/2017, mức phạt tiền các cá nhân vi phạm về trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị hầu hết tăng gấp đôi so với quy định hiện tại.
Cụ thể, hành vi tổ chức thi công xây dựng không che chắn, hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000-1 triệu đồng.
Hành vi tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (đối với trường hợp được cấp phép sửa chữa, cải tạo); 10-20 triệu đồng (đối với trường hợp được cấp phép xây dựng mới).
Hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng bị phạt 20-25 triệu đồng… Hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng bị phạt 20-30 triệu đồng.
Riêng hành vi xây dựng công trình không phù hợp nội dung quy hoạch xây dựng được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng, sai cốt xây dựng, lấn chiếm diện tích, không gian thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác bị phạt 50-60 triệu đồng.
Vi phạm cũ: nhà riêng lẻ không phải nộp tiền
Đáng lưu ý là nghị định 139/2017 không có quy định về việc các công trình xây dựng trái phép được nộp lợi bất hợp pháp để được điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp hay được cấp mới giấy phép xây dựng nhằm khỏi phải tháo dỡ phần xây dựng trái phép.
Theo đó, đối với các vi phạm nêu ở trên (trong đó các hành vi xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt thì chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Trong trường hợp việc xây sai phép, không phép đang được thực hiện, chủ đầu tư bị lập biên bản yêu cầu dừng thi công, được dành 60 ngày kể từ ngày lập biên bản để xin điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này mà không xuất trình được giấy phép xây dựng phù hợp thì phải tháo dỡ phần vi phạm.
Tuy nhiên, những công trình xây sai phép, không phép đã kết thúc việc xây dựng trước ngày 15-1-2018 (ngay cả khi đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng chưa thực hiện) và đáp ứng được một số điều kiện theo quy định thì vẫn được cho nộp số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần vi phạm để khỏi tháo dỡ phần diện tích vi phạm.
Riêng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp này thì chủ nhà không phải nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép.
Các điều kiện nói trên là không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Từ sau ngày
15-1-2018, khi đã được điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc được cấp giấy phép xây dựng nhằm được giữ lại các phần vi phạm phù hợp mà tiếp tục vi phạm, những trường hợp này sẽ bị xử lý theo quy định mới của nghị định 139/2017.
Cũng theo nghị định 139, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ quy định chi tiết các trường hợp và cách tính số lợi bất hợp pháp để các chủ đầu tư có căn cứ thực hiện.
Dùng căn hộ để kinh doanh: phạt đến 40 triệu đồng
Luật nhà ở 2014 cấm dùng nhà chung cư vào mục đích kinh doanh, nhưng trong thời gian dài không có quy định chế tài.
Vì lẽ này mà một số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện… đã tổ chức kinh doanh tại căn hộ chung cư gây phiền toái cho các cư dân, đến khi có lệnh trục xuất của chính quyền thì lần lữa không chấp hành.
Với sự bổ sung của nghị định 139/2017 thì từ ngày 15-1-2018, hành vi “sử dụng chung cư không phải vào mục đích để ở” bị phạt tiền 30-40 triệu đồng.
Mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân phạt bằng 1/2 mức này.