28/11/2024

Hà Nội có một nền văn hoá vỉa hè và giao lưu… ngoài đường

Martin Rama, tác giả cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi chia sẻ về phát triển Hà Nội trong cương vị giám đốc dự án Trung tâm phát triển đô thị bền vững.

 

Hà Nội có một nền văn hoá vỉa hè và giao lưu… ngoài đường

 

Martin Rama, tác giả cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi chia sẻ về phát triển Hà Nội trong cương vị giám đốc dự án Trung tâm phát triển đô thị bền vững.

“Không nghi ngờ rằng sự phát triển đòi hỏi phải có đường cao tốc, trung tâm mua sắm. Nhưng đó sẽ là điều tốt đẹp nếu như người Hà Nội không phải đánh đổi cây xanh, không gian công cộng và sinh hoạt xã hội đặc sắc – những thứ làm cho Hà Nội trở nên quyến rũ kỳ lạ…”.

Ông Martin Rama, tân giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Martin Rama từng giữ vai trò là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong tám năm, là tác giả cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi được Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2014. 

Giờ đây ở vai trò mới, ông đang ấp ủ dự án nghiên cứu với mục tiêu giữ gìn một Hà Nội cổ kính, giàu văn hoá và đậm bản sắc riêng trong một Hà Nội hiện đại. Theo ông, đó là con đường đầu tư sinh lời nhất, bền lâu nhất cho Hà Nội.

* Chúc mừng ông đã được bổ nhiệm làm giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững. Thưa ông, điều gì ở Hà Nội thu hút ông?

Hà Nội có một bộ sưu tập các phong cách kiến trúc đặc sắc. Nó kết hợp cả một loạt các phong cách kiến trúc, từ các ngôi chùa truyền thống và nhà tập thể đến các công sở và biệt thự Pháp cổ tới kiến trúc kiểu Xô viết. 

 

Trong cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi, tôi thậm chí còn cho rằng ngay cả những kiến trúc kiểu Pháp ở Hà Nội cũng rất Việt Nam chứ không thực sự hoàn toàn Pháp. Theo thời gian, kiểu kiến trúc này sẽ ngày càng được yêu mến bởi sự khác biệt và độc đáo của nó.

Nhưng Hà Nội còn rất đặc biệt về đời sống xã hội. Có lẽ vì không gian trong nhà quá hạn chế, nhiều tương tác xã hội của người Hà Nội được diễn ra ở ngoài trời. 

Paris được biết đến và được yêu thích bởi văn hóa cà phê; ở Hà Nội có một nền “văn hóa vỉa hè”. Mọi người ăn uống, giao lưu, kiếm sống, hẹn hò, mua bán hoa… ở ngoài đường. Không phải ngẫu nhiên mà người nước ngoài rất yêu Hà Nội.

Martin Rama

Nó không chỉ là một thành phố đẹp như tranh vẽ hay một giấc mơ cho các nhiếp ảnh gia, nó là một thành phố đầy cảm xúc.

Người Hà Nội rất yêu thành phố của họ. Nhưng tôi không chắc chắn rằng họ có thể nói điều gì làm cho thành phố của họ rất đặc biệt và những gì cần phải được bảo tồn trong hành trình vội vã để trở thành một quốc gia giàu có hơn.

* Vậy điều cần bảo tồn nhất trong cái nhìn của ông khiến ông dành nhiều tâm huyết cho công việc “khổ sai” này?

– Trên thực tế, lịch sử đô thị h cho thấy có nhiều quyết định mà có thể không bao giờ sửa chữa được nữa. Một khi sự quyến rũ của đô thị đã mất đi thì có thể rất khó để làm cho nó trở lại. 

Nhiều thành phố lớn ở Đông Á đã phát triển rất nhanh nhưng chúng cũng trở nên nhạt nhòa, thiếu hấp dẫn. 

Mục tiêu của dự án mà tôi tham gia là suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về các cách để điều hòa sự phát triển kinh tế nhanh chóng với việc bảo tồn giá trị kiến trúc và đặc trưng xã hội của Hà Nội.

Ở mức độ cá nhân hơn, tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống, bạn muốn làm điều gì đó có ý nghĩa. Một khi bạn đã có được những thành công nhất định trong công việc và đời sống cá nhân, bạn muốn ném mình vào cái gì đó cao cả. 

Tôi đã chọn làm giám đốc danh dự, không nhận lương. Và tôi sẽ rất hạnh phúc nếu như tôi có thể đóng góp, dù chỉ một chút, để làm cho Hà Nội toả sáng như một thành phố tuyệt vời. Bởi vì đó là một thành phố mà cả thế giới yêu thích.

Hà Nội có một nền văn hóa vỉa hè và giao lưu... ngoài đường - Ảnh 3.

Hà Nội duyên dáng và độc đáo trong một trang sách của Martin Rama – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

* Người ta có thể lo ngại rằng những nguyên tắc cứng nhắc trong bảo tồn có thể biến Hà Nội thành một “thành phố bảo tàng”. Dự án của ông chắc sẽ không đi theo con đường này?

– Mô hình bảo tồn di sản của UNESCO không nên áp dụng cho một thủ đô với hàng triệu dân như Hà Nội. 

Điều cần thiết là phải đưa ra một mô hình bảo tồn có lợi nhuận cao khiến các nhà đầu tư quan tâm vì nó mang lại nhiều lợi nhuận hơn cả việc phá dỡ mù quáng để xây dựng chung cư cao tầng, trung tâm mua sắm. Dự án của tôi hướng tới nghiên cứu áp dụng trên một khối nhà chứ không phải một tòa nhà đơn nhất. Thay vì đưa ra quyết định cho một mảnh đất duy nhất, người ta phải tính đến giá trị của toàn bộ khối.

Martin Rama

Hãy tưởng tượng rằng khối nhà này có một vài biệt thự Pháp cổ, được cải tạo đẹp mắt, giải phóng không gian xung quanh cho những nhà hàng, cửa hiệu và phòng trưng bày nghệ thuật cao cấp. 

Tưởng tượng thêm rằng khối nhà này có một khu tập thể được nâng cấp, cao tầng hơn, các căn hộ bên trong được hiện đại hoá hoàn toàn nhưng bên ngoài vẫn mang dáng vẻ và những đặc trưng hấp dẫn của các khu tập thể nguyên bản. 

Cuối cùng, hãy tưởng tượng rằng khối nhà có bãi đậu xe ngầm rộng rãi, những biển quảng cáo và đèn chiếu sáng mang nét quyến rũ của Paris, nhưng ở một phiên bản hoàn toàn Hà Nội.

Giá bất động sản của một khối nhà như vậy chắc chắn sẽ rất đắt, thậm chí nó mang lại giá trị lớn hơn cả việc phá hủy và xây mới – cách dễ dàng mà nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn. 

Những cải tạo này phải thí điểm và cũng phải làm từ từ, có hội đồng kiến trúc và văn hóa thẩm định một cách chuyên nghiệp.

Dự án của tôi sẽ tiến hành các điều tra xã hội, các nghiên cứu pháp lý và các giải pháp kỹ thuật cần thiết để nâng cấp một khu vực trọng điểm của Hà Nội theo khối nhà được hình dung ở trên. 

Chúng tôi hướng tới một mô hình phát triển và bảo tồn có lợi cho cả nhà đầu tư tư nhân và cư dân gốc của khối nhà, chứng minh cho họ thấy rằng có một cách khác, một cách tốt hơn trong phát triển.

THIÊN ĐIỂU thực hiện