Vùng càng được ví là ‘miền Tây của Quảng Trị’ nên rất dễ hiểu khi trong mấy ngày mưa lũ qua, cả một vùng đất thấp trũng này bị nhấn chìm trong nước bạc…
Vào vùng càng biệt lập.
Vùng càng được ví là ‘miền Tây của Quảng Trị’ nên rất dễ hiểu khi trong mấy ngày mưa lũ qua, cả một vùng đất thấp trũng này bị nhấn chìm trong nước bạc…
Đến nỗi, lâu lắm rồi, dân vùng càng chưa thể nhìn thấy cái gọi là… đường!
Một ngày sau chuyến cứu trợ khẩn cấp tại xã Hải Tân (H.Hải Lăng), chiều 23.11, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Trị tiếp tục có một hành trình cứu trợ khác dành cho đồng bào vùng nam Hải Lăng. Lần này, điểm đến của đoàn là vùng càng (những rẻo đất xâm xấp nước hoặc chỉ cao hơn mặt ruộng vài chục xen ti mét, nằm trơ trọi giữa đồng). Cả huyện vùng trũng Hải Lăng có 7 càng như thế.
Ngày 22.11.2017, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Trị đã phải dùng mọi phương tiện có thể để đến với bà con xã Hải Tân, một trong những địa phương bị ngập nặng nhất vùng.
Bật khóc trên ghe cứu trợ
Theo lịch trình, ngày 25.11 đợt cứu trợ mới bắt đầu nhưng ngay sau khi biết tin người dân vùng càng đang ngập trong nước lũ, rất cần sự động viên, chúng tôi đã dự tính đổi lịch. Nhà báo Trần Thanh Bình, Phó ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên, từ TP.HCM ra, thúc giục: “Lúc này mà không đi thì lúc nào nữa?”.
13 giờ, đoàn xuất phát khi mưa vẫn trắng trời. Ô tô chỉ đi được một đoạn ngắn. Tại khúc sông trước UBND xã Hải Hòa (H.Hải Lăng) đã có 1 chiếc ghe đợi. Cả đoàn chúng tôi 18 người cùng lên chiếc ghe đó. Bác lái ghe luống tuổi, có gương mặt khắc khổ, nổ máy và chúng tôi lao ra giữa sông Ô Lâu đang ầng ậng nước… mà không quên nắn gân: “Tất cả ngồi yên. Đứng lên ngồi xuống, rớt xuống nước ráng chịu”.
Khi ghe bắt đầu rẽ về hướng vùng càng, chúng tôi mới thực sự giật mình: lụt to thế. Giữa cánh đồng mênh mông, nếu không phải màu nước bạc thì chúng tôi đã nghĩ mình đang… trên biển, không có thứ gì di chuyển ngoài chiếc ghe của chúng tôi, cũng chẳng thấy loài sinh vật nào xuất hiện. Mưa vẫn trắng trời, chẳng ai nhìn thấy bờ bến, có chăng chỉ thấy những mộ bia trơ trọi bị nước nhấn chìm giữa đồng.
Dù chẳng ai nói ra, nhưng cái cách mà mọi người lặng im khi một cơn gió lớn thổi đến, cái cách mà mọi người như nín thở khi chiếc ghe vượt lên một con sóng lớn, tròng trành… thì có lẽ, ai cũng đang… sợ. Hà, cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Trị, cô gái duy nhất trên chiếc ghe nhỏ bé, thậm chí đã bật khóc nức nở mà tay cứ níu chặt vạt áo đã ướt mèm của tôi.
Gần một giờ chỉ nghe mỗi tiếng máy nổ, thì vùng càng mới hiện ra trước mắt. Đó chỉ là những rẻo đất bé nhỏ, với dăm ba nóc nhà, bao bọc bởi những rặng tre. Khi tiếng máy nổ tắt, mọi người như choàng tỉnh khỏi nỗi sợ để bước chân lên càng Hội Điền (xã Hải Hòa).
Ngẩng đầu lên, chúng tôi thấy bà con đã chèo ghe đến đợi ở đó, ghe lớn bé chen chúc nhau, rợp cả một khoảng sông nước. Nhưng họ chào đón chúng tôi theo một cách… rất khác, khi một cụ già bước tới và hỏi: “Rứa không sợ chết à? Có biết bơi không mà dám ra đây…”. Chúng tôi biết, cũng vì lo lắng và thương đoàn lặn lội, bà mới hỏi “yêu” thế thôi.
Giá như có thể mang nhiều hàng, quà hơn
Món quà mà chúng tôi cố mang đến cho bà con hôm nay là 150 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng tiền mặt. Đó có thể là một món tiền không lớn đối với nhiều người, nhưng thực sự khi về vùng càng, thấy sự háo hức chờ đợi của người dân, mới biết với họ, đó là sự động viên không hề nhỏ về mặt vật chất, đặc biệt là lúc này… Biết tin có đoàn công tác của Báo Thanh Niên hướng về vùng càng, Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị đã bày tỏ nguyện vọng xin được “nhập hội”. Món quà mà công ty mang đến cho người dân vùng lũ là 150 suất gạo (mỗi suất 5 kg gạo sạch, trị giá 160.000 đồng). Anh Bùi Huy, Phó giám đốc công ty, cho biết: “Chính những người nông dân đã giúp chúng tôi làm nên hạt gạo sạch này. Lúc họ gặp hoạn nạn chúng tôi phải đến giúp chứ”.
Đại diện Báo Thanh Niên (giữa) trao quà cho người dân vùng lũ
Không biết có phải gặp bà con giữa cảnh ngặt nghèo hay không mà thực tế cái nghèo như hiện lên cả gương mặt người. Ai cũng giống ai, cũng bé nhỏ, đội nón, mặc tơi và đến lời cảm ơn cũng nói ra… bẽn lẽn. Có người như chị Cái Thị Chanh ở càng Hội Điền đã bật khóc và nói với đoàn như “kể tội ông trời”: “Mưa lụt cả tháng ni rồi, nước vô rồi ra, chúng tôi ngâm nước lụt mà da cũng bạc… Mấy ngày liền gia đình nấu cơm ăn với muối, với xì dầu. Mà gạo muối rồi cũng hết, vét túi cũng chẳng có cắc bạc nào…”.
Tại càng An Thơ, đến một nơi khô ráo để trao tiền trao gạo cũng không có, chúng tôi phải thực hiện việc trao gửi ngay trên ghe. Xắn quần lên tận bẹn, dù gắng cười nhưng bà Nguyễn Thị Cơ vẫn thở dài: “Mấy chú cho tiền bà con rất mừng, nhưng giờ phải đi xuồng máy vào tận trong xã mới mua được hàng hóa. Cả mấy cái càng này có cửa hàng nào bán cái gì đâu. Mà thôi, nghĩ chi cho nhiều, đêm nay có bữa no cái đã”.
Từ đêm 4.11 đến sáng nay, 5.11, nước lũ lên nhanh đã nhấn chìm nhiều tuyến đường trong khu phố cổ Hội An, người dân khẩn trương dọn dẹp đồ đạc, nhanh chóng di chuyển để tránh lụt.
Những câu nói gan ruột của bà con vùng lũ, lúc bước chân lên những càng Hội Điền, Hưng Nhơn, An Thơ, Mỹ Chánh… làm chúng tôi, những người mang tiền hàng đến tặng bà con, thậm chí đã… tự trách mình. “Thực sự chúng tôi không ngờ rằng vùng đất này bị chia cắt một cách kinh hoàng thế, không ngờ bà con ở đây cực khổ thế. Giá như chúng tôi mang thêm nhiều nhu yếu phẩm hơn. Mì tôm, nước uống, xì dầu…”, anh Trần Xuân Anh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị, nói.
Bà con ở càng An Thơ (xã Hải Hoà, H.Hải Lăng) chèo ghe đến ngôi nhà có vị trí cao nhất càng để chờ đoàn cứu trợ đến
Chúng tôi rời khỏi vùng càng khi trời đã chập tối. Hơn ba giờ ngâm nước bạc, môi người tím đi, tay người nhăn nheo… nhưng chiếc ghe vẫn lao nhanh về phía trung tâm xã Hải Hoà. Tất cả mọi người trên ghe lại một lần nữa lặng im, không ai nói gì với nhau. Nhưng không phải vì sợ như khi xuất phát nữa mà bởi vì thương những người dân vùng càng. Đêm nay, dưới ngọn đèn leo lét, liệu ít gạo và món tiền mà chúng tôi mang đến có đủ để sưởi ấm cho họ giữa bốn bề nước bạc bủa vây?…