‘Thuốc đặc hiệu’ trị tham nhũng đang bị pha loãng
Minh bạch tài sản trước mắt tập trung vào những người có quyền lực để tư lợi, có khả năng phương hại đến công quỹ – đại biểu Dương Trung Quốc nói.
‘Thuốc đặc hiệu’ trị tham nhũng đang bị pha loãng.
Minh bạch tài sản trước mắt tập trung vào những người có quyền lực để tư lợi, có khả năng phương hại đến công quỹ – đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Phát biểu tại phiên thảo luận sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng sáng nay 21-11, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định tham nhũng là là căn bệnh cần thuốc đặc hiệu.
“Nhưng xu thế hiện nay, tôi cảm thấy chúng ta đang pha loãng ra, làm mất đi hiệu lực thực sự”, ông Quốc nói.
Theo đại biểu là nhà sử học, cần xác định rõ nội hàm của tham nhũng: Tài sản bất minh nhưng không phải do ăn cắp của nhà nước thì không thể gọi là tài sản tham nhũng. Phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và yêu tố phương hại đến công quỹ.
“Đã bao giờ chúng ta là một công chức, ký 2 chữ ký để lấy một món tiền gọi là phụ cấp đi họp không? Hành vi đó đã là tham nhũng, vì trái với luật pháp và phương hại đến công quỹ. Nếu tham nhũng là một căn bệnh thì những hành động như thế chính là cái sổ mũi, hắt xì hơi của bệnh tham nhũng”, ông Quốc ví von.
Chính vì vậy, theo đại biểu Đồng Nai, cơ chế chống tham nhũng phải được thay đổi cho hợp lý, không tràn lan, để tránh chỉ toàn bắt cá nhỏ mà để lọt cá to.
“Trước hết chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật, chứ không chỉ Luật Phòng chống tham nhũng. Còn phòng, chống tham nhũng tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu tư lợi”, ông Dương Trung Quốc nói.
Chuyện minh bạch tài sản, theo ông, là rất cần thiết trong xã hội hiện đại, các nước đã áp dụng. “Chúng ta chưa làm thì bây giờ phải làm từng bước, không phải chỉ công chức mà mọi người dân đều phải làm, mọi nguồn thu nhập đều phải làm. Nhưng trước mắt, tập trung vào những người có khả năng phương hại đến công quỹ”, theo ông Quốc như thế mới là thuốc đặc hiệu.
“Còn nếu chúng ta cứ pha loãng như thế này thì chỉ là một thứ uống vắcxin, cũng rất cần thiết, nhưng không khắc phục được thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gây bức xúc”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không đồng tình quan điểm rằng chúng ta đang “pha loãng” yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ông Hồng cho rằng trong dự thảo luật đã quy định rất rõ những đối tượng điều chỉnh.
Nhưng ông chia sẻ quan điểm mạnh mẽ đối với việc xử lý tài sản bất minh: “Xác định tội phạm theo pháp luật hình sự là theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng trong phòng, chống tham nhũng, theo tôi nên áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội – tài sản không chứng minh được nguồn gốc là tài sản bất minh”.
Ông Hồng nhận định các nước đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả chính là nhờ chế định suy đoán có vi phạm này.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cũng muốn luật sửa đổi xử lý thật nghiêm vấn đề tài sản tham nhũng để làm cho người ta không dám tham nhũng.
“Dự thảo quy định rất nguyên tắc là ‘tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu’. Theo tôi, cần quy định đầy đủ, rõ ràng là việc thu hồi phải triệt để, dù tài sản tham nhũng đó có bị tẩu tán đến đâu, do ai đứng tên. Không chỉ người phạm tội có nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu tài sản tham nhũng cũng có nghĩa vụ hoàn trả, bồi thường”, ông Chương nói.