Đề xuất giữ nguyên trạng nơi cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội
Sở Văn hoá – thể thao Hà Nội kiến nghị TP giữ nguyên trạng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối – nơi những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội.
Đề xuất giữ nguyên trạng nơi cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội.
Sở Văn hoá – thể thao Hà Nội kiến nghị TP giữ nguyên trạng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối – nơi những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội.
Khai quật khảo cổ học tại di chỉ Vườn Chuối – Ảnh: PGS.TS Nguyễn Văn Huy cung cấp
Ngày 7-12, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hoá – thể thao Hà Nội ký văn bản gửi UBND TP về việc di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức đang có nguy cơ bị xoá sổ.
Giữ nguyên trạng di chỉ Vườn Chuối
Văn bản cho biết ngày 5-12, báo Tuổi Trẻ Online có bài Di chỉ những cư dân đầu tiên sinh sống ở Hà Nội sắp bị xoá sổ, trong đó nêu ý kiến của PGS. TS Nguyễn Văn Huy đề nghị thành phố “có kế hoạch cũng như biện pháp khẩn cấp bảo vệ khu di chỉ Vườn Chuối”.
Ngày 5-12, Sở Văn hoá – thể thao phối hợp cùng UBND huyện Hoài Đức đã kiểm tra hiện trạng tại di chỉ Vườn Chuối.
Sở Văn hoá – thể thao cho biết địa điểm Vườn Chuối là một trong những địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hoá Đồng Đậu trên địa bàn Hà Nội.
Địa điểm này được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật lần đầu tiên năm 1969. Từ đó đến nay, địa điểm này được một số cơ quan tiến hành khai quật, nghiên cứu.
Lần khai quật gần đây nhất vào tháng 12-2013 do Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hà Nội phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thực hiện.
Những đợt khai quật đã thu được hiện vật khảo cổ gồm đồ đá, đồ đồng, đồ gốm của văn hoá Đồng Đậu.
Giai đoạn văn hoá Đồng Đậu (khoảng 1.500 – 1.00 năm trước Công Nguyên) là một trong bốn giai đoạn phát triển của văn hoá Đông Sơn – từ sơ kỳ thời Đại Đồng đến sơ kỳ thời đại sắt.
Về hiện trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối, Sở Văn hoá – thể thao cho biết hiện nay, toàn bộ khu di chỉ Vườn Chuối nằm trong dự án khu đô thị của công ty xây dựng Thăng Long 9 làm chủ đầu tư.
Trên toàn bộ khu di chỉ chưa có hiện tượng xây dựng các công trình lên trên. Các khu đất trống của di chỉ đang được một số hộ dân trồng cây hoa màu, trong khi dự án chưa được thực hiện.
Khu vực liền kề di chỉ có một số doanh nghiệp đổ và san gạt các chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng.
Vì vậy, Sở Văn hoá – thể thao đề xuất UBND TP đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần thương mại – xây dựng Việt Nam bảo vệ và giữ nguyên trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối như hiện nay cho đến khi có ý kiến của TP đối với việc bảo tồn di chỉ khảo cổ này.
Trong quá trình cải tạo, xây dựng khu vực khác mà thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.. thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời đến huyện Hòai Đức để được phối hợp, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Ban quản lý dự án phối hợp với Sở Văn hoá – thể thao, UBND huyện Hoài Đức nghiên cứu, đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối.
Sở cũng kiến nghị thành phố cho phép sưu tầm tư liệu, hồ sơ khai quật di chỉ ở Vườn Chuối, tổ chức đoàn chuyên gia khảo sát hiện trạng, tổ chức toạ đàm khoa học đánh giá giá trị, hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn, làm cơ sở để đề xuất, tham mưu thành phố về việc bảo tồn di chỉ Vườn Chuối.
Dự kiến thời gian thực hiện lập hồ sơ từ tháng 12-2017 đến quý 1 năm 2018.
Trước đó, ngày 4-12, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gửi thư đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị khẩn thiết bảo tồn khẩn cấp khu di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối.
Ông Huy đánh giá: “Tây là địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cử lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội, một điều hết sức hiếm hoi ở thủ đô một quốc gia. Đồng thời hơn nữa nó còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền – sơ sử.
Ông Huy đề xuất trước hết cần lập hồ sơ đánh giá để sớm đưa di chỉ này vào danh mục di tích lịch sử, văn hoá cần bảo tồn khẩn cấp. Sau đó, thành phố cần làm việc với Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần Thương mại Việt Nam để có phương án bảo tồn di chỉ văn hoá này.
“Nếu không, khi công trường xây dựng triển khai đầu năm 2018 thì di chỉ khảo cổ học quý này sẽ bị phá huỷ hoàn toàn”, ông Huy viết cuối thư.