28/11/2024

Công bằng và chất lượng giáo dục đang bị ảnh hưởng

Trước sự phát triển mới của giáo dục – đào tạo hiện nay, sự công bằng trong tiếp cận giáo dục có nguy cơ bị đe doạ.

 

Công bằng và chất lượng giáo dục đang bị ảnh hưởng.

Trước sự phát triển mới của giáo dục – đào tạo hiện nay, sự công bằng trong tiếp cận giáo dục có nguy cơ bị đe doạ.

 

 

 

Học sinh một trường ngoài công lập tại TP.HCM. Theo thống kê, tổng số học sinh tiểu học và THCS của hệ thống này chỉ chiếm 1% trong cả nước /// Ảnh : Đào Ngọc Thạch

 

Học sinh một trường ngoài công lập tại TP.HCM. Theo thống kê, tổng số học sinh tiểu học và THCS của hệ thống này chỉ chiếm 1% trong cả nướcẢNH : ĐÀO NGỌC THẠCH

Giáo dục VN và thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa và đứng trước nhu cầu cấp bách phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Công bằng trong giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách ban hành nhằm hỗ trợ con em người dân tộc thiểu số, con em các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hỗ trợ trẻ em gái và các đối tượng thiệt thòi trong xã hội như chính sách miễn giảm học phí, chính sách cho học sinh nghèo vay vốn đi học, chính sách đầu tư giáo dục cho vùng khó khăn…
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, VN đang đứng trước thách thức tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Điều này đã dẫn tới sự mất cân bằng về chất lượng giáo dục.
Chênh lệch cơ hội đến trường giữa học sinh các vùng miền
Kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 cho thấy tỷ lệ người dân chưa từng đi học trong dân số từ 15 tuổi trở lên toàn quốc là 5,3%, trong đó, vùng trung du và miền núi phía bắc là 11,1%, đồng bằng sông Hồng 1,9%, bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 4,7%, Tây nguyên 10%, Đông Nam bộ 3% và đồng bằng sông Cửu Long 7,3%.
Ở các vùng như Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, một bộ phận trẻ em phải đi lao động sớm nên tỷ lệ bỏ học cấp tiểu học và THCS khá cao. Trình độ học vấn của người dân có chênh lệch rất lớn giữa vùng thành thị và nông thôn và giữa các vùng trong cả nước, đặc biệt là 2 vùng Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng thấp nhất của cả nước.
Trước thực tế này, cần phải thực hiện miễn học phí đối với tất cả các cấp học phổ cập, bao gồm trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh (HS) cấp THCS. Nhà nước cần ban hành luật Phổ cập giáo dục THCS bắt buộc thay cho luật Giáo dục phổ cập tiểu học bắt buộc. Trong đó, quy định xử phạt rõ ràng đối với những người vi phạm, tức cản trở hoặc không cho con cái đi học trong độ tuổi bắt buộc. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đi học cho những con em gia đình khó khăn, không đủ điều kiện đi học. Tăng học phí đối với cấp THPT, để sau THCS chỉ một bộ phận (70%) đi học THPT, còn lại (30%) đi học các trường nghề.
Bất công trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao
Hiện nay hầu hết các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và trường phổ thông chất lượng cao tập trung ở thành phố, thị xã, khu đô thị lớn còn vùng nông thôn và các tỉnh lẻ rất ít. Theo một nghiên cứu năm 2014 của TS Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, VN có 96 trường quốc tế, đứng thứ 12 châu lục và thứ 4 khu vực ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Các trường quốc tế này chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh có nhưng rất ít.
Mặc dù nhà nước đã đầu tư rất lớn cho giáo dục vùng khó, tuy nhiên, hiện nay ở các vùng núi, vùng hải đảo, vùng khó khăn trường học xuống cấp do thiên tai, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại rất khó khăn nên đội ngũ giáo viên (GV) giỏi thường xin chuyển về thành phố, thị xã nên các vùng khó khăn thiếu về cả số lượng và chất lượng GV.
Để giải quyết thực trạng này, các trường ở trong cả nước cần tận dụng khả năng công nghệ thông tin, năng lực và trình độ GV để giảm khoảng cách giữa trường học ở các vùng miền.
Chưa công bằng giữa công lập và tư thục
Trong giai đoạn vừa qua, nhà nước đã khuyến khích mở rộng hệ thống các trường tư thục và có một số chính sách hỗ trợ cho trường tư nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
HS trường công lập được học trong môi trường cơ sở vật chất và đội ngũ GV tốt nhưng đóng học phí thấp. HS các trường tư thục có một số trường chất lượng không cao nhưng phải đóng học phí cao. Điều này sẽ khó khăn đối với số HS con em lao động, nhà nghèo phải học trường tư.
Cho đến nay, hệ thống giáo dục quốc dân đã phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu cơ bản học tập của người dân. Đến năm học 2016 – 2017, hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và đại học như sau:
Đối với mầm non, cả nước có 14.881 trường, trong đó có 2.287 trường tư thục (chiếm 15,3%). Số trẻ đi học là 5.085.635, trong đó ngoài công lập là 836.153, chiếm tỷ lệ 16,4%.
Công bằng và chất lượng giáo dục đang bị ảnh hưởng - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Giáo dục nghề nghiệp phải chuyển từ ‘phí’ sang ‘giá’

Tổng cục Giáo dục nghề nghiêp và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thuộc ‘Chương trình Đổi mới đào tạo nghề VN’ phối hợp tổ chức hội thảo Phạm vi hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp – kinh nghiệm CHLB Đức.
Giáo dục tiểu học có 15.052 trường, trong đó có 113 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 0,75%. Có 7.801.560 HS, số ngoài công lập là 68.242, chiếm tỷ lệ 0,9%.
Giáo dục THCS có 10.928 trường, trong đó có 55 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 0,5%. Có 5.235.524 HS, ngoài công lập là 56.695, chiếm tỷ lệ 1,1%.
Cấp THPT gồm 2.811 trường, gồm có 435 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 15,5%. Số HS là 2.477.175, ngoài công lập là 186.246, tỷ lệ 7,5%.
Giáo dục đại học có số trường là 235, gồm 65 trường tư thục, chiếm tỷ lệ 27,7%. Số sinh viên là 1.767.879, trong đó tư thục 243.987 người, chiếm 13,8%.
Qua số liệu nêu trên cho thấy HS tiểu học và THCS trường tư thục chỉ chiếm 1% trong tổng số HS nên nhà nước cần hỗ trợ HS đi học các trường tư thục ngang với HS trường công. Tương tự, cần có chính sách công bằng giữa HS và GV ngoài công lập với công lập.
Ngoài ra, nhà nước cần ưu tiên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở trường tư thục chất lượng cao.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh