28/11/2024

Trường đại học bỗng… có giá

Trước đây nhà đầu tư chỉ bỏ ra vài chục tỉ đồng đã có thể mua được trường ĐH, nay dù có 400 tỉ vẫn chưa mua được một trường ở tỉnh.

 

Trường đại học bỗng… có giá.

 

 Trước đây nhà đầu tư chỉ bỏ ra vài chục tỉ đồng đã có thể mua được trường ĐH, nay dù có 400 tỉ vẫn chưa mua được một trường ở tỉnh.

 

 

Trường đại học bỗng... có giá - Ảnh 1.

Sau khi Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn được đồng ý về chủ trương nâng cấp lên ĐH, hiệu trưởng trường cho biết nhiều nhà đầu tư muốn góp vốn 200 tỉ đồng nhưng trường chỉ chấp nhận đầu tư ít nhất 500 tỉ đồng trở lên – Ảnh: TR.HUỲNH

Quy định mới về điều kiện thành lập trường đại học phải có vốn điều lệ gấp 20 lần so với trước đây nên thành lập trường mới rất khó khăn. Do đó, các nhà đầu tư ráo riết tìm mua, bỏ tiền vào các trường có sẵn khiến giá bán các trường đại học tăng vọt.

Ông T. – người tham gia quản lý một số trường CĐ trong cả nước – cho biết đang tìm mua trường ĐH nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa thực hiện được.

Từ vài chục lên vài trăm tỉ đồng

Ông T. nói muốn đầu tư vào trường ĐH vì hiện các trường trung cấp, CĐ trong hệ thống của ông tuyển sinh rất khó khăn. Có trường ĐH sẽ tạo hệ thống khép kín, tăng nguồn tuyển sinh cho các trường. 

 

 

“Thành lập trường mới đòi hỏi nguồn vốn quá lớn, thời gian lại kéo dài. Nhà đầu tư không gánh nổi các chi phí phát sinh cũng như duy trì hoạt động. Do đó, việc tìm mua trường ĐH sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, có trường trước đây rao bán chỉ 300 tỉ đồng nay lại tăng giá lên gấp đôi” – ông T. nói.

Hiện tại giá trường ĐH tăng chóng mặt và cũng ít chủ đầu tư muốn bán. Một chủ đầu tư cho hay một trường ĐH ở Đồng Nai được rao bán với giá 600 tỉ đồng. Mức giá hơn 400 tỉ đồng ông đưa ra vẫn không nhận được cái gật đầu từ chủ trường. 

Tương tự, một trường ĐH khác cũng tại Đồng Nai được rao bán 500 tỉ đồng. Mức giá 400 tỉ đồng của nhà đầu tư mới vẫn chưa được chấp nhận. “Trường có đất đai, đã xây trường khang trang, quy mô sinh viên cũng vài ngàn. 

Do tuyển sinh vài năm gần đây khó khăn, việc duy trì hoạt động của trường có phần khó khăn nên muốn chuyển nhượng lại. So với việc thành lập mới trường ĐH, giá trường đưa ra vẫn rất thuận lợi cho nhà đầu tư” – ông chủ trường từ chối mức giá 400 tỉ đồng nói vậy.

Những mức giá trên quá “khủng” khi trước thời điểm 2017, nhà đầu tư chỉ bỏ ra vài chục tỉ đồng đã có thể mua được trường ĐH. Chẳng hạn năm 2013, Trường ĐH Văn Hiến được bán cho chủ đầu tư mới với giá trên 75 tỉ đồng. 

Năm 2014, Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM được mua lại với giá khoảng 140 tỉ đồng. Năm 2015, Trường ĐH Hồng Bàng với đất đai đắc địa và quy mô sinh viên không hề nhỏ cũng chỉ bán với giá 500 tỉ đồng. Trường ở tỉnh như ĐH Phan Thiết được bán lại với giá chỉ 60 tỉ đồng…

Một chủ đầu tư cho biết không ít trường ĐH hiện nay đang thế chấp tài sản tại ngân hàng, vay với số tiền lớn nên việc mua lại cũng chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, để thành lập mới một trường ĐH, chi phí ban đầu không dưới 1.300 tỉ đồng. Đây là “tiền tươi thóc thật”, đầu tư thật chứ không chỉ là đề án, cam kết như trước đây. 

“Ngoài số tiền đầu tư ban đầu quá lớn, việc xin thành lập một trường ĐH đôi khi mất vài năm vẫn chưa xong thủ tục. Trong khi đó, chi phí mua một trường ĐH, thật ra chỉ là mua tư cách pháp nhân, rẻ hơn và có thể nhanh chóng đi vào hoạt động” – ông này chia sẻ thêm.

Chuyển hướng đầu tư

Trong bối cảnh thành lập mới khó khăn, việc mua bán bị làm giá, không ít chủ đầu tư thay đổi chiến lược. Ông P. – quản lý mảng ĐH của một tập đoàn giáo dục nước ngoài tại TP.HCM – cho biết hệ thống giáo dục của tập đoàn gồm nhiều trường CĐ, trung cấp tại TP.HCM. Mới đây, trường đã mua lại một trường ĐH tại Hà Nội.

“Chiến lược của tập đoàn là phải có trường ĐH tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên hiện các trường ĐH tại TP.HCM không bán nên chúng tôi quyết định đầu tư vào các trường ĐH có sẵn, có đào tạo bậc thạc sĩ. 

Hiện tập đoàn có 15% cổ phần tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM, dù muốn mua nhiều hơn nhưng không được. Với mức cổ phần này, tiếng nói của chúng tôi trong hội đồng quản trị không đáng kể. 

Hiện chúng tôi nhắm tới các trường ĐH đang gặp khó khăn hoặc trường CĐ đã có quyết định cho phép nâng cấp lên ĐH để đầu tư. Chúng tôi quyết định đầu tư lớn và lâu dài để có tiếng nói quyết định trong hội đồng quản trị” – ông này nói thêm.

Ông Vũ Khắc Chương – hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn – cho biết từ ngày trường có quyết định đồng ý về chủ trương nâng cấp lên ĐH của Chính phủ đã có nhiều nhà đầu tư đến trường ngỏ ý muốn góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, mức đầu tư chỉ 200 tỉ đồng trở xuống nên trường không chấp nhận. 

“Trường vẫn cần nhà đầu tư nhưng mức vốn chí ít cũng phải 500 tỉ đồng. Đây là quá trình đầu tư lâu dài để trường ổn định và phát triển, chúng tôi cần những nhà đầu tư có cùng mục đích như vậy” – ông Chương nói.

Trong khi đó, việc mua lại một trường ĐH tại Đồng Nai bất thành, Tập đoàn V. đã đổi hướng mua lại một trường CĐ tại đây. Một người từng làm trong tập đoàn này cho biết hiện tập đoàn đang làm thủ tục để thành lập phân hiệu trường ĐH K. (tập đoàn sở hữu) trên cơ sở trường CĐ mới mua này…

1.000 tỉ đồng nếu muốn lập trường đại học

Quyết định 07 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện thành lập ĐH, trường ĐH tư thục phải có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, không quy định giá trị đầu tư tại thời điểm thẩm định.

Đến quyết định 64 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, trường ĐH tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường ĐH tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỉ đồng.

Nghị định 46 năm 2017 của Chính phủ quy định trường ĐH tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường ĐH tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỉ đồng.

Như vậy sau 8 năm, vốn điều lệ thành lập trường ĐH đã tăng 20 lần, các điều kiện thẩm định cũng chặt chẽ hơn.

MINH GIẢNG