Các lãnh đạo sở GD-ĐT và trường phổ thông đều bày tỏ sự mong đợi những chủ trương quan trọng trong dự thảo sửa đổi luật Giáo dục như tăng lương nhà giáo, miễn học phí THCS sẽ được đưa vào luật và được thông qua.
Sửa luật Giáo dục: Giáo viên hy vọng sống được bằng lương?
Các lãnh đạo sở GD-ĐT và trường phổ thông đều bày tỏ sự mong đợi những chủ trương quan trọng trong dự thảo sửa đổi luật Giáo dục như tăng lương nhà giáo, miễn học phí THCS sẽ được đưa vào luật và được thông qua.
Sáng 30.11, tại Thái Nguyên, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục đối với lãnh đạo sở GD-ĐT và các trường phổ thông khu vực miền núi phía bắc. Đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức tại 5 địa điểm trong cả nước đến tháng 12 để lấy ý kiến của các nhà giáo.
Tạo động lực thu hút người giỏi vào sư phạm
Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ niềm vui của các giáo viên (GV) từ cơ sở giáo dục khi nghe tới đề xuất xếp lương GV cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Bà Chu Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạng Sơn, H.Yên Dũng, Bắc Giang, cho hay nhiều GV tâm sự sắp có cơ hội thực sự sống được bằng lương. Bà Đỗ Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lân, H.Sơn Dương, Tuyên Quang, cũng chia sẻ GV trong trường rất mừng khi đọc dự thảo luật.
Câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh làm dấy lên bất cập lâu nay về chính sách tiền lương của giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Bông, Hiệu trưởng THPT Việt Yên số 2 Bắc Giang, hy vọng lương nhà giáo được xếp cao nhất sẽ là một yếu tố quan trọng để thu hút những người giỏi vào học ngành sư phạm. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho rằng điều này sẽ nâng cao được chất lượng đầu vào, đội ngũ…
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là dự kiến nâng trình độ đào tạo chuẩn GV tiểu học từ trung cấp lên CĐ. Đa số ý kiến đều cho rằng đây là xu hướng tất yếu, tuy nhiên vẫn có những băn khoăn cần làm rõ.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng nâng chuẩn GV tiểu học, đưa vào dự thảo luật để biến thách thức thành cơ hội. Đây chỉ là bước đầu, từ trung cấp lên CĐ, lâu dài phải yêu cầu trình độ ĐH. Theo ông Hữu, hiện cả nước chỉ còn 3 tỉnh có tỷ lệ GV trình độ trên chuẩn (từ CĐ trở lên) thấp nhất, khoảng 63% là Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu. Nhiều tỉnh tỷ lệ này 97 – 99%.
Xung quanh lo ngại về số GV lớn tuổi, GV ở vùng sâu, vùng xa nhưng chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo khi áp theo chuẩn mới, ông Hữu cho hay Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương một cách cụ thể sau khi luật có hiệu lực thi hành.
Cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng trường ĐH?
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục ĐH cũng diễn ra vào buổi chiều, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nêu 2 nội dung mà Bộ mong muốn các đại biểu “bỏ phiếu” để đưa vào dự thảo phiên bản mới.
Một trong 2 nội dung này liên quan đến việc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Theo đó, dự thảo luật thống nhất nguyên tắc hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, sau đó sẽ do một cơ quan cấp trên công nhận kết quả của quy trình này. Hiện Bộ đang băn khoăn giữa 2 phương án: ghi vào luật cơ quan cấp trên là Bộ hay cơ quan có thẩm quyền nói chung? Theo bà Phụng, hiện nay cơ quan chủ quản của các trường gồm nhiều bộ, ngành khác nhau, một số trường là UBND các địa phương. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ, nơi đưa ra quy định về chuẩn hiệu trưởng.
Góp ý cho nội dung này, nhiều ý kiến đề xuất nên chọn phương án cơ quan có thẩm quyền công nhận chứ không phải Bộ.
Ngay sau khi, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục hiện hành trong đó có điều luật miễn học phí tới bậc THCS, có nhiều phụ huynh thay vì ủng hộ lại xin được đóng học phí và chỉ học phí thôi. Vì sao có sự ngược đời này?
Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình ĐH. Ông Lê Hồng Thắng, Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH Thái Nguyên, bày tỏ: “Cần có sự phân biệt trường nằm trong ĐH và trường nằm ngoài ĐH. Hiện nay, chúng ta chưa có tên gọi để phân biệt 2 loại trường này”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, ĐH Thái Nguyên, nêu ý kiến: “Vai trò của ĐH vùng, mối quan hệ giữa ĐH vùng với các trường ĐH thành viên là như thế nào? Mối quan hệ giữa ĐH vùng với Bộ là như thế nào? Trường ĐH thành viên của ĐH vùng có gì khác với trường ĐH độc lập? Thời gian qua có những quy định gây đảo lộn nhiều hoạt động của ĐH vùng, tạo ra những mối quan hệ rất khó xử lý giữa ĐH vùng và trường ĐH thành viên, khiến Bộ lại phải có những văn bản điều chỉnh. Do đó cần phải có quy định, thiết chế để nói rõ quan hệ giữa ĐH vùng và trường ĐH thành viên”.
Đại diện các trường cũng e ngại quyền lực hội đồng trường chưa thực chất. Theo PGS Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào, dự thảo sửa đổi luật hướng tới mục tiêu tăng quyền lực thực chất cho hội đồng trường là điều đáng mừng, nhưng căn cứ vào văn bản dự thảo luật thì quyền lực của hội đồng trường cũng còn rất mơ hồ.