Thay vì cấm, sao không giúp trẻ lướt web an toàn?
Nhờ Internet, trẻ em có thể tìm kiếm thông tin để hoàn thành các đề tài học tập, liên lạc với giáo viên và bạn học, chơi các trò chơi giáo dục tương tác… Tuy nhiên, điều kiện kết nối này cũng có nhiều nguy cơ.
Thay vì cấm, sao không giúp trẻ lướt web an toàn?
Nhờ Internet, trẻ em có thể tìm kiếm thông tin để hoàn thành các đề tài học tập, liên lạc với giáo viên và bạn học, chơi các trò chơi giáo dục tương tác… Tuy nhiên, điều kiện kết nối này cũng có nhiều nguy cơ.
Nhằm góp thêm một góc nhìn chúng tôi xin giới thiệu chia sẻ của thầy giáo BEN MAWDSLEY – một giáo viên người Canada đang dạy học tại TP.HCM.
Dạy con khôn ngoan trên mạng
Các em cần được hướng dẫn cách lướt web an toàn để không gây hại cho bản thân mình trong hiện tại cũng như tương lai lâu dài.
“Trong thời buổi này chúng ta không thể kiểm soát hết mọi thứ các em làm. Tôi nghĩ cha mẹ nên nói chuyện với các em một cách có trách nhiệm và tôn trọng: “Con đã lớn rồi, con phải khôn ngoan trên mạng giống như khi ra ngoài đường”.
Ben Mawdsley
Tôi là một trong những người nước ngoài đến Việt Nam để dạy ngoại ngữ. Khi người lạ nhìn vào trang mạng xã hội của tôi, họ sẽ dễ dàng nhận ra tôi là người nước ngoài.
Họ cũng có thể thấy rằng tôi còn trẻ và có bề ngoài dễ coi. Vì lý do này, mỗi ngày có nhiều người tôi không quen liên lạc với tôi, bày tỏ việc họ muốn học tiếng Anh với tôi.
Hãy suy nghĩ về điều này một chút, sẽ thế nào nếu những thông tin cá nhân này là giả mạo? Sẽ thế nào nếu bạn nói chuyện với một người khác với con người mà bạn nghĩ bạn đang tiếp xúc?
Đây là những câu hỏi ta nên tự đặt ra cho mình và cho những người trẻ. Cảnh giác là hết sức cần thiết. Thời đại thiếu hiểu biết về Internet đã qua rồi. Tin tưởng người lạ mù quáng trên mạng cũng nguy hiểm như ở ngoài đường.
Tại Hoa Kỳ, 17% thanh thiếu niên cho biết các em từng bị người lạ làm quen trên mạng bằng những hình thức khiến các em sợ hãi hoặc không thoải mái; 30% thanh thiếu niên cho biết các em nhận được các mẫu quảng cáo không phù hợp lứa tuổi; 39% thanh thiếu niên thừa nhận đã nói dối tuổi để truy cập vào các trang web.
Hoàn toàn có thể chắc rằng con số ở Việt Nam còn cao hơn nữa. Vì vậy việc ý thức được con bạn đang xem, nghe, đọc, gặp ai và chia sẻ điều gì về bản thân trên mạng là rất quan trọng.
Cũng giống như những vấn đề an toàn khác, cha mẹ nên nói chuyện với con cái về nỗi lo của mình, tận dụng nguồn tài nguyên bao la để giúp đỡ các em. Chúng ta phải dõi theo những hoạt động của các em trên mạng, thậm chí nếu cần thì phải can thiệp.
Nhưng rõ ràng là ta không thể kiểm soát hết mọi thứ các em làm. Tôi nghĩ cha mẹ nên nói chuyện với các em một cách có trách nhiệm và tôn trọng: “Con đã lớn rồi, con phải khôn ngoan trên mạng giống như khi ra ngoài đường”.
Tránh lưu dấu vết xấu
Cha mẹ cũng nên giúp các bạn trẻ hiểu độ lâu bền của Internet. Không có dấu vết nào là thực sự bị xóa đi. Các em phải suy nghĩ cẩn thận về những gì các em đăng tải và chia sẻ trên mạng. Các em không nên đăng bất cứ thứ gì về bản thân mà các em không muốn nhà tuyển dụng tiềm năng trong tương lai 5, 10 hoặc 15 năm sau đọc được.
Phần lớn các doanh nghiệp lớn hiện nay đều bắt buộc kiểm duyệt tiền sử mạng xã hội của nhân viên, có doanh nghiệp dành hẳn một bộ phận để tìm kiếm dữ liệu trên mạng của nhân viên.
Jobvite.com (trang web về tuyển dụng) thực hiện khảo sát tuyển dụng hằng năm, cho thấy 93% giám đốc tuyển dụng sẽ xem xét thông tin trên mạng xã hội của ứng viên trước khi ra quyết định tuyển dụng.
Phần xem xét này rất quan trọng. 55% giám đốc đã cân nhắc lại ứng viên theo những gì họ tìm thấy, với 61% trường hợp là theo hướng tiêu cực.
Theo những người trả lời khảo sát, điều tồi tệ nhất là ai đó nhắc đến ma túy, dù là bài đăng vô tư lấy cảm hứng từ một bộ phim hoặc âm nhạc. 83% nhà tuyển dụng cho rằng điều này gây ảnh hưởng xấu đến phần ứng tuyển của người đăng bài.
Những bài đăng “gợi dục” cũng nằm trong danh sách “những thứ rõ ràng không được làm”, với 70% nhà tuyển dụng cho rằng sẽ không thích bạn và chỉ 1% là ủng hộ bạn.
2/3 số người khảo sát cũng cho Jobvite biết rằng những bài đăng có nội dung xúc phạm có ảnh hưởng rất xấu, hơn một nửa không thích những bài đăng về súng đạn, và 44% lo ngại về những bài đăng liên quan đến rượu.
Cẩn trọng khi kết bạn trên mạng
Hơn 90% trẻ em Hoa Kỳ đã sử dụng một loại mạng xã hội nào đó, và hơn 80% các em có thông tin cá nhân trên một trang mạng xã hội. Điều này có vẻ bình thường với nhiều người, nhưng ta phải luôn nhớ rằng có nhiều người sử dụng Internet với ý đồ xấu và sử dụng những trang này với mục đích phát tán hình ảnh trẻ em đồi truỵ, bán dâm, và mưu toan lạm dụng tình dục trẻ em.
Ở các quốc gia có nền giáo dục thường xuyên đề cập đến an toàn không gian mạng, các em sẽ không hay gặp vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trẻ em Việt Nam thường hay chấp nhận kết bạn trên Facebook với những người lạ. Chúng ta, với tư cách là những người trưởng thành tại Việt Nam, có trách nhiệm giáo dục các em nhỏ tránh mối nguy này.