28/11/2024

Chúa Nhật XXXII TN A – 2017: Chết và phán xét

Khi xây dựng như vậy, chúng ta sẽ trân trọng từng giây phút sống, không còn sợ chết và cũng chẳng sợ bị phán xét vì “đang ở trong Chúa”, trong ánh sáng và tình yêu của Ngài.

 

Chết và phán xét

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

 

Lời mở

Chúng ta đang ở những tuần cuối cùng của năm phụng vụ và Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về những điểm chung kết trong đời sống con người. Những điểm đó là cái chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, từ số 1006-1037). Bài đọc I (x. Kn6,12-16) hôm nay mời gọi chúng ta sống khôn ngoan để “đạt được sự minh mẫn trọn hảo và vượt qua mọi lo âu ”. Bài Tin Mừng (x.Mt 25,1-13) cũng mời gọi chúng ta hãy hành động như những trinh nữ khôn ngoan với ngọn đèn luôn luôn cháy sáng để có thể gặp được người yêu muôn thuở là Đức Giêsu. Bài thư Thánh Phaolô (x. 1Ths 4,13-18) còn mời gọi rằng: “Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”. Vì thế, chúng ta dành những ít phút này tìm hiểu vài điểm chung kết của đời ta.

 

1. Chết là trở về cõi sáng, trở về với Cha Trên Trời

Nói đến cái chết nhiều người ngồi đây rất ngại ngùng, sợ xui xẻo hay buồn phiền vì nghĩ đến những tật bệnh, tuổi già khiến mình sắp sửa phải bước qua ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời. Một số bạn trẻ lại nghĩ rằng còn lâu mình mới chết, nhất là trong thời buổi khoa học tiến bộ, tuổi thọ càng ngày càng tăng. Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức vì “anh em không biết ngày nào, giờ nào”.

Đối với nhiều người không có niềm hy vọng thì chết là hết, chết là tận cùng của đời sống. Người ta cố gắng học hành, làm việc để kiếm thật nhiều tiền, nhiều danh vọng, dù biết rằng khi chết chẳng mang theo được gì. Vì thế họ sống buông thả, phung phí tiền bạc, sức lực, thời giờ và những ân huệ Chúa ban. Có  người lại muốn chết sớm chết ngay, nhất là những ai đang bị bệnh nan y, mỗi ngày chịu biết bao đau khổ. Không phải chỉ những người bệnh nan y hay già yếu, mà nhiều người trẻ hôm nay cũng thế, vì ở Việt Nam có đến 2% người chết là người trẻ tự tử. Nhiều người nghĩ đến cái chết vì họ bị thất bại trong cuộc sống, bị khinh thường, bị trầm cảm và họ muốn thoát khỏi tình trạng này. Chúng ta cần giúp họ tìm được ý nghĩa của đời sống và sự chết.

Hôm nay chúng ta được mời gọi nhìn thẳng vào cái chết để tìm ra ý nghĩa của nó. Chết không phải là một bất hạnh nhưng “là một mối lợi” (Pl 1.21) nếu chết trong ân sủng của Đức Kitô. Chết không phải là tận cùng, nhưng chỉ là kết thúc cuộc lữ hành trần thế để bước vào đời sống vĩnh hằng. Chết cũng không phải là ngưỡng cửa đưa ta đi vào một vùng bất định, mờ mịt, nhưng là đưa ta trở về nhà Cha của mình, nơi tràn đầy ánh sáng, hạnh phúc, bình an và tất cả những gì chúng ta mơ ước (x. GLHTCG, sô1010-1013).

Nhiều tín đồ Phật giáo đã đọc cuốn “Trở về từ cõi sáng” do tác giả Nguyên Phong phóng tác theo những câu chuyện kể của những người sau khi đã chết lâm sàng rồi tỉnh lại. Tất cả đều kể rằng họ đã đi vào một con đường đầy ánh sáng để gặp được Đấng nào đó kỳ diệu lắm, nhưng chưa kịp gặp thì đã được đưa trở về trần thế. Đó là những câu chuyện tưởng tượng trong những bộ sách như Tìm về Phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết…dù người ta đưa những tên tuổi, nơi chốn, thời gian vào cho có vẻ thật.

Giáo lý Hội Thánh và cảm nghiệm của những vị thánh mời gọi chúng ta phải thay đổi thái độ và những cách diễn tả về sự chết. Chết là bước vào cõi sống, là ra đi để được ở với Đức Kitô (Pl 1,23), là đi vào cõi sáng để gặp được người Cha Trên Trời của mình như thánh Ignatiô Antiochia đã cảm nhận (GLHTCG, số 1011). Đó là một hạnh phúc tuyệt vời. Trong tháng 11 này, nhiều khi chúng ta nghe hát bài “Từ chốn luyện hình u tối vọng tiếng bao linh hồn khóc than!…”. Đó không phải là miền u tối, cũng chẳng vọng tiếng khóc than gì hết! Người ta mô tả mà không hiểu được giáo lý Giáo Hội dạy điều gì trong các số 1023-1029 nói về thiên đàng, 1030-1032 nói về luyện ngục và 1037-1037 nói về hoả ngục. Đó là những tình trạng sống chứ không phải là những không gian được xác định rõ rệt, càng không phải là những ngục tù với tường cao để Cha Trên Trời giam hãm con người trong đó.

Ngay khi vượt qua ngưỡng cửa cái chết, chúng ta thấy ngay Chúa là người cha nhân từ dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, đưa ta vào một nơi tràn đầy ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc, rồi tuỳ theo tình trạng mỗi người mà cảm nhận được nhiều hay ít, có hay không những điều tốt lành ấy. Vì thế thánh Phaolô nói chúng ta hãy sống trong niềm hy vọng là vậy. Chúng ta đừng sợ chết, vì chúng ta không biết ngày nào giờ nào Cha gọi ta về. Sự sống và sự chết không phải do ta quyết định vì ta không phải là chủ sự sống hay sự chết nên ta bận tâm, lo sợ làm gì! Một người khoẻ mạnh đang đi trên đường bị một người say rượu lái xe đâm vào, cái chết đó có vẻ bất ngờ nhưng không ngoài kế hoạch của Chúa.

Vì thế, mỗi giây phút sống đều hết sức quý giá để ta tạo nên công đức cho mình, cũng như có thể cứu thoát những linh hồn trong tình trạng luyện ngục và xây dựng thiên đàng ngay trong trần thế này. Vậy ta hãy trân trọng từng giây phút sống, và hãy sống hết mình với Chúa, với anh em,  với vạn vật.

 

2. Phán xét

Điểm suy nghĩ thứ hai, đó là phán xét. Chúng ta có thể đọc trong sách Giáo lý HTCG về phán xét riêng ở số 1020-1022 và phán xét cuối cùng ở số 1038-1041. Nhiều người chúng ta chắc còn nhớ: ngày xưa đi học giáo lý, chúng ta được cho xem hình ảnh về cuộc phán xét: người chết được đặt lên trên một cái cân do Chúa cầm hay thiên thần cầm để cân tội phúc của họ. Lớn hơn chút nữa, đọc Kinh Thánh chúng ta thấy Chúa mở “Sổ trường sinh. Các người chết được xét sử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách” (Kh 20,12). Tuy nhiên đó chỉ là những hình ảnh cụ thể để giúp ta hiểu về cuộc phán xét theo kiểu con người, chứ không theo cách của Thiên Chúa.

Thật ra, vì yêu thương, Cha Trên Trời đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô chết cho ta để tha thứ tội lỗi trước khi ta biết ăn năn thống hối. Vì thế Người Cha quảng đại không chú ý đến từng hành động nhỏ mọn, từng ý nghĩ xấu xa của con cái đến nỗi phải ghi chúng vào một cuốn sổ nào đó. Hơn nữa, Ngài là Đấng tích cực, nguồn của chân thiện mỹ, nên Ngài chẳng lưu giữ những gì là tội lỗi, tiêu cực của ta.

Ngay khi vượt qua ngưỡng cửa cái chết, ta sẽ thấy Cha Trên Trời với tất cả sự đẹp đẽ, khôn ngoan, nhân hậu, tốt lành, thánh thiện, yêu thương của Ngài. Chúa như một tấm gương để ta soi mình vào đó, như những tiêu chuẩn để ta so sánh, nên dưới ánh sáng của Chúa, ta thấy rõ từng vết bẩn bám vào trong bản thể của mình trong mỗi giây phút sống ở thế trần. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa hữu hình nên Người trở thành tấm gương thực tế, thành tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi con người phải soi chiếu. Qua đó ta thấy ngay được kết quả của cuộc phán xét và tình trạng thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục của minh. Đó là cuộc phán xét riêng cho từng cá nhân.

Cuộc phán xét chung cuối cùng (x. Cv 24,25; Ga 5,28-29; Mt 25,31.32.46) được Thánh Phaolô diễn tả trong Bài đọc II. Ngài nhắc bảo ta: “Chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu…Chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung”. Có người thắc mắc rằng: Chúa lấy chỗ đâu rộng đủ để quy tụ cùng một lúc hằng trăm tỷ người sống trên mắt đất, chết trong hàng triệu năm ở khắp nơi trên địa cầu hay cả những người ngoài hành tinh! Vấn nạn này được giải đáp khi ta hiểu rằng: bước qua ngưỡng cửa sự chết, những thụ tạo không còn bị lệ thuộc vào vật chất, thời gian và không gian. Tất cả sẽ quy tụ trong ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và những ai biết chết đi mỗi ngày trong Đức Kitô đều đang sống và được chia sẻ vinh quang với Ngài.

Chúng ta sẽ vượt qua cái chết vì gắn bó với Chúa Giêsu trong bí tích Rửa Tội, vượt qua cái chết từng giây phút khi biết loại bỏ những tham vọng, dục vọng. Đó là đã chết với Chúa Giêsu và đang sống trong Thiên Chúa. Đó là xây dựng tình trạng thiên đàng ở ngay trần thế, xây dựng bằng những hành động tích cực, tràn đầy yêu thương, tạo nên chân thiện mỹ cho mình cũng như cho mọi người.

 

Lời kết

Khi xây dựng như vậy, chúng ta sẽ trân trọng từng giây phút sống, không còn sợ chết và cũng chẳng sợ bị phán xét vì “đang ở trong Chúa”, trong ánh sáng và tình yêu của Ngài.