28/11/2024

Phố bích hoạ ở Hà Nội: cơ hội đánh thức giá trị di sản văn hoá

Dự án Bích hoạ trên phố Phùng Hưng xây dựng trên cơ sở chương trình Đưa nghệ thuật vào không gian sống dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11-2017.

 

Phố bích hoạ ở Hà Nội: cơ hội đánh thức giá trị di sản văn hoá.

 

Dự án Bích hoạ trên phố Phùng Hưng xây dựng trên cơ sở chương trình Đưa nghệ thuật vào không gian sống dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11-2017.


Phố bích hoạ ở Hà Nội: cơ hội đánh thức giá trị di sản văn hoá - Ảnh 1.

PGS. TS Dương Tuấn Anh đang trao đổi với KTS Trần Huy Ánh về một bức hoạ dự định sẽ được đặt trên phố Phùng Hưng – Ảnh: V.V.TUÂN

Phố bích hoạ này do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) thực hiện.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc toạ đàm nghệ thuật Bích hoạ trên phố Phùng Hưng diễn ra sáng 20-10 tại Hà Nội.

Phố Phùng Hưng mang diện mạo mới

Dự án Bích hoạ trên phố Phùng Hưng được xây dựng trên cơ sở chương trình Đưa nghệ thuật vào không gian sống do UN-Habitat phối hợp cùng Korea Foundation thực hiện tại các thành phố VN từ năm 2015.

 

Địa điểm triển khai dự án bích hoạ là mặt vòm phía Đông ngã ba phố Phùng Hưng – Lê Văn Linh đến đến phố Hàng Cót.

Ông Phạm Tuấn Long, phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, dự án bích hoạ trên phố Phùng Hưng bao gồm ba giai đoạn và được triển khai ngay trong tháng 10, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn thành.

TS Nguyễn Quang, giám đốc UN-Habitat nhấn mạnh, dự án này được thực hiện “với mong muốn không chỉ gìn giữ các di sản, làm đẹp không gian đô thị mà còn “làm mới” những nét đẹp đó, để chúng thực sự là những di sản “sống”, cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế – xã hội của người dân Hà Nội.

Đây là không gian công cộng tạo ra những sáng kiến, sự tương tác giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy đối thoại, hoà nhập”.

Dự án sẽ bao gồm 19 tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc với những đề tài phản ánh đời sống sinh hoạt đặc trưng của người dân cũng như lịch sử, văn hoá Hà Nội. 

Các nghệ sĩ Hàn Quốc mang đến 8 tác phẩm như: Biểu tượng hồ Gươm, Ký ức một thời, Phố Phùng Hưng với những gánh hàng hoa, Hoàn Kiếm – đổi mới; Phong cảnh Seoul, Khung cảnh thời kỳ bao cấp, Cầu đường sắt Long Biên….

Các nghệ sĩ Việt Nam mang đến 10 tác phẩm: 

– Triệu Minh Hải biến vòm cầu thành sân khấu rối trúc và khán giả có thể tham gia vào trò chơi

– Lê Giang biến vòm cầu thành bảo tàng nho nhỏ về lịch sử cầu Long Biên

– Cấn Văn Ân lại làm bức tranh gỉa lập bức tường vòm cầu với con đường xuyên qua như chưa hề bị bịt kín

“Bức tường đá Phùng Hưng là chất liệu nghệ thuật tuyệt vời tạo cảm hứng cho chúng tôi.

Sự khác biệt của dự án này là sẽ có sự tương tác của những tác phẩm nghệ thuật với công chúng”, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trí Mạnh thay mặt các nghệ sĩ Việt Nam chia sẻ.

– Nguyễn Thế Sơn gợi mô hình máy nước công cộng thời bao cấp trên phố Phùng Hưng

– Trần Hậu Yên Thế biến vòm đá trở thành bức tường lịch sử của căn nhà 63 Phùng Hưng gợi lại ký ức Hà Nội một thời

– Thông Minh Hải lồng ghép bối ảnh phố cổ đen trắng tương tác với con người đời sống hiện đại…

Các nghệ sĩ hai nước còn chung tay thực hiện bức hoạ Bước đi trên phố Hàng Mã với hình ảnh hai người Hàn Quốc đang đi bộ trên phố này.

Ông Park Kyoung Chul, trưởng đại diện Korea Foundation tại Hà Nội kỳ vọng: “Đây không chỉ là dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàn lại diện mạo của một công trình mà là một diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hoá”.

Phố bích hoạ ở Hà Nội: cơ hội đánh thức giá trị di sản văn hoá - Ảnh 4.

Bức hoạ Bước đi trên phố Hàng Mã do các nghệ sĩ hai nước Việt – Hàn cùng thực hiện – Ảnh: V.V.TUÂN

Ranh giới mỏng manh làng bích hoạ trở thành làng… thảm hoạRanh giới mỏng manh làng bích hoạ trở thành làng… thảm hoạ

TTO – Đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê chia sẻ với Tuổi Trẻ online những suy nghĩ của chị về những bức bích họa nơi làng quê mà theo chị là ‘thiếu hiểu biết và tầm văn hoá’.

Còn đó những băn khoăn

Thông tin dự án Bích hoạ trên phố Phùng Hưng đã tạo nên cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở của các nghệ sĩ tham dự toạ đàm. Bên cạnh những bức hoạ gây ấn tượng tốt cho người xem ngay từ đầu thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

PGS. TS Dương Tuấn Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội đồng tình, dự án này cần thiết, nhưng khác với làng bích hoạ Tam Thanh (Quảng Ngãi), khi xây dựng phố bích hoạ Phùng Hưng sẽ động chạm đến nhiều định kiến. 

“Nhiều tác phẩm đã tái hiện lại cảm xúc của tôi về phố cổ, nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Nhưng cũng có những tác phẩm khiến tôi hơi băn khoăn, lo lắng.

Đó là bức tranh của Cấn Văn Ân, khi sự sống chỉ là cái bóng thì đứng còn con người thật lại nằm.

Nhìn vào bức tranh ấy tôi không thấy không hướng đến một tương lai tốt đẹp mà gợi lên đau khổ, mất mát.

Công chúng khi xem sẽ không được nghe các tác giả giải thích cặn kẽ như hôm nay, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng”, anh Tuấn Anh cảm nhận.

 

KTS Trần Huy Ánh lại có quan điểm khác về bức tranh này: 

“Bức tranh đã tạo được ấn tượng là điều rất tốt. Nhưng có lẽ chúng ta nhìn cuộc sống màu hồng đã quen mắt. 

Còn sinh viên Cấn Văn Ân lại nói lên những lo lắng trong tương lai với nhiều thách thức. 

Nên có cách cảm nhận mở lòng thì mới đón nhận được các tác phẩm nghệ thuật đương đại”, ông Ánh bày tỏ. 

Dù cho rằng đây là thời điểm chín muồi để khởi động dự án cộng đồng Bích hoạ trên phố Phùng Hưng, nhưng KTS Nguyễn Hồng Thục băn khoăn vì chưa nhìn thấy ý đồ xuyên suốt của quận Hoàn Kiếm trong tầm nhìn toàn cảnh về đô thị, cảnh quan. 

Bà nói: “Có những bức tranh ẩn chứa lịch sử Hà Nội với tay nghề cao, nhưng cũng có bức tranh gợi điều gì đó không phải là biểu trưng của Hà Nội mà gợi nhiều liên tưởng quá. 

Nên tránh nhắc lại hồ Gươm, chợ Đồng Xuân hay cảnh sinh hoạt ở phố cổ bởi những địa danh này ở gần ngay đó và đã quá sinh động rồi. 

Phải có quan điểm nghệ thuật xuyên suốt toàn tuyến phố làm bích hoạ, chứ không phải chỉ là những bức tranh được ghép lại với nhau một cách đơn giản thế này”.

Phố bích hoạ ở Hà Nội: cơ hội đánh thức giá trị di sản văn hoá - Ảnh 7.

Mô hình Bích hoạ trên phố Phùng Hưng được trưng bày bên lề toạ đàm – Ảnh: V.V.TUÂN

Với quan điểm dung hoà, bà Phạm Thanh Hường, trưởng Ban Khoa học – Văn hoá UNESCO tại Việt Nam cho rằng, những ý kiến khác nhau về bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng là bình thường. 

Bởi mỗi người có kỷ niệm, sự kết nối và phông văn hoá khác nhau nên có cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, bà lưu ý, để tạo ra không gian nghệ thuật cộng đồng thì không nên đưa vào những quan điểm quá hàn lâm mà cần tạo điều kiện mở để mọi người được tiếp cận nghệ thuật.

“Xa hơn, tuyến phố có thể là tụ điểm nghệ thuật để các nghệ sĩ triển khai ý tưởng mới. Nhưng quan trọng là nghệ thuật phục vụ cộng đồng thì người dân phải được hưởng lợi từ dự án”.

TS Đinh Hồng Hải, Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn Hà Nội nhìn nhận những dự án nghệ thuật cộng đồng này sẽ cứu vãn Hà Nội trong bối cảnh di sản đô thị bị tàn phá khủng khiếp không gì ngăn cản nổi hiện nay. 

Ông đề xuất, có thể biến không gian phố Phùng Hưng thành sân chơi nghệ thuật cho các nghệ sĩ, cộng đồng và những người yêu nghệ thuật bằng cách thường xuyên thay mới các bức bích hoạ ở đây. 

VŨ VIẾT TUÂN