Cùng giữ đất cho dân cồn Cát
“Sau khi báo phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt hơn nên nạn “cát tặc” giảm hẳn. Chính quyền địa phương cũng đã làm lại hệ thống bờ bao quanh cồn Cát (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) để giữ đất cho người dân”.
Cùng giữ đất cho dân cồn Cát.
“Sau khi báo phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt hơn nên nạn “cát tặc” giảm hẳn. Chính quyền địa phương cũng đã làm lại hệ thống bờ bao quanh cồn Cát (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) để giữ đất cho người dân”.
Anh V.E., người báo tin nóng và hỗ trợ phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện bài viết “Dân cồn Cát lo bị nhấn chìm vì “cát tặc”” (Tuổi Trẻ ngày 13-10), vui vẻ nói như thế khi nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 10-2017. Cùng với anh E., giải thưởng cũng được trao đến hai bạn đọc báo tin nóng khác và tác giả của loạt bài “Hành trình cận tử” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.
Dân cồn Cát rất vui
Những ngày vừa qua, dù bận rộn với nhiều công việc gần cuối năm nhưng cứ cách vài ngày là anh E. lại điện thoại cho một vài người dân sống trên cồn Cát để nắm tình hình “cát tặc”, cập nhật diễn biến sạt lở đê bao xung quanh cồn.
Anh E. làm việc tại TP Bến Tre, cách cồn Cát khoảng 40km và không có đất vườn gì trên cồn này. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao anh lại nặng lòng với người dân, với từng tấc đất trên cồn Cát như vậy, anh kể có lần về nhà người bạn trên cồn này chơi và chứng kiến cảnh người dân bất lực trước nạn “cát tặc” nên anh rất bức xúc.
“Người dân ban ngày quần quật làm lụng đã mệt mỏi, đêm lại phải thay nhau chèo ghe xuồng ra sông Cổ Chiên để giữ đất. Đỉnh điểm là khi người dân trên cồn bị “cát tặc” nhắn tin đe dọa, tôi chịu không nổi thói ngang ngược đó nên liền báo tin cho Tuổi Trẻ với hi vọng phóng viên đến hiện trường phản ánh sự việc này” – anh E. kể.
Khi phóng viên đến cồn Cát để gặp người dân, anh E. đã xin công ty nghỉ làm một ngày để dẫn phóng viên đi tác nghiệp. Anh nói muốn cùng Tuổi Trẻ giúp người dân cồn Cát giữ đất và rất vui với kết quả sau khi báo đăng, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nên nạn “cát tặc” giảm hẳn.
Bực mình chuyện “xin đểu”
Là một tài xế chuyên chở khách từ Đồng Nai lên TP.HCM khám chữa bệnh, anh B.X.V. không khỏi bức xúc khi không dưới 3 lần bị một người đàn ông đi xe máy đến gõ cửa xe “xin” tiền mua kim tiêm. Lần đầu, anh từ chối không cho, ông ta chửi bới, đòi bẻ kính xe và đuổi không cho anh đậu xe ở khu vực quanh sân vận động Thống Nhất.
Lần thứ hai cũng diễn ra như lần trước và đỉnh điểm là lần thứ ba, anh V. nhớ lại: “Lúc đó trời đang mưa, không hiểu bằng cách nào mà ông ta mở được cửa xe và ngồi hẳn trong xe của tôi để xin tiền. Tôi sợ quá nên đưa 15.000 đồng nhưng ông ta chê ít, đòi phải đưa 20.000 đồng, tôi đành đưa luôn để được yên thân”.
Anh V. nói thêm: “Từ hôm đó, cứ mỗi lần có dịp lên TP.HCM tôi lại quan sát thì thấy người đàn ông này thường chở một người phụ nữ đến gõ cửa các xe hơi đang đậu để xin tiền và lần nào anh ta cũng được ít nhất là 20.000 đồng. Nhiều tài xế nói với tôi là họ rất bực nhưng cũng rất sợ bị ông ta làm bậy nên đành đưa tiền cho xong chuyện”.
Bức xúc trước cách “xin đểu” này, anh V. đã báo thông tin đến Tuổi Trẻ và hỗ trợ phóng viên điều tra. Nhờ đó, Truyền hình Tuổi Trẻ đã hoàn thành đoạn phim quay cảnh “”Xin đểu” tiền của tài xế để chích ma tuý” và phát sóng ngày 26-10. Đến sáng 29-10, Công an quận 5 đã phối hợp Công an phường 8 và Công an quận Bình Tân triệu tập người đàn ông này (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) để kiểm tra xử lý.
“Từ hôm đó đến nay, theo quan sát của tôi, tình trạng “xin đểu” này không còn xảy ra nữa” – anh V. cho biết.
Cảnh giác phòng khám lừa dối
Cũng trăn trở cho người dân bị thiệt hại, anh H.T.X. đã kịp thời báo cho Tuổi Trẻ một thông tin rất hữu ích: có một phòng khám ở Trà Vinh lừa dối người bệnh rằng có bác sĩ từ Sài Gòn về khám. Từ thông tin này, Tuổi Trẻ đã tìm ra được sự thật, đồng thời đưa ra lời cảnh báo cho người dân Trà Vinh trong bài viết “Phòng khám ở tỉnh mạo danh bác sĩ Sài Gòn” (Tuổi Trẻ ngày 24-10).
Ảnh: ĐỖ MẠNH CƯỜNG
Sống an lạc hơn từ “Hành trình cận tử”
Trong xã hội, nhiều người không muốn nói tới cái chết, cứ như là không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi. Tôi muốn chọn một cách tiếp cận ngược lại, tôi muốn lấy khỏi cái chết sự lạ lẫm của nó, muốn nhìn thẳng vào nó, để làm quen, và cuối cùng, chấp nhận nó, sống với nó một cách bình thản.
Ý thức về cái chết trước mặt khiến tôi ý thức rõ ràng hơn về thời gian tôi còn có trong tay, về những may mắn mà tôi đang được hưởng. Tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng đối mặt và suy ngẫm về cái chết khiến tôi trân trọng cuộc sống hơn, sống có chánh niệm hơn, loại bỏ dễ dàng hơn những điều phù phiếm, tầm phào và tập trung vào những điều quan trọng với tôi. Đó là những điều tôi đã rút ra được sau hành trình cùng những người cận tử, mà Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã đăng loạt bài đầu về câu chuyện của hai mẹ con Hà và Nam.
Tôi hi vọng những trải nghiệm của họ sẽ phần nào giúp cho độc giả sống một cuộc sống có ý nghĩa và an lạc, như là họ đã giúp tôi.
ĐẶNG HOÀNG GIANG (tác giả loạt bài “Hành trình cận tử”)