28/11/2024

TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân được gì?

Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.

 

TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân được gì?

 

Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.


 

TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân được gì? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo sơ bộ đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” – Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 26-11, bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Thí điểm tại quận 1 và quận 12

Thay mặt UBND TP trình bày chi tiết đề án, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sau hơn 1 năm chuẩn bị, đến nay đề án chính thức thực hiện, đầu tiên sẽ thí điểm tại quận 1 và quận 12.

Ông Tuyến cho biết đề án hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.

 

Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. 

TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân được gì? - Ảnh 2.

Ông Trần Vĩnh Tuyến – phó chủ tịch UBND TP.HCM – báo cáo sơ bộ đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” – Ảnh: TỰ TRUNG

Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế… 

Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khoẻ và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. 

Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng sẽ được hạn chế.

Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân được gì? - Ảnh 3.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” – Ảnh:TỰ TRUNG

Giám sát an toàn thực phẩm, chống ngập

Theo đề án, về lĩnh vực an toàn thực phẩm, TP sẽ xây dựng các công cụ để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được các nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. 

Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn.

Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho TP như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. 

Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân cũng giúp các nhà cung cấp những dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập cũng như các kiến thức về phòng chống ứng phó với ngập lụt.

Đặc biệt, trong lĩnh vực an ninh trật tự, người dân và doanh nghiệp được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Các cơ sở dữ liệu được số hoá giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục.

Bên cạnh đó, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Bốn chủ thể của đề án đô thị thông minh

Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.

Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác

Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

TP.HCM trở thành đô thị thông minh, người dân được gì? - Ảnh 5.

Đề án hướng tới mục tiêu biến TP.HCM trở thành một đô thị thông minh – Ảnh: TỰ TRUNG

MAI HƯƠNG