29/11/2024

Đất ở mà chỉ được xây dựng tạm, dỡ không được đền bù

Đất có mục đích sử dụng là đất ở, nhưng khi xin giấy phép xây dựng chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (giấy phép xây dựng tạm), cam kết tháo dỡ không bồi thường bất cứ lúc nào.

Đất ở mà chỉ được xây dựng tạm, dỡ không được đền bù.

 Đất có mục đích sử dụng là đất ở, nhưng khi xin giấy phép xây dựng chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (giấy phép xây dựng tạm), cam kết tháo dỡ không bồi thường bất cứ lúc nào.


Đất ở mà chỉ được xây dựng tạm, dỡ không được đền bù - Ảnh 1.

Môt căn nhà của người dân phải chấp nhận xây dựng tạm trong khu dân cư Bình Chiểu 1, P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) – Ảnh: XUÂN HƯNG

Đó là trường hợp nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM có đất vướng phải quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.

Khốn khổ khi mua đất phân lô

Tháng 9-2017, ông N.V.V. (Q.Thủ Đức) mua nền đất rộng khoảng 55m2 tại một khu đất phân lô bán nền ở hẻm 185 đường Ngô Chí Quốc, khu phố 2, P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức). Khi lên xin giấy phép xây dựng, ông được UBND quận cho hay thửa đất này nằm trong quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, theo quy định chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm. 

Ông V. phải ký cam kết tự tháo dỡ, không bồi thường phần công trình theo giấy phép tạm. Ngoài ra, khi xây xong không được hoàn công như giấy phép chính thức.

 

 

Ông V. chia sẻ có nhu cầu xây nhà ổn định để ở nên khi mua đất ông hỏi rất kỹ. Thời điểm mua, phòng quản lý đô thị quận thông tin thửa đất được cấp phép xây dựng chính thức nên ông mới mua. Không ngờ, mua xong lại phải xây dựng tạm. 

“Bao nhiêu tiền dành dụm đưa ra mua đất, giờ muốn xây nhà cũng phải vay mượn ngân hàng. Vậy mà giờ chỉ cho xây tạm, không biết tháo dỡ khi nào, lại không được đền bù thì ai dám liều mà xây” – ông V. thở dài.

Gần đó, ông L.Q.D. (Q.Thủ Đức) mua một lô đất trong khu đất trên cũng đang đau đầu khi biết thửa đất chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Ông D. cho hay toàn bộ khu đất có tổng cộng 40 nền đất đã được chủ đất chuyển nhượng hết cho người dân. Hiện trên khu đất có 9 căn nhà được xây. 

Trong đó, 4 căn xây theo giấy phép chính thức, số còn lại đều xây theo giấy phép tạm. UBND quận cho người dân tách thửa, phân lô bán nền, toàn bộ giấy chứng nhận đều ghi là đất ở đô thị, thời gian sử dụng lâu dài, trước đó đều được cấp giấy phép xây dựng chính thức. 

Những hộ xin sau này đều phải xin giấy phép xây dựng tạm, chấp nhận cam kết tháo dỡ thì được xây, không thì đành bỏ trống đất.

Đại diện Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức cho hay Q.Thủ Đức đang đề xuất TP cho xây dựng quy chế quản lý kiến trúc chung của quận để cấp giấy phép chính thức theo các chỉ tiêu quy hoạch quy định trước. Khi đó, các khu đất thuộc khu dân cư xây dựng mới mới có cơ hội cấp giấy phép chính thức. 

“Nếu được chấp thuận, chậm nhất phải đến quý 1-2018 mới có thể hoàn thành quy chế này” – vị này nói.

Đất hỗn hợp cũng vướng

Tháng 12-2016, ông T.H.V. mua lô đất diện tích hơn 180m2, thuộc thửa số 28, đường Lương Minh Nguyệt, P.Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú). Lô đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất năm 2012. Ông V. dự định xây cao ốc văn phòng cho thuê, quy mô 12 tầng. 

Sau đó, ông V. lên quận tham khảo thông tin được cán bộ quận cho biết khu đất của ông được cấp giấy phép tối đa 9 tầng. Do chưa đạt được mong muốn nên ông V. chưa xin giấy phép. Tuy nhiên, đến tháng 7-2017, ông V. có nhu cầu xây dựng lại nhưng quận thông báo chỉ cho phép xây dựng tạm, quy mô tối đa 3 tầng.

Nhiều người dân sinh sống tại các quận nội thành cũng gặp khó khăn khi đất vướng phải quy hoạch đất hỗn hợp. Đất người dân tạo lập, sinh sống ổn định từ lâu, nay muốn xây mới cũng chỉ được xây dựng tạm. 

Đại diện UBND Q.3 cho biết trên địa bàn quận có một số khu hiện trạng lụp xụp được quận đưa vào quy hoạch đất hỗn hợp để sau này dễ cho việc chỉnh trang. Trước đây, các khu vực này vẫn được cấp phép xây dựng chính thức. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định chỉ được cấp giấy phép tạm.

Đất ở mà chỉ được xây dựng tạm, dỡ không được đền bù - Ảnh 2.

Những căn nhà hai bên được xây dựng cách đây vài năm thì được cấp phép xây dựng vĩnh viễn. Riêng khu đất ở giữa chỉ được cấp phép xây dựng tạm thời – Ảnh: XUÂN HƯNG

Không công bằng quyền lợi cho người dân?

Ông Trần Trọng Tuấn – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết theo quy định hiện nay, đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới phải có quy hoạch chi tiết 1/500 mới được cấp phép xây dựng chính thức. Còn đất thuộc khu quy hoạch đất hỗn hợp cần phải xác định rõ chức năng từng ô phố, chỗ nào đất ở, chỗ nào đất cây xanh thì mới cấp giấy phép chính thức.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, cho biết mục đích quy hoạch các khu vực đất hỗn hợp là để làm “mềm” quy hoạch. Tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, khu đất đó trong tương lai có thể sử dụng cho nhiều mục đích như đất ở, thương mại, giáo dục, sản xuất không ô nhiễm… 

Quy định trước đây cho phép cấp giấy phép xây dựng chính thức cho khu quy hoạch đất hỗn hợp, khu dân cư xây dựng mới. Nhưng quy định này đã bị loại bỏ khiến các quận, huyện lúng túng trong cấp phép xây dựng cho người dân.

Theo ông Toàn, quan điểm của Sở Quy hoạch – kiến trúc là nên giữ quy định cho phép cấp giấy phép xây dựng chính thức trong khu quy hoạch hỗn hợp, khu dân cư xây dựng mới. Người dân có nhà đất tạo lập trước quy hoạch cần được ứng xử như đất trong khu dân cư hiện hữu. Khi có điều kiện làm các dự án, chủ đầu tư đền cho người dân.

TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam): Nên để người dân xây dựng bình thường

Quy hoạch có quy hoạch gần, quy hoạch xa. Trong đó, những quy hoạch dài hơi chỉ là dự báo phát triển khu đất đó trong tương lai. Quá trình phát triển thị trường, các dự báo đó có thể sai, cần điều chỉnh.

Quản lý là làm cho thị trường thông suốt, chứ không phải làm cho thị trường đình trệ. Do vậy, nếu quy hoạch thực hiện trong vòng 5 năm thì Nhà nước có thể đưa ra những quy định hạn chế xây dựng, còn quy hoạch lâu năm hơn thì phải để người dân xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng… bình thường.

TIẾN LONG – ÁI NHÂN