Tự phục vụ, học nhiều điều hay
Phản hồi bài viết “Tự dọn chén đĩa ở quán ăn: nước ngoài làm được, còn ta?, nhiều ý kiến cho rằng nên phổ biến hình thức tự phục vụ bữa ăn này ở các trường học, nhà ăn của doanh nghiệp, bệnh viện, ăn buffet nơi công cộng…
Tự phục vụ, học nhiều điều hay.
Phản hồi bài viết “Tự dọn chén đĩa ở quán ăn: nước ngoài làm được, còn ta?, nhiều ý kiến cho rằng nên phổ biến hình thức tự phục vụ bữa ăn này ở các trường học, nhà ăn của doanh nghiệp, bệnh viện, ăn buffet nơi công cộng…
Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu:
Giúp học sinh thói quen tự lập
Cô Lê Thị Mỹ Anh (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, TP.HCM):
Những năm gần đây, trường chúng tôi đã áp dụng hình thức tự phục vụ bữa cơm trưa cho các em học sinh khối 4 và 5.
Các em sẽ phân chia nhau xếp ghế ngồi, rồi xếp hàng tự lấy khẩu phần ăn; sau khi ăn xong thì tự mình bỏ thức ăn thừa, dọn dẹp bàn ghế và đưa khay thức ăn đến vị trí các cô bảo mẫu quy định.
Ban đầu, nhà trường chỉ triển khai cho học sinh khối 5 rồi quan sát và đánh giá hiệu quả chứ chưa dám thực hiện đại trà. Chỉ sau một tuần các em đã đi vào nề nếp, ăn uống, dọn dẹp đều rất nhanh gọn, sạch sẽ.
Các em học sinh khối 4 cũng xin thầy cô được tự phục vụ vì thấy các anh chị tự phục vụ như vậy vui quá. Ở trường tôi, các em rất thích được tự mình chọn món ăn và dọn dẹp, như vậy các em thấy mình “người lớn” hơn.
Tuy nhiên ở nước ngoài, như Nhật Bản chẳng hạn, trẻ em đã được tập thói quen tự ăn, tự dọn khay từ bậc mầm non thì tại sao ở Việt Nam không làm được?
Tôi thấy học sinh của tôi hoàn toàn có thể làm được và làm tốt là đằng khác. Nhà trường đã không hề gặp khó khăn gì khi áp dụng tự phục vụ cho học sinh khối 4 và 5.
Với thói quen được rèn luyện từ nhỏ như vậy, nó sẽ trở thành một phần lối sống của các em. Tuy nhiên, để hình thành được thói quen tự lập thì việc rèn giũa, thực hiện ở nhà trường thôi chưa đủ, mà cần có thêm sự kết hợp của phụ huynh.
Hiện nay, nhiều phụ huynh không cho con cái làm bất kỳ công việc nhà nào với lý do “chỉ cần tập trung cho việc học”, hoặc “vướng tay”, hoặc do cưng chiều con quá mức. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tư duy nhận thức của các em.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cũng cần phải thay đổi suy nghĩ, rèn luyện cho trẻ làm những công việc nhà trong khả năng của trẻ như gấp chăn, dọn giường, bàn học, quét nhà hay phụ mẹ nấu cơm… “Gieo thói quen, gặt tính cách” chính là như vậy.
Bà Phạm Thị Dung (chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Kollan Việt Nam, Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Công ty chúng tôi có hơn 2.400 công nhân cùng làm việc nên phải chia giờ ăn trưa làm bốn thời điểm vì nhà ăn không đủ chỗ phục vụ cùng lúc. Bữa ăn giữa ca được tổ chức vào các khung giờ 11h10, 11h30, 12h và 12h15.
Các công nhân được phục vụ suất ăn công nghiệp từ một công ty đối tác với thức ăn đã được chia sẵn theo khẩu phần. Họ sẽ tự đến khu vực lấy khay thức ăn, xếp hàng lấy cơm và đến bàn ăn, ăn xong tự dọn gọn gàng, đậy nắp khay và mang khay để vào nơi quy định.
Chúng tôi không thuê người dọn dẹp khu vực bàn ăn và luôn dán bảng nhắc nhở công nhân lấy cơm đủ để không lãng phí, không vứt giấy bừa bãi. Công nhân đông và chia nhiều ca nên nếu phải thuê người dọn dẹp sẽ tốn chi phí không nhỏ và mất thời gian chờ.
Trong khi việc dọn dẹp, ý thức giữ bàn ăn, nhà ăn sạch sẽ không tốn bao nhiêu công sức nếu từng người tự làm và sẽ có chỗ cho nhóm sau vào ăn ngay.
Phải học cách ăn
Ông Nguyễn Văn Mỹ – Ảnh: NVCC
Tôi rất thú vị khi đọc bài “Tự dọn chén đĩa ở quán ăn” của tác giả Minh Khuê. Tự phục vụ hoặc ăn xong thu dọn cho gọn gàng, không bỏ thức ăn thừa mứa… là thói quen tốt khi ăn uống, thể hiện thái độ văn minh, lịch sự. Việc làm này không phải chỉ để tiết kiệm mà còn để thay lời cảm ơn, giúp người phục vụ đỡ vất vả.
Tôi nghĩ nên áp dụng cách làm này ở những nơi có đông người ăn uống như trường học, nhà ăn công nhân, nhà ăn bệnh viện, đặc biệt là ở các bữa ăn buffet nơi công cộng…
Phải nói rằng nhiều người Việt chưa biết cách ăn uống nơi công cộng. Điều này rất dễ nhận thấy ở nhiều bữa tiệc buffet xứ mình với hình ảnh xô bồ, ồn ào, bỏ rác vương vãi, thức ăn thừa, chén đĩa lộn xộn…
Có người nói rằng cách ăn uống chưa lịch sự của nhiều người Việt xuất phát từ tâm lý “đã bỏ tiền ra thì phải ăn xài cho nó lỗ” hay thói quen thích làm “khó dễ” mấy người phục vụ khá phổ biến trong du khách Việt. Cũng có người biện minh là do kinh tế, rằng “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Tôi nghĩ rằng phép lịch sự, văn hóa nơi công cộng không tùy thuộc vào học vấn hay giàu nghèo. Những việc này ít nhiều liên quan tới cách giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Ngay từ ở mẫu giáo, các cháu được giáo dục và rèn luyện rất kỹ, từ việc nhỏ đến chuyện lớn, từ việc để giày dép đúng chỗ đến việc thu dọn đồ chơi, chiếu gối, xếp ghế, chén đĩa, ly tách đến việc đi vệ sinh…
Đáng tiếc là những nội dung này dần bị mai một trong nhà trường theo từng cấp học. Về nhà và ra xã hội, các cháu lại chẳng những không được khuyến khích, mà có khi lại thấy người lớn làm ngược lại, nên lớn lên lại hành xử lệch lạc đi.
Cha ông mình từng dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn là nội dung đầu tiên cần phải học khi đứa bé bắt đầu biết nhận thức. Cũng mong nhiều người nghiêm túc học lại việc này và hãy bắt đầu từ việc tạo thói quen tốt khi ăn uống nơi đông người.
NGUYỄN VĂN MỸ