Ung thư không có nghĩa sẽ chết
Bà Karen Lanyon – tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM – khẳng định như vậy khi đối thoại với Tuổi Trẻ về quá trình điều trị ung thư của chính mình.
Ung thư không có nghĩa sẽ chết.
Bà Karen Lanyon – tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM – khẳng định như vậy khi đối thoại với Tuổi Trẻ về quá trình điều trị ung thư của chính mình.
Nếu bạn buông xuôi, nói rằng “tôi bị ung thư, tôi sẽ chết” và tự cô lập mình thì có khả năng chuyện đó sẽ thành sự thật. Nhưng nếu bạn nói “tôi bị ung thư, tôi có thể đánh bại nó, tôi sẽ chiến đấu với nó” thì mọi chuyện có thể sẽ khác
Bà Karen Lanyon
Bà là người sống sót sau ung thư vú, cũng phải trải qua quá trình phẫu thuật, hoá trị, xạ trị như bao bệnh nhân khác.
Giống như các bệnh nhân khác, bà và gia đình từng bị sốc. Nhưng “điều kỳ diệu” xảy ra…
Động lực tuyệt vời
* Cảm giác của bà như thế nào khi đang là một người khoẻ mạnh nhưng bỗng một ngày bị chẩn đoán mắc ung thư?
– Tôi bị sốc. Dù tôi đã biết là có gì đó không ổn rồi, nhưng tôi vẫn rất sốc.
Tôi đến gặp bác sĩ, ông ấy nói phát hiện khối u trong vú của tôi nhưng đó chỉ là u nang vú hoặc thứ gì đó không đáng lo, vì họ nói tôi thấy đau nên không thể là ung thư được.
Ông ấy dặn tôi 6 tháng sau tái khám, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất đau khi về lại Jakarta. Lúc đó, chồng tôi đọc được một quyển tạp chí trong đó có viết về một phụ nữ Úc cũng có những triệu chứng như thế và kết quả là cô ấy bị ung thư vú. Vì vậy anh ấy nói tôi phải đi khám lại, yêu cầu bác sĩ cho làm sinh thiết. Sau đó ông ấy nói: “Chúng tôi rất xin lỗi, bà đã đúng, đúng là bệnh ung thư”.
Cho nên hãy luôn đặt câu hỏi và tranh luận với bác sĩ nếu bạn tin mình đúng.
* Bà vượt qua cú sốc đó như thế nào?
– Tôi có chồng bên cạnh, anh ấy là một sự hỗ trợ rất lớn. Đồng nghiệp của tôi ở Đại sứ quán Úc tại Jakarta cũng rất thông cảm, họ đã làm tất cả mọi thứ có thể để hỗ trợ tôi điều trị. Sau đó về Úc, tất cả gia đình và bạn bè đều giúp tôi vượt qua giai đoạn đó. Tôi đã không thể làm được gì nếu không có sự hỗ trợ từ chồng và gia đình mình.
Gia đình, người thân của tôi lúc đầu cũng hoàn toàn bị sốc. Mọi người đều khóc. Nhưng mẹ tôi là người từng chiến thắng bệnh ung thư, vì vậy chúng tôi biết rằng ung thư không có nghĩa là sẽ chết. Cả mẹ và dì tôi đều bị ung thư buồng trứng.
* Tôi được biết bà có một người cha tuyệt vời luôn bên cạnh bà trong những tháng ngày điều trị bệnh?
– Đúng vậy. Cha tôi luôn là sự ủng hộ lớn cho 3 người con gái của ông ấy. Tôi không có anh em trai, nhưng cha tôi luôn dạy chúng tôi rằng: các con có thể làm bất cứ điều gì mình muốn dù là con gái hay con trai. Ông đã ở bên cạnh tôi suốt quãng thời gian chữa bệnh, luôn luôn ủng hộ.
Và khi bệnh tình của tôi khá hơn, ông bắt đầu tham gia các sự kiện đi bộ ủng hộ bệnh nhân ung thư vú. Cả gia đình tôi đều tham gia, nhưng cha tôi mặc trang phục màu hồng (màu biểu tượng cho việc chống lại ung thư vú) từ đầu đến chân. Ông thậm chí còn… nhuộm râu màu hồng, đội tóc giả màu hồng, mỗi năm ông lại đi bộ 10km vì bệnh nhân ung thư vú. Với tôi, ông ấy là một động lực cực kỳ tuyệt vời.
“Nhìn tôi này…”
* Cuối tháng 10 vừa rồi, bà được mời tham gia ngày hội Nón hồng, một sự kiện của mạng lưới ung thư vú VN. Câu chuyện của bà đã nhận được những tràng pháo tay của những người tham gia ngày hội. Bà cảm thấy như thế nào?
– Tôi thực sự rất hạnh phúc, bởi vì tôi là một người sống sót sau ung thư vú. Cũng phải mất nhiều năm thì nhận thức về ung thư vú mới được phổ biến rộng rãi ở Úc. Khi tôi còn trẻ, đó là điều không nhiều người nói, không nhận thức được nó hoặc có thể nghĩ rằng nếu ai đó bị chẩn đoán mắc ung thư vú có nghĩa là họ sẽ chết.
Vì vậy, tôi muốn làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ những phụ nữ khác và nói với mọi người điều mà chúng tôi vẫn thường nói ở Úc: ung thư không phải là một bản án, bạn bị ung thư không có nghĩa là bạn sẽ chết. Tôi muốn lan truyền thông điệp đó và giúp những người phụ nữ khác ý thức về căn bệnh này và kiểm tra vú định kỳ.
* Nhưng không phải ai cũng lạc quan nghĩ rằng ung thư không phải là chết!
– Đó là lý do mà tôi lấy làm vui lòng khi chia sẻ câu chuyện hành trình vượt qua bệnh tình của mình. Thậm chí tôi còn đăng một bức ảnh lúc tôi bị rụng hết tóc nữa. Tôi nghĩ rằng càng có nhiều người nói về nó thì càng tốt hơn. Giống như tôi, khi tôi nói: “Nhìn tôi này, tôi từng bị ung thư và tôi vẫn còn sống, bạn cũng có thể sống và mọi chuyện sẽ ổn”.
Đó là cách để thay đổi thái độ của mọi người, thay đổi nhận thức về căn bệnh, nói chuyện về nó và khuyến khích người khác nói về nó nữa.
* Bà đã hoàn tất việc điều trị bao lâu rồi?
– Tôi bị chẩn đoán mắc ung thư vú năm 2008, khi đang là tham tán công sứ tại Đại sứ quán Úc ở Indonesia. Lúc phát hiện bệnh, tôi sang Singapore điều trị một thời gian trước khi về Úc để hoàn tất việc điều trị. Tôi đã nghỉ việc một thời gian để tập trung lo cho sức khoẻ của mình. Tôi đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ một bên vú và các hạch bạch huyết bên dưới cánh tay tôi trước khi hóa trị, xạ trị. Đến năm 2009, tôi hoàn tất việc điều trị.
Tôi vẫn kiểm tra định kỳ hằng năm gồm chụp nhũ ảnh, siêu âm, đi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để kiểm tra và chắc chắn mình không sao. Đến nay mọi thứ vẫn ổn.
Hãy chiến đấu như một cô gái
* Có lúc nào bà cảm thấy tuyệt vọng, chẳng hạn lúc rụng hết tóc?
– Ôi, rụng tóc chẳng là gì với tôi cả. Tóc rụng rồi lại mọc đấy mà. Cũng may là lúc đầu trọc, nhìn tôi cũng… không đến nỗi nào!
Nếu mà nói buồn thì chắc là lúc tôi phẫu thuật xong và cảm thấy có quá nhiều thứ xảy ra. Tất nhiên là tôi cũng có thể buồn chứ vì không hiểu tại sao chuyện đó lại xảy đến với mình, cảm thấy cuộc đời mình đã chấm dứt, nhưng mà cảm giác đó chỉ diễn ra vài ngày. Cứ hỏi “tại sao?” chẳng giúp ích được gì cả, nên tôi không nghĩ nữa và tiếp tục chiến đấu.
* Tôi cảm nhận bà là một phụ nữ rất lạc quan. Trong điều trị ung thư, sự lạc quan có tác dụng như thế nào?
– Đó là lý do mà giờ này tôi vẫn ở đây. Khi bạn bị bệnh, điều quan trọng là bạn phải có thái độ lạc quan và tích cực. Nó giúp bạn chống lại bệnh tật.
Tôi nghĩ rằng nếu bạn buông xuôi, nói rằng “tôi bị ung thư, tôi sẽ chết” và tự cô lập mình thì có khả năng chuyện đó sẽ thành sự thật. Nhưng nếu bạn nói “tôi bị ung thư, tôi có thể đánh bại nó, tôi sẽ chiến đấu với nó” thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Khi tôi phát hiện mình bị ung thư, tôi ngừng uống các thứ có cồn, đảm bảo chế độ ăn uống sạch sẽ, ngủ nhiều, tập thể dục nhiều, làm tất cả những gì mình phải làm.
Điều đó có nghĩa chính bạn là người đưa ra quyết định làm cho mình tốt hơn.
* Nhìn lại chặng đường đã qua, nếu phải dùng một từ để diễn tả, bà sẽ chọn từ gì?
– Mạnh mẽ. Bạn phải mạnh mẽ theo nhiều cách, đủ mạnh mẽ để đặt các câu hỏi, đủ mạnh mẽ để chiến đấu, đủ mạnh mẽ để giúp đỡ người khác khi kết thúc việc điều trị của mình.
Có lần chúng tôi chụp một bức ảnh để nâng cao nhận thức về ung thư vú và một trong những tấm biển mà tôi thích nhất là “Hãy chiến đấu như một cô gái”. Họ là những chiến binh. Tôi nghĩ điều quan trọng là phụ nữ cần mạnh mẽ lên và chiến đấu lại căn bệnh của mình.
* Bà có lời khuyên nào dành cho bệnh nhân ung thư?
– Tôi biết rằng phụ nữ rất ngại nói chuyện về cơ thể mình trước công chúng. Ở Úc, cũng từng có thế hệ mà phụ nữ không nói chuyện này trước công chúng vì đó là… vú. Nhưng mà không chỉ là chuyện ngực, mọi người cũng ngại nói về ung thư.
Tôi nghĩ nếu chúng ta không nói ra, sẽ có nhiều người hơn chết vì ung thư vú. Vì vậy, cách để giúp những phụ nữ khác là vượt qua được định kiến đó, khi đó chúng ta có thể nói về cơ thể mình, về ung thư, về chiến thắng ung thư.
Hãy trang bị kiến thức cho mình, tìm hiểu hết mức có thể về bệnh tình của mình một khi đã được chẩn đoán mắc bệnh. Hãy hỏi bác sĩ thật nhiều câu hỏi, hỏi mọi thứ mà họ nói với bạn và chắc chắn bạn thấy thoải mái với những gì bạn nghe. Đó là cơ thể của bạn, cuộc sống của bạn nên cứ hỏi đi.
Đồng thời, hãy giữ cho mình thái độ lạc quan và nhận sự hỗ trợ từ những người xung quanh, điều đó sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội sống hơn.
Bà Karen Lanyon chia sẻ về quá trình điều trị ung thư tại ngày hội Nón hồng 2017, sau lưng bà là hình ảnh những người thân đã đồng hành cùng bà vượt qua ung thư – Ảnh: NGỌC HIỂN
Sẵn sàng hỗ trợ
Trước khi đến VN làm tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, bà Karen Lanyon từng là tổng lãnh sự Úc tại Los Angeles (Mỹ), tham tán công sứ ở Đại sứ quán Úc tại Indonesia, phó đại sứ Úc tại Campuchia, giám đốc Bộ Ngoại giao và thương mại Úc tại Sydney…
Bà Karen Lanyon đã ủng hộ các hoạt động của Mạng lưới ung thư vú VN dựa trên mô hình mạng lưới ung thư vú của Úc. Theo bà, Chính phủ Úc và cơ quan Tổng lãnh sự quán Úc sẵn sàng hỗ trợ các mạng lưới ung thư vú tại VN để giúp mạng lưới này phát triển và nâng cao nhận thức về ung thư vú đối với phụ nữ Việt.