Nhận hạnh phúc toả yêu thương
“Hạnh phúc là một bổn phận đạo đức” – câu nói này được TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, dẫn ra tại buổi toạ đàm “Mỗi ngày một giờ hạnh phúc” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 16-11.
Nhận hạnh phúc toả yêu thương.
“Hạnh phúc là một bổn phận đạo đức” – câu nói này được TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, dẫn ra tại buổi toạ đàm “Mỗi ngày một giờ hạnh phúc” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 16-11.
Khi công việc bận rộn, lâu lâu chúng ta nên dừng lại để thở và mỉm cười, có thời gian để lắng lại, để tập thể dục, gặp bạn bè, nghe nhạc, dành thời gian gần gũi với các thành viên trong gia đình
TS Phạm Thị Thúy
TS Thúy cho rằng chúng ta hạnh phúc thì mới giúp cho những người xung quanh hạnh phúc. Còn nếu chúng ta căng thẳng, cau có, bực bội, những người thân yêu của chúng ta không thể hạnh phúc được.
Hạnh phúc như từ trường
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh – phòng khám tâm lý và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – kể cách đây vài tháng, một người ung thư hơn 50 tuổi đến phòng khám tâm lý để được hỗ trợ về tâm lý vì muốn được kéo dài sự sống.
Dù biết đây là căn bệnh nan y nhưng bản thân người bệnh lại rất muốn sống tiếp, muốn tận hưởng cuộc sống. Và từ khi mắc bệnh ung thư, người bệnh này cảm thấy đó là một ngã rẽ, chứ không phải là sự kết thúc.
Bác sĩ Minh nói rằng chính từ người bệnh này, các bác sĩ là những người được truyền lối sống lạc quan và năng lượng tích cực.
“Trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, từ những người bệnh có tinh thần tích cực, mình học hỏi được rất nhiều. Năng lượng tích cực từ bệnh nhân lan truyền cho mình, cho người nhà”- BS Minh nói.
BS Trần Duy Tâm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM – cũng cho rằng hạnh phúc của con người giống như từ trường, tỏa ra xung quanh và tạo nên môi trường tâm lý hạnh phúc.
Hạnh phúc có sự tương tác, có cho và có nhận, bởi không ai hạnh phúc khi mọi người xung quanh có những cảm xúc khác biệt.
Hạnh phúc cũng là sự tương tác về cảm xúc. Khi một người phóng chiếu cảm xúc tích cực cho người khác hay được người khác phóng chiếu cảm xúc tích cực lại thì sẽ cảm thấy thoải mái. “Cảm xúc giống như tấm gương, khi cười thì hình ảnh trong gương cũng cười lại”- BS Tâm so sánh.
Ý nghĩ tích cực sẽ làm cơ thể dễ chịu
TS Thúy cho biết về mặt tâm lý, khi sống hạnh phúc sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị và cảm thấy rất khoẻ. Khoẻ theo nghĩa là trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội. Đó là không bệnh, có niềm vui và mối quan hệ với mọi người tốt hơn.
Xét về mặt sinh lý học thần kinh, BS Tâm nhận định những khoảnh khắc hạnh phúc giúp cho não bộ tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh.
Đó là những chất kết nối những vùng của thần kinh với nhau như những tín hiệu, và tới điểm cuối cùng sẽ tạo nên một hiệu ứng nào đó, ví dụ như cảm giác êm dịu, dễ chịu, vui vẻ, hứng khởi…
Theo BS Tâm, có nhiều yếu tố dẫn đến stress trong cuộc sống như chuyện riêng gia đình, chuyện tiền bạc, việc làm, liên quan đến toà án, kiện cáo…
Ngay cả những yếu tố tích cực như chuẩn bị kết hôn cũng làm con người bị stress. Những điều này làm cho cuộc sống con người thay đổi, dẫn đến lo lắng, căng thẳng, xuống tinh thần.
Tuy nhiên, những người đến phòng khám chỉ là phần nổi của tảng băng, chỉ khoảng 10-30%. Còn đến 70% là phần chìm, là những người không đi khám và tự xoay xở.
Trong mỗi con người đều có khả năng thích nghi, có người đương đầu, chống lại stress, nhưng những người không làm được thì chấp nhận “sống chung với lũ”.
Hãy trò chuyện nhẹ nhàng
TS Thúy cho rằng nụ cười giúp con người kết nối với nhau. Một nghiên cứu mới đây cho thấy chính mối quan hệ xã hội tích cực mới làm cho con người hạnh phúc nhất chứ không phải là những điều đạt được.
TS Thúy lấy ví dụ thay vì sáng dậy la hét lên để gọi con dậy thì đến gần con vỗ nhẹ, ôm con và nhẹ nhàng gọi con dậy. Bởi vì đằng nào con cũng dậy, nếu lớn tiếng dễ làm cho con bị cau có, khó chịu.
BS Tâm nói nụ cười là sự thoải mái, được phóng thích một cách bản năng như là một phản xạ. “Nụ cười cũng mang ý nghĩa giao tiếp về xã hội, và đó là cách mình truyền cảm hứng cho người khác. Không ai dễ dàng gây lộn với một người đang mỉm cười với mình cả” – BS Tâm nói.
Để cảm thấy vui vẻ và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, các bác sĩ khuyến cáo khi làm bất cứ việc gì nên nghĩ đến những khía cạnh tích cực.
Công việc chiếm nhiều thời gian của mỗi người nên được làm công việc yêu thích là điều may mắn. Vì thế, sống có đam mê, có lẽ sống là cực kỳ quan trọng.
TS Thuý đúc kết: “Có những hạnh phúc tự nhiên đến và cũng có những hạnh phúc có thể luyện tập được. Từ luyện tập sẽ tạo ra thói quen, ví dụ như nên tạo thói quen cười khi gặp người khác”.