Đề án không khả thi không thể thông qua
Từ năm 2018 đến 2025 liệu có bổ sung được 9.000 tiến sĩ? Chưa kể quy mô phải đi liền với chất lượng.
Đề án không khả thi không thể thông qua.
Từ năm 2018 đến 2025 liệu có bổ sung được 9.000 tiến sĩ? Chưa kể quy mô phải đi liền với chất lượng.
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Triệu Thế Hùng – uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định như thế khi trao đổi với Tuổi Trẻ về đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT.
Nhìn lại cái cũ để làm tốt hơn cái mới
– Trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương, việc quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố quan trọng quyết định đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thực tiễn ở nước ta đã có những đề án đào tạo, bồi đưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), nhưng hiệu quả mang lại còn nhiều hạn chế, khiến dư luận bức xúc.
Chẳng hạn Đề án 911 đang thực hiện dở dang, với đích đến năm 2020 tối thiểu đào tạo 20.000 tiến sĩ. Song hiện đã thấy rõ kết quả hoàn thành chắc chắn sẽ là quá ít so với mục tiêu được cam kết.
Đó là mới xét theo số lượng thuần túy. Còn chất lượng ra sao, hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp giáo dục ĐH của đội ngũ này sau khi đã được đào tạo đến đâu, thì thực tế chưa thấy có tổng kết nghiêm túc.
* Hiện tại vẫn có hàng nghìn người thụ hưởng đề án 911 đang làm nghiên cứu sinh. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo cho một đề án mới với mục tiêu đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ cho các trường ĐH và dự định sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2018. Ông có cho rằng đề án mới đã đến thời điểm chín muồi để khởi động?
– Việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và CBQLGD lúc nào cũng rất cần thiết. Những người đang được hưởng thụ kinh phí đào tạo từ đề án 991 cần được tiếp tục bảo đảm các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu sinh như mà đề án đã cam kết.
Tuy nhiên, trước khi bổ sung, điều chỉnh đề án đang thực hiện, hoặc xây dựng hẳn một đề án mới tiếp nối với mục đích đề án 911, cần tổng kết, đánh giá cụ thể, khách quan những ưu điểm cần phát huy và cả những tồn tại, hạn chế, những vấn đề không khả thi…
Nghĩa là phải thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch để xã hội biết và giám sát.
* Việc tổng kết đề án cũ trước khi triển khai đề án mới có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
– Phải nhìn vào cái cũ, cái đã và đang làm để rút kinh nghiệm, tiếp tục làm tốt hơn hoặc để bắt tay vào cái mới hiệu quả hơn. Phải đánh giá nghiêm túc những nguyên nhân khiến đề án trước đó vướng mắc gì mà chưa thành công.
Có thể mong muốn thì đúng, nhưng khi triển khai thực tế thì phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục.
Việc đánh giá đúng tình hình rất quan trọng, tránh hình thức, hoặc né tránh đối diện với sự thật. Hiện tại Bộ GD-ĐT đang đứng trước nhiều đề án lớn về giáo dục. Nếu không đánh giá đúng các khả năng, điều kiện, nhu cầu thực tiễn, sẽ rất khó khăn cho xây dựng và thông qua các đề án đang dự thảo và trong tương lai.
Tôi cho rằng phải xem xét lại một cách nghiêm túc những đề án đã và đang thực hiện, nghiêm khắc rút kinh nghiệm, tránh chỉ viết báo cáo tổng kết một cách hình thức.
Nói không xa, đã đến thời hạn 3 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Đề án của Chính phủ. Vậy nhưng trong vài ngày tới, Quốc hội phải bấm nút thông qua việc lùi lại thời hạn thực hiện.
Nhưng kể cả tại thời điểm này, khi Chính phủ nhất quyết đề nghị lùi lại một năm, thì nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi, vẫn cảm thấy lo lắng.
Ngay trong hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội, tôi đã thấy băn khoăn trước những tổng kết, đánh giá về nguyên nhân, lý do dẫn đến chậm tiến độ và việc lùi thời gian 1 năm để áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới là thiếu sức thuyết phục.
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, khối lượng công việc còn phải làm rất lớn. Rất nhiều khả năng sau một năm nữa có thể chúng tôi sẽ phải tiếp tục bấm nút để lùi đề án lại một lần nữa, hay buộc phải khiên cưỡng chấp nhận một đề án không đầy đặn về nội dung và chất lượng mà chỉ đạt được yêu cầu duy nhất về thời gian.
Không hẳn nhiều tiến sĩ là giáo dục đại học phát triển
* Quay lại với dự thảo đề án mới hướng đến đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ trong tương lai, ông có “đặt hàng” gì với Bộ GD-ĐT?
- Nếu xây dựng đề án mới, Bộ GD-ĐT nên đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục ĐH nói riêng. Phải tạo được sự đồng bộ từ chính sách, pháp luật về giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất cùng với việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, CBQLGD.
Trong đó, chú trọng cả chính sách thu hút, chứ không chỉ đào tạo. Làm sao để huy động được các chuyên gia giỏi, những người đã được đào tạo chất lượng và trình độ cao tham gia giảng dạy ĐH.
Có rất nhiều vấn đề được đặt ra, cần phải giải quyết một cách căn cơ, chứ không phải chỉ làm tăng số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ là giáo dục ĐH phát triển.
Một người được đào tạo thành tiến sĩ mới chỉ có thể có khả năng nghiên cứu, làm khoa học. Để thành giảng viên, còn cần được đào tạo về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và không ngừng tích lũy kinh nghiệm thực tế…
Đề án cũng không nên chỉ quan tâm đến các cơ sở giáo dục ĐH công lập mà phải tạo được sự bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư trong tiếp cận và thụ hưởng đề án.
Rõ ràng rất nhiều vấn đề chi tiết đặt ra và đều quan trọng như nhau chứ không chỉ riêng con số 9.000 tân tiến sĩ tương lai.
* Nhiều chuyên gia khẳng định với một số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng phải cân nhắc rất kỹ để tránh lãng phí. Còn ý kiến của ông?
– Thời gian qua có nhiều đề án, dự án tiêu tốn những gói tiền khổng lồ mà không hiệu quả, không chỉ gây thất thoát khủng khiếp cho nền kinh tế mà còn gây bức xúc, chấn động tâm lý trong nhân dân. Vì thế, những lo lắng ấy là chính đáng trước những đề án đã và đang được xây dựng.
Tuy nhiên, lo lắng không có nghĩa là không dám mạnh dạn đầu tư, nhất là đầu tư cho phát triển giáo dục. Chúng ta đang rất cần một nền kinh tế tri thức, cần nguồn nhân lực chất lượng cao đủ mạnh.
Muốn vậy, giáo dục ĐH phải cất cánh với nền tảng không thể thiếu từ chính người thầy. Nhưng dù có tha thiết đến mấy với mục tiêu này, cũng phải tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi của việc thực hiện.
Con số 12.000 tỉ đồng đúng là không nhỏ. Vì vậy, cùng những luận chứng đầy đủ và minh bạch, phải chắc chắn về hiệu quả sử dụng nguồn tài chính này. Nếu không có tính khả thi cao, thì đề án không thể thông qua, đó là trách nhiệm với nhân dân, với đất nước.
Nói đến đề án là nói đến kinh phí. Việc sử dụng kinh phí cho đề án bằng bất cứ nguồn nào cũng là tiền của dân, cần được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cao”
Ông Triệu Thế Hùng
9.000 tiến sĩ trong 7-8 năm là rất khó
“Đi liền với kinh phí là mục tiêu của đề án. Từ năm 2018 đến 2025 liệu có bổ sung được 9.000 tiến sĩ? Chưa kể quy mô phải đi liền với chất lượng. Nếu mở rộng tiêu chí “chạy” theo số lượng thì liệu có đảm bảo chất lượng ở cấp học vị cao nhất này? Còn nếu chặt chẽ về chất lượng thì có đảm bảo được mục tiêu quy mô?
Để có 9.000 tấm bằng tiến sĩ trong vòng 7-8 năm đã rất khó, còn để đào tạo, thu hút được 9.000 vị tiến sĩ có trình độ tiến sĩ thật, có khả năng sư phạm để trở thành giảng viên ĐH thì càng không dễ dàng chút nào.
Đề án chưa đủ sức thuyết phục để trả lời tất cả các câu hỏi, các giả thiết khoa học và thực tiễn. Chưa thấy có tổng kết đề án 911, nhưng nhìn lại thì thấy từ năm 2010 đến nay, chúng ta chưa đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ làm giảng viên và ngân sách Nhà nước chi cho đề án hằng năm không tiêu hết, vẫn còn thừa rất nhiều…
Tôi cho rằng dự thảo đề án này cần có sự nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, tính thực tiễn cao và có trách nhiệm hơn, thuyết phục được đông đảo người dân đồng tình, tham gia và giám sát tiến trình, tiến độ thực hiện đề án” – ông Triệu Thế Hùng.