Lúng túng trong xử lý vi phạm bản quyền
Vụ phim Cô Ba Sài Gòn bị live stream trái phép khi vừa ra rạp cho thấy nạn vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng nhưng việc xử lý lại chưa triệt để.
Lúng túng trong xử lý vi phạm bản quyền.
Cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn
Phim vừa ra rạp đã bị vi phạm
Sáng 15.11, đạo diễn – diễn viên Ngô Thanh Vân đã cùng đại diện nhà phát hành là Công ty BHD có mặt tại trụ sở Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tố cáo về vụ việc live stream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn khi vừa ra rạp tại tỉnh này. Thủ phạm đã được xác định là N.V.T, sinh năm 1998, sống tại Vũng Tàu.
Đây không phải là lần đầu tiên điện ảnh Việt bị vi phạm bản quyền trắng trợn ngay trong rạp phim. Tháng 4.2017, bộ phim Em chưa 18 từng bị một khán giả nữ live stream ngay từ cụm rạp CGV Cần Thơ trong suất chiếu sớm. Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân cũng bị một khán giả nữ trẻ tại một rạp ở Q.7, TP.HCM live stream hồi tháng 6.2017.
Nhiều phim Việt khác cũng là nạn nhân của việc xâm phạm bản quyền trên mạng, như bản full HD Bụi đời Chợ Lớn công khai xuất hiện trên nhiều trang phim tới 60 phút dù chưa ra rạp, hay Chạy đi rồi tính, Vòng eo 56, Dòng máu anh hùng, Cánh đồng bất tận, Chàng trai năm ấy, Để Mai tính 2, Siêu nhân X, Ngày nảy ngày nay, Yêu, Mỹ nhân kế… khiến nhà sản xuất cùng ê kíp làm phim bức xúc.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CGV, phía cụm rạp thường chỉ có thể xử lý vi phạm bằng cách xóa đoạn phim đã quay lén, lập biên bản mà không thể áp dụng hình phạt nào khác, hoặc giao thủ phạm cho công an. Đây cũng là cách xử lý tương tự mà cụm rạp BHD và các nhà phát hành khác đã làm. Các chủ rạp chưa thể yêu cầu khởi tố và đền bù do các thủ phạm live stream buổi chiếu phim chỉ phát tán trên mạng xã hội với mục tiêu câu like, câu view chứ không kinh doanh. Trường hợp phạt nặng nhất được ông Hoàng Hải dẫn chứng là một cá nhân quay lén phim trong rạp, sau đó phát tán lên trang xem phim trực tuyến với mục đích kinh doanh đã được giao cho công an xử lý; cá nhân này sau đó bị xử phạt vài chục triệu đồng.
Sách in lậu vi phạm bản quyền sách của First News bị thu giữ
Xin lỗi là… hoà cả làng
Nhiều người cho rằng việc xử lý vi phạm bản quyền văn học nghệ thuật tại nước ta hiện mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo rồi xin lỗi là… hòa cả làng, khiến nạn vi phạm tiếp tục lan tràn.
Hồi tháng 4.2017, nghệ sĩ Đinh Công Đạt từng tố cáo tác phẩm Đàn kiến của anh bị làm nhái và được trưng bày tại Phòng triển lãm thuộc Hội Mỹ thuật VN (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Sau khi được phản ảnh, phía Hội Mỹ thuật VN chỉ đề nghị bên trưng bày cất tác phẩm nhái đi, chứ không tiến hành truy cứu. Giải thích về điều này, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho biết đơn vị trưng bày là một gallery tư nhân thuê lại mặt bằng của Hội Mỹ thuật nên Hội không có quyền duyệt hoặc can thiệp vào những tác phẩm được trưng bày.
Xâm phạm quyền tác giả bị phạt đến 300 triệu đồng
“Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại VN, thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình…”. (trích điều 225, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, bộ luật Hình sự 2015)
Sau vụ việc 17 bức tranh trở về từ châu Âu bị hội đồng thẩm định quốc gia kết luận là giả và mạo danh, hồi tháng 8.2016, hoạ sĩ Thành Chương gửi đơn khiếu nại đến 9 cơ quan chức năng về bức tranh Trừu tượng bị mạo danh cố họa sĩ Tạ Tỵ, và gia đình con gái cố hoạ sĩ Tạ Tỵ cũng phát đơn kiện nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (chủ sở hữu 17 bức tranh trên). Tuy nhiên sau rất nhiều nỗ lực, tất cả đơn kiện, khiếu nại đều “chìm xuồng” và 17 bức tranh vẫn được trả về cho nhà sưu tập. Một số tố cáo tranh giả, tranh nhái tại Hà Nội vừa qua cũng chỉ được xử lý “nhẹ nhàng” giữa các bên có liên quan vì vướng nhiều quan hệ tình nghĩa, khó xử lý!
Tháng 8.2017, liên tục nhiều đơn vị xuất bản tố cáo bị Yeah1 Network vi phạm bản quyền sách số. Tuy nhiên sau khi đơn vị này công khai xin lỗi và tháo gỡ những phần bị vi phạm thì mọi việc cũng dừng lại.
Không nhân nhượng
Lần này, diễn viên – đạo diễn Ngô Thanh Vân đã tỏ ra quyết tâm bảo vệ đứa con tinh thần của mình: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng công an tỉnh điều tra tới cùng và sẽ nghiêm khắc với các hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra. Chúng tôi sẽ không nhân nhượng!”. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Công ty BHD, cũng cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm vì những hành vi này “góp phần giết chết ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước”.
Dù ít ỏi song cũng đã có một số chiến thắng dành cho những nhà sản xuất quyết tâm theo đuổi vụ kiện bản quyền tới cùng. Tháng 9.2012, Công ty First News đã thắng kiện Trường Anh văn Hội Việt Úc, và trường này bị buộc bồi thường 390 triệu đồng do vi phạm bản quyền sách của First News. Để có được kết quả này, First News đã thuê người điều tra, thu thập đủ bằng chứng vi phạm và nộp đơn kiện ra tòa từ tháng 11.2011.
Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, bộ luật Hình sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, với điều 344 về tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản, sẽ góp phần mạnh tay xử lý những kẻ vi phạm bản quyền.
Lucy Nguyễn