Ung thư hiện là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất, điều trị phức tạp và chi phí lớn. Đáng lo ngại, số ca mắc mới ngày càng tăng cao, ước tính năm 2020 lên tới 200.000 ca.
Ung thư tăng nhanh.
Ung thư hiện là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất, điều trị phức tạp và chi phí lớn. Đáng lo ngại, số ca mắc mới ngày càng tăng cao, ước tính năm 2020 lên tới 200.000 ca.
Số liệu này được GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nêu tại Hội thảo phòng chống ung thư, do Hội Ung thư VN và Hội Ung thư TP.HCM tổ chức hôm qua ở TP.HCM. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước dự.
Người mắc “trẻ hóa”
Hiện nay, một xét nghiệm gien tìm ung thư tốn đến gần 20 triệu đồng, rồi các loại thuốc mới kèm theo giá rất cao. Do vậy, thách thức nhất đối với điều trị ung thư là chi phí
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết nghiên cứu của BV Ung bướu cho thấy trong 20 năm (từ 1995 – 2004) riêng tại TP.HCM có 119.556 ca mắc ung thư. Tuổi trung bình mắc ung thư là 55, trẻ hơn so với nhiều nước. Từ năm 2012 trở đi, số người mắc ung thư tăng nhanh, trung bình 8 – 9%/năm. Nếu như năm 2012, TP.HCM có 7.392 ca mắc ung thư mới thì năm 2013 tăng lên 8.049 ca, năm 2014 là 8.951 ca, và năm 2015 là 9.270 ca.
Tại TP.HCM, 5 loại ung thư hàng đầu ở nam giới là phổi (18,3%), gan (16,5%), kế đến là đại trực tràng, miệng/hầu họng và dạ dày. Còn ở nữ giới, tỷ lệ mắc ung thư hàng đầu là vú (20,1%), cổ tử cung (16,2%), tiếp đến là đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.
TS-BS Dũng phân tích thêm, ở nhóm tuổi từ 0 – 14, ung thư máu chiếm vị trí hàng đầu ở cả 2 giới. Từ 14 – 25 tuổi thì ung thư tuyến giáp, máu, xương và bắt đầu xuất hiện ung thư buồng trứng (đối với nữ). Từ 25 – 34 tuổi ung thư tuyến giáp là ung thư hàng đầu của cả 2 giới. Từ tuổi 35 đến dưới 65 thì bắt đầu định hình rõ những ung thư phổ biến của cả 2 giới. Từ sau 65 tuổi, ung thư phổi, gan, đại trực tràng ở cả 2 giới có tỷ lệ số ca mắc/100.000 dân, cao nhất so với các nhóm tuổi khác, tuy nhiên ung thư vú giảm ở nữ giới.
Nghiên cứu mới cho thấy phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có thể cần được tầm soát ung thư vú thường xuyên hơn.
Đồ hoạ: Du sơn
Kỹ thuật mới, thuốc mới nhưng rất tốn kém
Trước tình hình diễn tiến bệnh ung thư đang gia tăng, kỹ thuật điều trị là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, hiện nay các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh PET CT, MRI, xét nghiệm gien, sinh học phân tử… giúp chẩn đoán sớm, chính xác các loại ung thư. Do vậy, hiện số bệnh nhân được phát hiện ung thư qua thăm khám chiếm 60 – 70% trong số ca mắc, trong khi các năm trước chỉ 40%.
Về điều trị, y học đã có những bước thay đổi, không những điều trị với mục tiêu khỏi bệnh mà còn giúp bệnh nhân giảm các phản ứng phụ, bảo tồn thẩm mỹ, các chức năng sinh học, gia tăng chất lượng sống và cải thiện sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân… Đó là nhờ phẫu thuật nội soi được áp dụng rộng rãi; ứng dụng robot mổ ung thư tuyến tiền liệt triệt để; kỹ thuật xạ trị IMRT, IGRT trên máy gia tốc hiện đại giúp giảm bớt tổn thương trên các mô lành. Đối với điều trị toàn thân, đã có những loại thuốc mới giúp thực hiện các liệu pháp mới như nhắm trúng đích, miễn dịch bên cạnh các hoá trị quy ước…
“Nhưng hiện nay, một xét nghiệm gien tìm ung thư tốn đến gần 20 triệu đồng, rồi các loại thuốc mới kèm theo giá rất cao. Do vậy, thách thức nhất đối với điều trị ung thư là chi phí. Trước đây, nếu ung thư vú phát hiện sớm, mổ và uống thuốc chỉ mất 20 triệu đồng, mắc muộn hơn sẽ tốn cả trăm triệu đồng. Còn bây giờ, nếu ung thư vú phát hiện muộn, có sử dụng thuốc sinh học tốn cả tỉ đồng”, TS-BS Dũng nói và cho biết thêm chi phí chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư tăng cao là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. “Những khó khăn, thách thức này đòi hỏi phải có những giải pháp, chiến lược mới trong công tác tầm soát, phát hiện và chẩn đoán, điều trị ung thư”, TS-BS Dũng khuyến nghị.
Nhiều bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì có thể chữa được. Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra khuyến cáo về một số dấu hiệu cảnh báo khả năng bị ung thư.
Sáng 14.10 tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) tổ chức phát động Tháng hành động phòng chống ung thư vú với thông điệp “Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40”.
Nguy cơ quanh ta
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN, phân tích các nguyên nhân chính gây ung thư hàng đầu hiện nay là khói thuốc lá; kế đến là do nếp sống, ăn uống và do bệnh nhiễm (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng)… “Các nguyên nhân đều có đối sách, có vắc xin, nhưng quan trọng nhất là con người phải biết mà tránh né”, GS Hùng lưu ý.
Theo GS Hùng, nhiều người nghĩ viêm gan B, C là bình thường nên điều trị lơ mơ, dẫn đến bị ung thư. Ngay khói thuốc lá, nói đến hầu như ai cũng biết có hại và tưởng chỉ gây ung thư phổi, mà ít ai tường trong đó chứa 75 chất gây ung thư mạnh và tạo ra đến 15 loại ung thư. “Nên bỏ thuốc lá cho mình và tránh xa khói thuốc. Có đến 1/4 số phụ nữ ung thư phổi là do hít khói thuốc lá từ đàn ông. Không để béo phì, tránh ăn nhiều mỡ; nên ăn nhiều trái cây, rau tươi”, GS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo và chia sẻ thêm trong ăn uống hiện nay nhiều người thích ăn mặn, ăn cà pháo, mắm tôm, kim chi, khô mắm, thịt xông khói, đùi heo muối… Nhưng nếu ăn lâu dài rất có nguy cơ ung thư dạ dày. “Tôi cũng thích các món này nhưng không dám sử dụng khi biết tác hại của nó”, ông nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng 40% nguyên nhân ung thư có thể phòng ngừa được, nếu vận động, tuyên truyền tốt cho người dân về không hút thuốc lá, tránh béo phì, ăn uống nhiều rau, củ, quả tươi… sẽ làm giảm gánh nặng ung thư. “Năm 2016, tại một hội nghị được tổ chức ở Hà Nội, Tổ chức Y tế thế giới cho biết sự tiến triển cũng như thành quả về y học trong nâng cao sức khỏe người dân ở các quốc gia phương Tây trong
50 năm qua, không phải chỉ đơn thuần là phát triển của y tế chuyên sâu mà quan trọng nhất là phòng, chống thuốc lá. Chính việc bỏ thuốc lá làm tăng tuổi thọ, sức khỏe con người”, GS Bỉnh nói. Ông cũng thông tin thêm TP.HCM sẽ tăng cường truyền thông phòng ngừa, đầu tư máy móc, nguồn lực, cơ sở vật chất để chẩn đoán sớm ung thư.
Chuyển giao kỹ thuật mới điều trị ung thư gan
Ngày 30.11, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học năm 2017. Tại hội thảo, GS-BS Masanori Inoue (Nhật Bản) đã trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật hoá trị truyền qua đường động mạch gan (HAIC) điều trị bệnh lý ung thư gan nguyên phát giai đoạn tiến triển cho BV Nhân dân Gia Định. 3 bệnh nhân đã được GS người Nhật thực hiện đầu tiên. Kỹ thuật này là liên tục truyền hoá chất, đưa thuốc nồng độ cao vào ngay khối u gan, ít độc cho cơ thể. Kỹ thuật này nhằm giúp kéo dài cuộc sống bệnh nhân ung thư gan khi các biện pháp khác không phù hợp hoặc đắt tiền. BV Nhân dân Gia định dự kiến triển khai vào năm 2018 và là nơi áp dụng đầu tiên trong cả nước.
Sớm phát hiện, điều trị thành công cao
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K (Bộ Y tế), cho hay quan trọng nhất trong điều trị ung thu là người bệnh được phát hiện sớm. Chẳng hạn, tại BV K đã thực hiện thường quy các kỹ thuật tầm soát, chẩn đoán sớm với 9 bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả nữ và nam giới: ung thư vú, cổ tử cung – buồng trứng, gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, vòm họng, tuyến giáp, tiền liệt tuyến. Chi phí cho tầm soát phát hiện sớm ở mức nhiều người có thể chi trả: 2 – 3 triệu đồng/gói tầm soát.
Theo các chuyên gia, mỗi năm VN có khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. “Việc ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán sớm đã được các cơ sở đầu ngành trong nước cập nhật theo kịp thế giới. Chúng tôi đã bắt đầu ứng dụng ngân hàng sinh học trong nghiên cứu và kiểm soát ung thư, được triển khai tại BV K và một số đơn vị trong nước. Đây là ngân hàng lưu trữ các mẫu bệnh phẩm ung thư, được lưu giữ lâu dài nhiều năm trong điều kiện âm 80 độ C. Mẫu bệnh phẩm này dành nghiên cứu về gien liên quan kháng thuốc, nghiên cứu về tình trạng kháng thuốc, từ đó có thêm các cơ sở đưa ra các giải pháp điều trị ung thư hiệu quả”, PGS-TS Tạ Văn Tờ, Giám đốc Trung tâm giải phẫu bệnh và sinh học phân tử (BV K), chia sẻ.
Chia sẻ thêm về tầm soát sớm ung thư, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện đồng bộ: xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán xác định, tư vấn và điều trị ung thư đại trực tràng. Từ tháng 5.2017 đến nay, Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội (thuộc BV đa khoa Xanh Pôn) đã thực hiện 2 đợt xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng trên 100.000 dân có nguy cơ cao (từ 40 tuổi trở lên) tại 8 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Người dân được cấp các dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm thông qua hệ thống y tế xã, phường, sau đó xét nghiệm sàng lọc, thấy có yếu tố nguy cơ sẽ tiếp tục được làm các xét nghiệm chuyên sâu, nội soi chẩn đoán, từ đó có tư vấn điều trị phù hợp. Khoảng 6% số người đã tầm soát dương tính, phải làm tiếp các xét nghiệm, chẩn đoán tiếp theo như nội soi. Đây là chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng đầu tiên tại VN được triển khai đồng bộ từ chẩn đoán đến tư vấn, chỉ định điều trị. Qua đó, nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng đã được điều trị rất sớm, tỷ lệ khỏi bệnh cao.