Nhiều công trình giao thông mới đưa vào khai thác tại TP.HCM đã bị xuống cấp khiến dư luận đặt vấn đề chúng đã bị ‘rút ruột’ khi thi công.
Hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM xuống cấp bất thường.
Nhiều công trình giao thông mới đưa vào khai thác tại TP.HCM đã bị xuống cấp khiến dư luận đặt vấn đề chúng đã bị ‘rút ruột’ khi thi công.
Đường mới làm xuống cấp “không phanh”
Theo ghi nhận của chúng tôi, đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh đến đường Võ Trần Chí thuộc H.Bình Chánh) dù mới đưa vào khai thác nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn có những vết nứt, thậm chí có đoạn xuất hiện hố sâu.
Dự án này trước đây do Bộ GTVT quản lý, Tổng công ty Cửu Long làm chủ đầu tư, sau này mới bàn giao lại cho Sở GTVT TP.HCM.
Đặc biệt, đoạn từ trạm thu phí về phía TP.HCM bị lún so với mặt đường đến nửa gang tay, tạo thành các điểm nhấp nhô, có những khu vực mất hẳn lớp nhựa đường, lún sâu, lởm chởm đá… khiến nhiều ô tô khi lưu thông gầm xe va chạm mặt đường, phải giảm tốc độ đột ngột, rất dễ xảy ra tai nạn.
Đường dẫn làm sau cao tốc mà hư trước chứng tỏ có vấn đề
Chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh
Nhiều đoạn hư hỏng mới được “vá” tạo thành các vết chằng chịt. Ông Nguyễn Văn Tạo, một người dân địa phương, cho biết tuyến đường này đưa vào sử dụng mấy năm nay nhưng mới được thời gian ngắn lại lún, sụt khiến xe cộ đi lại rất khó khăn.
Cũng tại khu vực phía tây TP.HCM, đường Trần Văn Giàu (H.Bình Chánh và Q.Bình Tân) đoạn từ đường dẫn lên đường cao tốc đến vòng xoay tỉnh lộ 10 được gọi là con đường “thiếu máu” bởi mới đưa vào sử dụng cuối năm 2015 nhưng đã xuống cấp nặng nề. Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn đường trên dài khoảng 2 km, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, hầu hết mặt đường bị bong tróc lớp nhựa. Một người dân cho biết: “Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do đường xuống cấp quá nhanh, nhất là khi trời mưa, nước ngập, người điều khiển phương tiện không nhìn thấy hố sâu để tránh”.
Tương tự là đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước (H.Nhà Bè). Đây là tuyến đường dẫn vào KCN Hiệp Phước nên mật độ xe container, xe tải qua lại dày đặc. Hiện tuyến đường xuất hiện nhiều hố rộng cả chục mét.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh sẽ thay thế những cán bộ để xảy ra tình trạng lấn chiếm trật tự lòng lề đường, vỉa hè.
Cao tốc chưa hư, đường dẫn đã hỏng
Theo Sở GTVT TP.HCM, nguyên nhân khiến đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ xuống cấp nhanh chóng là do không có cống thoát nước, cộng với xe tải trọng lớn lưu thông nhiều. Sở đã nhiều lần sửa chữa nhưng chỉ được thời gian ngắn tình trạng trên lại tái diễn.
Về sự xuống cấp của tuyến đường Trần Văn Giàu, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (thuộc Sở GTVT TP.HCM), cho biết: “Đoạn hư hỏng là từ cầu Tân Tạo đổ về phía gần đường Nguyễn Cửu Phú trước đây, do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư. Lúc đó có tên là dự án Tỉnh lộ 10B. Còn đoạn vừa qua cầu Tân Tạo đến ranh tỉnh Long An do Khu quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư thì cơ bản ổn, chỉ sửa chữa nhỏ”.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng một số công trình xuống cấp là do lượng phương tiện lưu thông đông. Trong khi đó, với số thu ngân sách được giữ lại hiện tại, TP chỉ thực hiện duy tu, bảo trì được khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, muốn xác định nguyên nhân đường nhanh chóng hư hỏng, cần kiểm tra và xem xét 4 khâu, gồm tư vấn thiết kế, bộ phận giám sát, bộ phận quản lý và thi công. Nhưng để các công trình xuống cấp nhanh chóng như hiện nay, Sở GTVT TP phải có trách nhiệm vì đây là lĩnh vực thuộc đơn vị quản lý.
Hễ mưa là ngập và nhiều tuyến đường biến thành sông trong những ngày triều cường. Thậm chí, nhiều con đường không mưa cũng ngập. Bài toán chống ngập chưa biết khi nào mới được giải đáp rốt ráo. Trong khi họp HĐND TP.HCM, Thanh Niên đã đặt câu hỏi này với Phó ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM.
Chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho rằng hiện nay nhiều công trình giao thông xuống cấp nhanh chóng do trình độ thi công của các nhà thầu còn thấp. Việc giám sát thi công công trình, nghiệm thu còn lỏng lẻo. Đó là chưa nói đến việc nhiều đơn vị thi công yếu năng lực, “rút ruột” công trình khi thi công. Với đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương, ông Sanh nói: “Đường dẫn làm sau cao tốc mà hư trước chứng tỏ có vấn đề. Cũng trên nền đất yếu như cao tốc và cũng lượng xe chạy như vậy, tại sao cao tốc chưa hư mà đường dẫn lại hư trước? Cần thanh tra vào cuộc vì có biểu hiện lãng phí, tham nhũng”.
Kỹ sư Lê Văn Thịnh, chuyên gia cầu đường, cũng khẳng định chỉ cần cho kiểm tra lại là biết ngay nguyên nhân. Như đường Trần Văn Giàu, dù lượng xe đi lại không nhiều nhưng vẫn xuống cấp nhanh là vô lý.